MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dây chuyền sản xuất ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Lý giải nguyên nhân kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Thanh Hà LDO | 17/06/2023 12:03

Trung Quốc được kỳ vọng phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu sau khi từ bỏ chính sách zero-COVID và mở cửa lại biên giới vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng trong nước và thương mại của Trung Quốc đã giảm.

Doanh thu ở Trung Quốc chịu sức ép từ việc giảm giá hàng hóa và dịch vụ, các doanh nghiệp cắt giảm việc tuyển dụng và đầu tư để giảm chi phí.

Trong khi đó, hơn 1/5 số người trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở Trung Quốc thất nghiệp trong tháng 5 - mức cao kỷ lục, theo dữ liệu công bố ngày 15.6.

Đáp lại, cùng ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm 10 điểm cơ bản với chi phí vay của các khoản vay chính sách trung hạn xuống 2,65% - lần đầu tiên sau 10 tháng.

Hai ngày trước đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm chi phí cho vay ngắn hạn từ 2% xuống 1,9% - cũng là lần đầu tiên sau 10 tháng.

Tuần trước, 6 ngân hàng quốc doanh giảm lãi suất tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ từ 0,25% xuống 0,2% để khuyến khích vay và chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo Straits Times, nguyên nhân sâu xa của suy giảm kinh tế của Trung Quốc có thể là do tâm lý tiêu dùng của nước này.

“Vẫn còn cảm giác sợ hãi và không chắc chắn sau cú sốc về đợt phong tỏa do đại dịch - một trong những đợt phong tỏa nghiêm trọng nhất trên thế giới. Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn rất sợ rủi ro, sợ mất việc làm và thu nhập nếu mọi thứ tồi tệ trở lại. Tâm lý người tiêu dùng ở Trung Quốc bây giờ không phải lúc tiêu dùng mà phải tiết kiệm tiền cho những ngày thiếu thốn sau này" - Giáo sư kinh tế Tan Kong Yam của Đại học Công nghệ Nanyang, cho biết. 

Nhiều người cũng đang tiết kiệm để giảm các khoản thế chấp của họ trong bối cảnh giới chức có các biện pháp nhằm hạn chế đầu cơ và ổn định giá bất động sản. 

Những người khác đã bán tài sản của họ với giá thấp hơn giá đầu tư khi giá cả giảm dần bởi các quy định chặt chẽ hơn và sự can thiệp của chính quyền một số thành phố để ngăn chặn lạm phát giá cả. 

Kết quả là lòng tin của người tiêu dùng yếu đi, các hộ gia đình không muốn vay mượn và chi tiêu.

Điều này dẫn tới các hoạt động như tuyển dụng và sản xuất yếu đi, đồng thời đầu tư vào đổi mới và tăng trưởng cũng khiêm tốn hơn.

Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị thu hẹp do nền kinh tế toàn cầu yếu hơn, cùng với đó một số công ty nước ngoài đã chuyển vốn sang nơi khác khi căng thẳng Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn. 

Với các biện pháp kích thích của chính phủ và chi tiêu trong nước cho các dịch vụ, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 5,6% vào năm 2023 và 4,6% vào năm 2024, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới vào tháng 6.

Các nhà phân tích khác dự đoán Trung Quốc sẽ tăng trưởng ít nhất 5%.

Con số này cao hơn mức tăng trưởng 3% năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với GDP của Trung Quốc trước đại dịch.

Giáo sư Tan nhận định, mức độ tự tin và tâm lý nhà đầu tư sẽ dần cải thiện khi các biện pháp kích thích được triển khai để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Ông cho rằng, đầu tư nước ngoài và tư nhân nên tiếp tục bất chấp căng thẳng địa chính trị đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ.

Điều này là do Trung Quốc cần thị trường Mỹ và đầu tư nước ngoài để tạo thêm việc làm, trong khi Mỹ cần các sản phẩm giá rẻ và chất lượng tốt để duy trì sức mua thực sự của tầng lớp trung lưu. Điều này cũng sẽ giúp nền kinh tế Mỹ có tỉ lệ lạm phát thấp hơn. 

Các công ty nước ngoài cũng sẽ tiếp tục kinh doanh và đầu tư vào Trung Quốc - thị trường lớn mà họ không thể để mất vào thời điểm  chịu sức ép về lợi nhuận và cạnh tranh đang tăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn