MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỹ bày cho EU cách trừng phạt kép với dầu mỏ Nga

Thanh Hà LDO | 18/05/2022 10:41

Liên minh Châu Âu (EU) có thể kết hợp đánh thuế nhập khẩu với dầu mỏ Nga cùng với lệnh cấm vận dầu mỏ Nga theo giai đoạn mà khối đang nỗ lực triển khai để hạn chế dần năng lượng Nga, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chia sẻ ngày 17.5. 

Lợi đôi đường

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ với báo giới rằng vấn đề đánh thuế dầu mỏ Nga sẽ được nêu tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G7 trong tuần này. Biện pháp đánh thuế dầu mỏ Nga được xem như một phương thức ít tổn thất kinh tế hơn để giảm doanh thu của Nga từ dầu mỏ và mang lại kết quả nhanh hơn. 

Kế hoạch đánh thuế dầu mỏ Nga nhằm giữ nhiều hơn dầu mỏ của Nga trên thị trường toàn cầu, hạn chế mức tăng giá đột biến do lệnh cấm vận hoàn toàn, đồng thời hạn chế số tiền mà Nga có thể thu được từ xuất khẩu, các quan chức cho biết.

Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã đề xuất lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô Nga bắt đầu từ năm 2023 để trừng phạt Nga sau chiến sự Ukraina, nhưng một số quốc gia Đông Âu phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ Nga phản đối kế hoạch này.

Bà Yellen cho biết đã thảo luận với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels vào ngày 17.5 về một loạt phương án để giảm sự phụ thuộc của Châu Âu vào năng lượng Nga. Bà nói thêm rằng, đánh thuế và lệnh cấm vận dầu mỏ Nga "là hai việc có thể kết hợp lại". 

"Chúng tôi không cố nói cho họ biết điều gì có lợi nhất với họ mà chúng tôi đã thảo luận về một số điều đang được xem xét" - Bộ trưởng Tài chính Mỹ lưu ý.

Mỹ cam kết giúp đỡ EU

Châu Âu hiện nhận khoảng một nửa tổng xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga, tương đương khoảng 2,2 triệu thùng/ngày với dầu thô và 1,2 triệu thùng/ngày với sản phẩm dầu mỏ. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen nói thêm rằng, bà ủng hộ bất kỳ kế hoạch nào mà 27 thành viên EU có thể đồng thuận nhưng "điều tối quan trọng là họ phải giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ Nga". 

Bà cũng cam kết sự giúp đỡ của Mỹ trong đáp ứng nhu cầu năng lượng của EU, bao gồm nỗ lực tăng nguồn cung dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu.

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra, do dầu của Nga được bán với giá chiết khấu so với dầu thô chuẩn toàn cầu, nên thuế có thể áp đặt ở mức vừa thu được một phần chênh lệch đó vừa làm giảm lợi nhuận của Nga. Tuy nhiên, việc đánh thuế dầu mỏ Nga phải ở mức đủ thấp để Nga kiếm được nhiều hơn chi phí sản xuất, tạo động lực cho nước này tiếp tục xuất khẩu. 

Bằng cách duy trì dầu mỏ của Nga trên thị trường, khả năng giá dầu thế giới tăng đột biến hơn nữa sau lệnh cấm vận của Châu Âu có thể tránh được và điều này có thể bù đắp tác động của lệnh cấm vận với doanh thu của Nga.

Nhiều chính phủ Châu Âu mong muốn ngừng mua dầu của Nga càng nhanh càng tốt, nhưng điều này dẫn tới nguy cơ cao rằng các lệnh cấm vận hoàn toàn có thể làm giá dầu tăng đáng kể, các quan chức lưu ý. 

Bộ Tài chính Mỹ đang xem xét các cơ chế định giá bao gồm đánh thuế để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khỏi thiệt hại thêm do giá năng lượng cao. 

Tiền thuế có thể được đưa vào quỹ phục hồi và tái thiết cho Ukraina, đáp ứng mong muốn buộc Nga phải trả ít nhất một phần trong nỗ lực tái thiết lớn ở nước láng giềng.

Đề xuất kết hợp đánh thuế nhập khẩu với dầu mỏ của Nga cùng với lệnh cấm vận dầu mỏ Nga được Mỹ đưa ra sau khi nhà lãnh đạo G7 Mario Draghi nêu ý tưởng thành lập một nhóm khách hàng mua dầu để giúp giới hạn giá cả trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước. 

Bà Yellen nói rằng, Mỹ cam kết giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của Châu Âu, bao gồm cả việc hợp tác với các đối tác để tăng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang Châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn