MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên tốt nghiệp một trường đại học ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Xinhua

Mối lo của Gen Z Trung Quốc khi thị trường việc làm khốc liệt

Thanh Hà LDO | 03/07/2023 15:26

Những sinh viên vừa tốt nghiệp của Trung Quốc lo lắng khi tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 20% và nền kinh tế tăng trưởng yếu.

Tháng 4 năm nay, dữ liệu của chính phủ Trung Quốc chỉ ra, cứ 5 lao động trẻ thì có 1 người - trong độ tuổi từ 16 đến 24 - thất nghiệp, mức cao kỷ lục.

Sang tháng 5, thống kê còn tồi tệ hơn. Và vấn đề có thể tiếp tục lan rộng trong những tháng tới khi 11,6 triệu sinh viên sẽ rời trường đại học trong tháng 6.

Văn hóa làm việc của Trung Quốc vốn khắc nghiệt, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Các công ty Internet Trung Quốc nổi tiếng với văn hoá làm việc 996 - làm việc từ 9h sáng tới 21h và 6 ngày một tuần.

Thậm chí, nhiều thanh niên Trung Quốc đã rời bỏ chuyên môn để làm lao động chân tay với mức lương thấp hơn. Nhiều doanh nghiệp từ chối tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp do lo ngại Trung Quốc đóng cửa trong thời gian COVID-19 khiến sinh viên đại học chưa có được những kỹ năng và kinh nghiệm làm việc cần thiết.

“Theo lời người phỏng vấn, tôi là một tờ giấy trắng không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc thực tế nào” - Connie Xu, 22 tuổi  chia sẻ với SCMP hồi đầu tháng này.

Gerard DiPippo - thành viên cao cấp tại chương trình kinh tế của Trung tâm An ninh và Nghiên cứu Quốc tế - nhận định, thanh niên thất nghiệp của Trung Quốc có thể được chia thành 2 loại.

"Một là những người ít học hơn, tức là những người có thể chưa học đại học, thường tìm việc trong lĩnh vực sản xuất hoặc xây dựng" - ông DiPippo nói. Tuy nhiên, 2 lĩnh vực này đang không phát triển tốt.

Nhóm thứ 2, những lao động có trình độ học vấn cao hơn, thường nhắm đến một trong những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, như Alibaba hay Tencent. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này đã giảm đáng kể việc tuyển dụng trong những năm gần đây. Ông cho rằng, việc tuyển dụng trong nền kinh tế tự do, vốn cũng thu hút rất nhiều lao động trẻ, có thể đã đạt đến đỉnh điểm.

Hiện tại, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang triển khai nhiều hình thức việc làm khác nhau để thu hút lao động trẻ.

Tháng 3 năm nay, Quảng Châu - tỉnh giàu có nhất Trung Quốc ở khu vực bờ biển phía nam - đề xuất đưa 300.000 thanh niên thất nghiệp về nông thôn làm việc.

Đầu tháng 6, Hà Nam - tỉnh đông dân thứ 3 của Trung Quốc - yêu cầu các trường đại học “chạy nước rút 100 ngày” để tìm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan chính phủ và các dự án nông thôn.

Chính phủ Trung Quốc cũng có kế hoạch tổ chức 15 điểm thúc đẩy việc làm cho thanh niên, bao gồm các biện pháp như trợ cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn