MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống Nord Stream 2 dẫn khí từ Nga sang Đức. Ảnh: AFP

Mối thâm tình khí đốt Nga-Đức 50 năm đến hồi tan vỡ?

Khánh Minh LDO | 15/03/2022 19:03
Khí đốt Nga cung cấp năng lượng cho Đức và thiết lập quan hệ kinh tế sâu sắc giữa hai nước trong 50 năm qua, nhưng mối thâm tình này có thể sắp kết thúc.

Trong gần 50 năm, Nga - nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới - đã cung cấp cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu - sưởi ấm nhà cửa, năng lượng cho các doanh nghiệp, nấu ăn và thắp sáng đường phố.

Nga cung cấp khí đốt cho các nước trong EU, và nhiều nước ở Đông Âu thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn Đức - quốc gia mua khoảng 50% khí đốt từ Nga.

Nhưng theo DW, thị trường Đức từ lâu đã trở thành viên ngọc quý cho ngành công nghiệp khí đốt của Nga. Theo dữ liệu hải quan của Nga, Đức chiếm gần 20% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga vào năm 2020, trở thành khách hàng lớn nhất của Mátxcơva.

Đức là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga năm 2020. Ảnh: AP
 

Đường ống dẫn khí đốt

Năm 1955, Thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer thăm Mátxcơva để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Liên bang Đức mới và Liên Xô. Một hiệp định thương mại được ký kết vào năm 1958 và đến năm 1960, thương mại song phương giữa hai nước đã bùng nổ.

Trong những năm 1960, trữ lượng dầu khí đáng kinh ngạc của Liên Xô dần trở nên rõ ràng. Và khi ngành kinh doanh năng lượng khổng lồ bắt đầu manh nha với Liên Xô thì nhu cầu về đường ống cỡ lớn do Đức sản xuất cũng tăng vọt.

Tây Đức bắt đầu cung cấp đường ống cho đường ống Druzhba (Đường ống Hữu nghị) - đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới vào thời điểm đó nối Nga với phần lớn Đông Âu, và đi vào hoạt động vào năm 1964. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ John F. Kennedy e ngại trước ngành năng lượng ngày càng phát triển của Liên Xô và từ đó thúc đẩy qua NATO lệnh cấm vận xuất khẩu đường ống từ Tây Đức tới Liên Xô.

Tuy nhiên, vào cuối thập niên 60, chính sách Ostpolitik của Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt đã mở ra mối quan hệ với các nước láng giềng ở phía Đông. Điều đó đã mở đường cho một thỏa thuận lịch sử giữa Tây Đức và Liên Xô vào năm 1970, trong đó Tây Đức đồng ý mở rộng Transgas - phần kéo dài của đường ống dẫn khí Soyuz - qua khu vực ngày nay là Cộng hòa Czech vào bang Bavaria, miền Nam nước Đức.

Để đổi lấy khí đốt, Tây Đức sẽ cung cấp đường ống cho Liên Xô. Theo đó, khí đốt nhập khẩu từ Liên Xô được thanh toán bằng phí sử dụng đường ống của Đức.

Các đường ống do Đức sản xuất đã hình thành nền tảng cho nhiều đường ống của Nga. Ảnh: SNA
 

Đến năm 1973, khí đốt của Liên Xô bắt đầu chảy sang Tây Đức, cùng năm khi nó bắt đầu đến Đông Đức - một phần của khối Đông Âu và là một quốc gia vệ tinh của Liên Xô.

Một số nhà bình luận, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và học giả đánh giá rằng thỏa thuận năm 1970 là sự rẽ nhánh trong Chiến tranh Lạnh. Khí đốt Tây Đức nhập khẩu của Liên Xô tăng đều đặn trong suốt những năm 1970, khi nhiều hợp đồng khác được thực hiện để tăng nguồn cung. 

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào giữa những năm 1970 đã khiến các nước như Tây Đức thêm phụ thuộc hơn nữa vào khí đốt tự nhiên như một nguồn năng lượng, và Liên Xô được hưởng lợi.

 Trong những năm 1960, trữ lượng dầu khí đáng kinh ngạc của Liên Xô dần trở nên rõ ràng. Ảnh: Gazprom
 

Quan ngại ở Mỹ

Bắt đầu với lệnh cấm vận xuất khẩu đường ống vào đầu những năm 1960, các tổng thống Mỹ luôn lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng tăng của Châu Âu vào nguồn năng lượng của Liên Xô. Trong những năm 1980, Tổng thống Ronald Reagan đã nhiều lần cố gắng thuyết phục Đức và các nước Châu Âu khác giảm lượng khí đốt nhập khẩu của Liên Xô.

Tuy nhiên, điều đó chẳng có ích gì vì mối quan hệ kinh doanh rõ ràng là có lợi cho cả hai bên. Vào thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, Liên Xô cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt ở Tây Đức. Về khối lượng, nguồn cung khí đốt của Liên Xô và Nga cho Tây Đức và Đức đã tăng từ 1,1 tỉ mét khối năm 1973 lên 25,7 tỉ mét khối năm 1993.

Căng thẳng địa chính trị

Trong những năm 1990, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày càng quan tâm đến việc cung cấp khí đốt đến Châu Âu qua lãnh thổ Ukraina, không chỉ vì cơ sở hạ tầng khí đốt kém của Ukraina, mà còn vì lý do địa chính trị. Đường ống Yamal, đạt công suất tối đa vào năm 2006, kết nối các mỏ khí đốt ở Siberia với Đức qua Belarus và Ba Lan.

Sau đó là Nord Stream 1 (Dòng chảy Phương Bắc 1), đường ống vận chuyển khí đốt trực tiếp từ lãnh thổ Nga sang lãnh thổ Đức qua Biển Baltic, bỏ qua tất cả các quốc gia ở giữa. Thỏa thuận được ký kết vào năm 2005 bởi Thủ tướng Đức khi đó là Gerhard Schröder và Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Nord Stream 1 đã đi vào hoạt động từ năm 2012.

Ba Lan và các nước Baltic đã phản đối mạnh mẽ, nhưng thỏa thuận được những người ủng hộ ở Đức coi là một cách thắt chặt hơn nữa quan hệ với Nga thông qua quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn để đảm bảo hợp tác.

Đến hồi kết thúc?

Trong thập niên qua, Đức tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga với khối lượng lớn trong lịch sử. Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại đang chịu áp lực ngày càng tăng, chủ yếu là do những lo ngại về địa chính trị. Mỹ đặc biệt quan ngại về việc phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Nord Stream 2 chưa biết bao giờ mới hoạt động. Ảnh: Nord Stream 2
 

Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 qua biển Baltic được xây dựng để tăng đáng kể nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức, bất chấp sự phản đối rõ ràng của Mỹ. Nord Stream 2 đã được hoàn thành vào tháng 9.2021 nhưng vẫn chưa được chứng nhận thì xảy ra cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraina hôm 24.2.2022, khiến chính phủ Đức phải trì hoãn vô thời hạn việc phê duyệt đường ống.

Trong khi đó, EU đang thúc đẩy quyết liệt ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga càng sớm càng tốt. Hôm 8.3, giới chức EU đã vạch ra kế hoạch chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga trước năm 2030 và riêng năm 2022 sẽ giảm tới 2/3 nhu cầu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: “Chúng ta phải độc lập khỏi dầu mỏ, than đá và khí đốt của Nga".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn