MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng thiếu thuốc kháng sinh tại châu Âu ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Xinhua

Lý do tình trạng thiếu thuốc tại Châu Âu trở nên trầm trọng

Thảo Phương LDO | 10/02/2023 06:53

Tình trạng thiếu kháng sinh do các ca nhiễm trùng đường hô hấp tại Châu Âu trở nên nghiêm trọng hơn khi các nhà sản xuất bị ép giá.

Trong bối cảnh xung đột Ukraina khiến giá thành sản xuất tăng cao, nhiều công ty dược phẩm tại Châu Âu không muốn mở rộng quy mô cung cấp thuốc kháng sinh. Theo 13 nhà sản xuất và 6 hiệp hội ngành công nghiệp dược phẩm, nhiều công ty đang phải vật lộn để kiếm đủ tiền sản xuất nên việc tăng sản lượng thuốc là gần như không thể.

“Chúng tôi không thể giữ mức giá giới hạn như được quy định khi tất cả chi phí sản xuất, hậu cần đều đang tăng ở mức hai con số trở lên” - Adrian van den Hoven, Tổng giám đốc Hiệp hội Thuốc Châu Âu (EGA) chia sẻ.

Hiện nay, thuốc kháng sinh chiếm khoảng 70% tổng số dược phẩm được phân phối tại Châu Âu, nhưng chỉ nhận được 29% số tiền các cơ quan y tế quốc gia chi cho thuốc. Nhiều nhà sản xuất thuốc kháng sinh cho biết hệ thống đấu thầu và giá cả được quy định đã khiến lợi nhuận thuốc chạm đáy, doanh nghiệp dược cũng vì vậy mà liên tục cắt giảm sản lượng.

Nhiều hãng dược không tăng sản lượng do chi phí sản xuất bị ảnh hưởng bởi xung đột Ukraina. Ảnh: Cơ quan Dược phẩm Châu Âu

Các CEO ngành dược thông tin, việc xem xét lại kế hoạch định giá là cách duy nhất để khôi phục hoạt động sản xuất thuốc kháng sinh tại Châu Âu. Biện pháp này vừa tránh tình trạng thiếu hụt thuốc trong tương lai vừa giúp “lục địa già” giảm sự phụ thuộc vào Châu Á.

Giáo sư Rena Conti, chuyên gia về giá thành dược phẩm cho biết: “Ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng chúng ta có thể phải trả nhiều tiền hơn để đảm bảo nguồn cung kháng sinh và giảm sự phụ thuộc vào khu vực khác, tất cả là vì sức khỏe của người dân và an ninh quốc gia”.

Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) và Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhiều lần gặp gỡ các nhà sản xuất thuốc và nhóm thương mại kể từ khi tình trạng thiếu hụt được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 10.2022. Tuy nhiên theo các bên liên quan, vẫn chưa có hành động lớn nào được công bố.

“Lục địa già” đang phụ thuộc vào Châu Á trong vấn đề nguồn cung dược phẩm. Ảnh: Xinhua

Giám đốc y tế EMA Steffen Thirstrup thông tin: “Khá bất thường khi ngày càng nhiều quốc gia báo cáo tình trạng thiếu hụt các loại dược phẩm giống nhau, nhưng dự báo nhu cầu sẽ giảm khi thời tiết ấm hơn đến gần. Tạm thời, các loại thuốc thay thế có thể được sử dụng khi không có sẵn kháng sinh chuyên dụng”.

Ủy ban Châu Âu dự kiến ​​sẽ thảo luận các sửa đổi đối với Luật Dược phẩm của khối vào tháng 3. EC đang đề xuất các biện pháp bao gồm yêu cầu nhà sản xuất nắm giữ nguồn cung dự trữ lớn hơn và đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng thiếu hụt.

Ông Giovanni Barbella, người đứng đầu chuỗi cung ứng toàn cầu Tập đoàn dược phẩm Sandoz nhận định: “Vấn đề dài hạn quan trọng không phải là chi phí sản xuất, mà là khuôn khổ thị trường chung Châu Âu không cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá linh hoạt để phản ánh sự thay đổi của chi phí đầu vào, đặc biệt là đối với các loại thuốc thiết yếu”.

Trong năm 2023, Quốc hội Đức sẽ xem xét các thay đổi pháp lý đối với hệ thống đấu thầu thuốc. Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng tuyên bố chính phủ đang xem xét thay đổi đối với hệ thống định giá.

EC dự kiến thảo luận các sửa đổi Luật Dược phẩm vào tháng 3.2023. Ảnh: Cơ quan Dược phẩm Châu Âu

Các giám đốc điều hành và nhóm thương mại khẳng định họ không biết khi nào có nguy cơ thiếu hụt thuốc kháng sinh vì EU không có hệ thống trung ương theo dõi nguồn cung ở mỗi quốc gia. Nhiều năm áp lực về giá đã buộc nhiều công ty sản xuất nhỏ phải rời khỏi ngành kinh doanh, hiện chỉ còn một số nhà sản xuất dược phẩm phục vụ phần lớn Châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn