MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu tưởng niệm hòa bình Hiroshima là một trong số ít các tòa nhà còn sót lại sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố vào tháng 8.1945. Ảnh: Wiki

Lý do Nhật Bản chọn Hiroshima là nơi tổ chức thượng đỉnh G7

Song Minh LDO | 18/05/2023 06:00

Vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima ngày 6.8.1945 để lại ký ức dấu ấn không thể quên với thành phố và người dân thành phố, cũng như với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Đăng ký bầu cử ở Hiroshima, Thủ tướng Kishida Fumio là người thúc đẩy quyết định của Nhật Bản tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 trong tuần này tại thành phố Hiroshima ở phía tây đất nước.

Theo tờ Nikkei, một trong những mục tiêu chính trị chính của ông Kishida là hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Hồi tháng 1 năm nay, Thủ tướng Kishida phát biểu tại Washington, thế giới không nên coi nhẹ sự thật rằng, không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong 77 năm qua.

Sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ise-Shima vào năm 2016, ông Barack Obama trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm Hiroshima - một chuyến đi có ý nghĩa sâu sắc vì chính Mỹ đã thả bom nguyên tử xuống thành phố này trong giai đoạn cuối cùng của Thế chiến 2. 

Tuần này, Thủ tướng Kishida có kế hoạch đưa các nhà lãnh đạo khác đến Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, nơi trưng bày những hình ảnh về vụ tấn công.

Thành phố Hiroshima 1,2 triệu dân nằm trong một quận rộng lớn đối diện với biển nội địa Seto, nơi có nhiều hòn đảo nhỏ có người ở và không có người ở.

Cuối tuần trước, ông Kishida đã tới Hiroshima để thị sát địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh - khách sạn Grand Prince Hotel Hiroshima - cùng Công viên Tưởng niệm Hòa bình và đảo Miyajima.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (giữa) đến Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, ngày 13.5.2023. Ảnh: Kyodo

Hiroshima từng được sử dụng làm căn cứ vận chuyển binh lính và vật tư trong Chiến tranh Trung - Nhật 1894-1895, sau đó được phát triển thành một thành phố quân sự. Công ty tiền thân của nhà sản xuất ôtô Mazda có trụ sở tại Hiroshima cũng từng tham gia vào ngành công nghiệp vũ khí.

Thành phố Hiroshima được chọn vì đây là mục tiêu chiến lược hầu như không bị ảnh hưởng bởi vụ đánh bom thông thường, điều đó có nghĩa là tác động của việc thả một thiết bị hạt nhân có thể được đo lường chính xác.

Bởi vì nhiều người ở Mỹ cho rằng, các vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki đã đẩy nhanh sự kết thúc của Thế chiến 2, một số quan chức Mỹ đã thận trọng khi thảo luận về việc giải trừ hạt nhân ở Hiroshima.

Nhưng các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết, đã đạt được một thỏa thuận để thảo luận về vấn đề này vào tháng 3.2022, một tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Vị trí của Hiroshima được coi là cơ hội mang tính biểu tượng để G7 đoàn kết kêu gọi giải trừ quân bị và không triển khai vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraina chưa có hồi kết, động lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân đang được xây dựng một cách chậm chạp. Thay vì nhắm đến việc loại bỏ hạt nhân trong một bước duy nhất, bước đầu tiên có thể là cam kết không triển khai các loại vũ khí hạt nhân và tiết lộ thông tin về các khả năng hạt nhân.

Akira Kawasaki - thành viên nhóm chỉ đạo quốc tế của Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân - nói rằng, các nhà lãnh đạo G7 cần thay đổi chính sách của chính họ nhằm chuẩn bị cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân dưới danh nghĩa răn đe. Khi mối đe dọa hạt nhân càng gia tăng, Nhật Bản càng phải dựa vào khả năng răn đe hạt nhân dưới cái được gọi là chiếc ô hạt nhân của Mỹ.

Thành phố Hiroshima cũng đang kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Một quan chức thành phố cho hay, thông qua hội nghị G7, "tinh thần Hiroshima, tìm kiếm một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân, văn hóa truyền thống và ẩm thực địa phương sẽ được biết đến rộng rãi ở cả Nhật Bản và nước ngoài để thu hút du khách".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn