MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án ở Indonesia triển khai lớp phủ lên mái nhà để giảm nóng bức. Ảnh: Cool Roofs Indonesia

Mô hình mát mẻ, tiết kiệm ở Indonesia giúp đánh bại nắng nóng

Thanh Hà LDO | 25/05/2023 13:14
Mái nhà mát mẻ ở Indonesia là một sản phẩm đặc biệt nhưng dễ sử dụng và thân thiện với khí hậu hơn điều hoà nhiệt độ.

Châu Á - khu vực có thể chứng kiến nhiều đợt nắng nóng như đợt tháng trước - có một cách bền vững, chi phí thấp để khiến nhiệt độ ở mức dễ chịu hơn với người dân thành phố. Đó là mái nhà mát mẻ được phủ lớp đặt biệt để phản chiếu ánh sáng mặt trời, giảm lượng nhiệt mà tòa nhà hấp thụ. Nhờ đó, nhiệt độ trong nhà thấp hơn, theo Channel News Asia. 

Giảng viên kiến trúc Beta Paramita tại Đại học Pendidikan Indonesia (UPI) - giám đốc dự án của Cool Roofs Indonesia - cho biết, tại quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á, chủ yếu các tòa nhà thương mại và văn phòng có đủ khả năng trang bị điều hòa không khí trong khi các trường học hầu hết không có điều hòa và 80% số hộ gia đình cũng vậy.

Năm ngoái, Cool Roofs Indonesia đã giành chiến thắng trong cuộc thi toàn cầu Million Cool Roofs Challenge nhằm mở rộng quy mô sử dụng mái nhà mát mẻ ở các nước đang phát triển chịu áp lực về nhiệt và nhận được khoản tài trợ trị giá 750.000 USD. Trước đó, dự án giành được khoản tài trợ trị giá 125.000 USD khi là 1 trong 10 dự án vào chung kết của cuộc thi năm 2019. 

Ban đầu, dự án muốn nhắm tới các khu dân cư nhưng sau đó chuyển hướng sang các tổ chức giáo dục và tôn giáo. “Từ 7h sáng đến 14h hoặc 16h chiều, trẻ em, đặc biệt là học sinh tiểu học, ở trong nhà" - bà Beta cho hay. Nếu thời tiết quá nóng, học sinh không thể tập trung và kết quả làm bài kiểm tra vào buổi chiều kém hơn buổi sáng.

Nhiệt độ trong nhà cũng là một vấn đề ảnh hưởng tới nhiều người bởi tỉ lệ phụ nữ ở Indonesia chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi nhiều người ở nhà chăm sóc con cái và nấu ăn, bà thông tin thêm.  

Tangerang - trung tâm công nghiệp gần Jakarta là thành phố đầu tiên tham gia dự án thí điểm - đã cung cấp 15.000 m2 không gian trên mái nhà cho dự án triển khai. 

Các thành phố khác mà dự án đã tiếp cận gồm Jambi, Palembang, Semarang và Pontianak. Beta cho biết: “Chúng tôi cố gắng phổ biến sản phẩm này đến các thành phố nóng bức".

Ngoài biến đổi khí hậu, còn một lý do khác dẫn đến sự tích tụ nhiệt ở các khu vực đô thị hóa. Đó là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị - hiện tượng xảy ra do khí thải nóng từ máy điều hòa không khí và xe cộ - với các tòa nhà tích trữ nhiệt vào ban ngày và giải phóng nhiệt vào ban đêm. Cùng với đó là nhiều lý do khác dẫn tới nóng bức ở đô thị. 

Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc thi, Cool Roofs Indonesia đã triển khai công nghệ trên mái nhà tới hơn 40 tòa nhà công cộng và cộng đồng, cùng nhiều dự án khác. Việc triển khai đã cho thấy một số kết quả ấn tượng.

Trong một tòa nhà công nghiệp có diện tích 5.000 m2, sau khi phủ lớp vật liệu này, nhiệt độ trong nhà giảm từ 40 độ C xuống khoảng 29 độ C.

Ở những nơi khác như trường học, nhiệt độ giảm có thể ít hơn. Cool Roofs Indonesia cho biết, sự khác biệt có thể là do loại tòa nhà, vật liệu và thiết kế.

“Bề mặt thấp hơn gần 3 đến 4 độ C. Nhiệt độ phòng có thể chỉ thấp hơn 1-1,5 độ C nhưng vẫn cải thiện hơn đáng kể" - Sandra Eka Febrina, giảng viên kiến trúc tại Đại học Indo Global Mandiri, người tham gia vào Cool Roofs Indonesia từ năm ngoái, cho hay. 

Ngay cả ở Bandung, nơi có độ cao hơn 700 m so với mực nước biển và tương đối mát hơn so với một số thành phố khác của Indonesia, những mái nhà mát mẻ đã tạo nên sự khác biệt.

Tại văn phòng của Aaksen Responsible Aarchitecture, lớp phủ đã giảm nhiệt độ trong nhà từ khoảng 32 độ C xuống còn 25 đến 27 độ C. "Lợi ích là chúng tôi không phải sử dụng điều hoà" - bà nói. Dù không tính toán mức giảm trong hóa đơn tiền điện, nhưng bà chỉ ra, việc chạy quạt điện cũng giảm đi, chỉ vào những giờ giữa trưa thay vì gần như mọi lúc như trước khi chưa phủ mái nhà. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn