MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một người đàn ông trải lá cờ khổng lồ của Liên minh Châu Âu trước tòa nhà quốc hội Romania ở Bucharest. Ảnh: AFP

Lý do Romania âm thầm bắt kịp các nước láng giềng giàu có ở EU

Thanh Hà LDO | 11/01/2023 12:00
Nền kinh tế Romania dự kiến vượt xa các nước láng giềng trong năm nay, nhờ sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu (EU), tiền tệ ổn định và đầu tư nước ngoài tăng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến ​​mức tăng trưởng 3,1% cho Romania trong khi dự báo của Ủy ban Châu Âu (EC) cho nước này là 1,8%.

Dù với dự báo nào, Romania cũng vượt Ba Lan -  nơi có dự báo tăng trưởng 0,7% và Hungary - quốc gia đang trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm và lạm phát cao kỷ lục. 

Những diễn biến này xảy ra sau một thập kỷ, trong đó, Romania - một trong những quốc gia từ lâu được xem là nghèo nhất Châu Âu và có tiếng về tham nhũng - đã lặng lẽ  theo sát các nước láng giềng để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Âu sau Ba Lan.

Theo số liệu gần đây nhất từ Eurostat, GDP bình quân đầu người tính theo sức mua ở Romania năm 2021 là 74% mức trung bình của EU, tăng 21 điểm phần trăm kể từ năm 2010.

Một người Romania trung bình sẽ chi khoảng 20 tháng thu nhập ròng để mua một chiếc ôtô Dacia Jogger mới, tương tự như một người ở Hungary.

Sự chuyển đổi này đạt được dù Romania có những bất ổn chính trị, gần đây nhất là việc chính phủ sụp đổ năm 2021. Điều củng cố cho triển vọng của Romania là tư cách thành viên EU và mối quan hệ tốt đẹp với Brussels.

Trong khi Budapest và Warsaw đang trao đổi với EU về vấn đề quỹ phục hồi sau đại dịch thì Bucharest đã rút hơn 6 tỉ euro tiền trợ cấp và các khoản vay giá rẻ.

Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca cho biết, chính phủ đặt mục tiêu rút hơn 10 tỉ euro mỗi năm, tương đương với khoảng 4% GDP, trong số khoảng 90 tỉ euro tài trợ của EU dành cho Bucharest cho đến năm 2027.

Một số tiến bộ trong cải cách tư pháp của Romania khiến Ủy ban Châu Âu đề xuất vào tháng 11.2022 về việc dỡ bỏ cơ chế giám sát tư pháp đặc biệt mà nước này bị áp đặt kể từ khi gia nhập khối năm 2007.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Romania Klaus Iohannis. Ảnh: AFP

“Với điều kiện là tất cả các biện pháp chống tham nhũng trong chương trình quỹ phục hồi được thực hiện đúng cách, Romania có thể trở thành ví dụ về quản trị tốt trong khu vực” - một quan chức EU giấu tên cho biết.

Sự ổn định của đồng leu là một yếu tố khác, đặc biệt là so với đồng forint của Hungary - đồng tiền đã chạm mức thấp kỷ lục vào năm ngoái.

Mức lương cao hơn xuyên biên giới khiến một số người Hungary nhận việc làm ở khu vực miền tây công nghiệp hóa của Romania. 

Sandor Baja - Giám đốc điều hành tại Cộng hòa Czech, Hungary và Romania của công ty nhân sự Randstad - cho biết: “Đây là một diễn biến hoàn toàn mới và tôi sẽ cảnh báo bất kỳ ai (ở Hungary) về việc không nên làm suy yếu đồng forint hơn nữa hoặc không tăng lương tối thiểu”.

Trong cuộc khảo sát gần đây của Reuters, các nhà kinh tế nhận định, đồng forint sẽ trượt giá trở lại trong năm 2023, trong khi đồng leu yếu đi một chút.

Zoltan Dio, nhà thiết kế sân khấu sống gần thành phố lớn thứ hai của Hungary Debrecen, đã làm việc xuyên biên giới trong nhiều năm. Anh giữ một tài khoản ngân hàng ở Romania để phòng trường hợp đồng forint biến động, đồng tiền này đã mất giá 8% so với đồng leu vào năm 2022.

Các công ty chuyển từ Nga và Ukraina sang các trung tâm sản xuất chi phí thấp gần đó đã góp phần thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài của Romania lên 9,39 tỉ euro từ tháng 1 đến tháng 10.2022, con số lớn nhất trong 10 tháng kể từ khi Romania gia nhập EU.

Cuộc khảo sát năm 2022 của Ernst&Young nhận thấy hơn một nửa trong số 101 công ty nước ngoài dự định thành lập doanh nghiệp hoặc mở rộng hoạt động tại Romania, chủ yếu trong chuỗi cung ứng và logistics. Romania xếp thứ 4 ở Châu Âu về địa điểm trong ý định đầu tư của các công ty nước ngoài.

Trong khi Romania không có cơ quan đầu tư thống nhất, Bộ doanh nghiệp và doanh nghiệp nhỏ nước này đang giám sát năm dự án tái dịch chuyển từ Nga, Belarus và Ukraina trị giá ước tính khoảng 705 triệu euro.

Trong số đó, Nokian Tires của Phần Lan có kế hoạch đầu tư 650 triệu euro vào một nhà máy ở Oradea, tây bắc Romania vào năm 2024. Đây là một khu vực giàu có của Romania giáp với các vùng nghèo của Hungary.

"Rõ ràng Oradea là lựa chọn tốt nhất cho nhà máy mới của chúng tôi" -  Päivi Antola, trưởng bộ phận quan hệ nhà đầu tư của Nokian chia sẻ với Reuters.

Bà cho biết, Nokian đã xem xét hơn 40 địa điểm dịch chuyển, cân nhắc tới các yếu tố lao động lành nghề, lợi thế logistics, nguồn năng lượng xanh và khả năng tiếp cận đường sắt.

Những rào cản vẫn còn với nền kinh tế Romania, như thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, dân số già và nạn quan liêu kéo dài cản trở sự phát triển cơ sở hạ tầng. Việc giảm thâm hụt ngân sách là vấn đề khó khăn trước cuộc bầu cử năm 2024.

Thêm vào đó, mối quan hệ của Romania với EU không phải lúc nào cũng suôn sẻ: Tháng 12 năm ngoái, Áo phản đối về vấn đề nhập cư trái phép khiến Romania bị loại khỏi khối Schengen.

Bucharest cho biết, việc là thành viên của Schengen giúp mức tăng trưởng hàng năm của nước này tăng nửa điểm phần trăm mỗi năm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn