MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỹ chỉ ra cơ hội cho EU khi Nord Stream nghi bị phá hoại

Ngọc Vân LDO | 28/09/2022 07:49
Mỹ, Nga và các nước lên tiếng về việc các đường ống dẫn khí Nord Stream từ Nga sang EU nghi bị phá hoại.

Phản ứng của phương Tây

Bình luận về các báo cáo rằng đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2) đã bị vô hiệu hóa do bị phá hoại hoặc bị tấn công có chủ ý, ngày 27.9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết một cuộc tấn công như vậy là "không vì lợi ích của ai cả”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng tình hình hiện tại là cơ hội cho EU.

“Các điểm rò rỉ đang được điều tra. Có những báo cáo ban đầu chỉ ra đây có thể là kết quả của một cuộc tấn công hoặc phá hoại, nhưng đó mới là những báo cáo ban đầu và chúng tôi vẫn chưa xác nhận. Nhưng nếu được xác nhận, điều này rõ ràng không có lợi cho ai cả” - RT dẫn lời Ngoại trưởng Blinken nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ấn Độ, Tiến sĩ Subrahmanyam Jaishankar, người đang thăm Washington.

Ngoại trưởng Blinken cho biết ưu tiên của Mỹ là áp đặt giá trần với dầu của Nga và tăng nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang Châu Âu. Mỹ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm nay, một phần do lệnh cấm vận Nga của Washington và các đồng minh.

Mặc dù có những thách thức rõ ràng trong những tháng tới về nguồn cung năng lượng của Châu Âu, song cũng có một cơ hội rất quan trọng để thực hiện hai điều - ông Blinken chỉ ra. Một là chấm dứt sự phụ thuộc của Châu Âu vào năng lượng Nga và hai là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để phương Tây có thể giải quyết thách thức khí hậu.

Cả hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 nối Nga với Đức dưới Biển Đen đều sụt áp suất vào ngày 26.9. Các nhà chức trách Đan Mạch đã phát hiện một điểm rò rỉ khí lớn gần đảo Bornholm, và đóng cửa khu vực giao thông hàng hải, nhưng không thể xác nhận liệu đây có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt áp hay không.

Trong khi đó, Đức đã và đang điều tra vụ việc là một cuộc tấn công có chủ ý. Tờ báo Đức Tagesspiegel giải thích, một cuộc tấn công có chủ ý dưới đáy biển phải có sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm, thợ lặn hải quân hoặc tàu ngầm. Đức đang xem xét hai kịch bản có thể xảy ra. Một là, Ukraina hoặc “các lực lượng liên kết với Ukraina” có thể đứng sau cuộc tấn công. Hai là, Nga đã làm điều này nhằm đổ tội, làm xấu hình ảnh của Ukraina và đẩy giá năng lượng của EU lên cao hơn nữa.

Theo tạp chí Đức Der Spiegel, CIA đã cảnh báo Berlin về một cuộc tấn công có thể xảy ra vào các đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic vài tuần trước.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi một cuộc điều tra rõ ràng về những gì đã xảy ra với đường ống. “Bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của Châu Âu là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ nhất có thể” - bà von der Leyen viết trên Twitter.

Cảnh sát Thụy Điển đã mở điều tra sơ bộ về nghi án tấn công phá hoại các đường ống Nord Stream 1 và 2. Những nghi ngờ về phá hoại càng được củng cố sau khi các nhà khoa học ở Đan Mạch và Thụy Điển cho biết đã ghi nhận các vụ nổ dưới nước gần đường ống hôm 26.9.

Nhà địa chấn học Bjorn Lund thuộc Trung tâm Địa chấn Quốc gia Thụy Điển (SNSN) nói với đài truyền hình công cộng SVT: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là những vụ nổ”.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói với AFP rằng Washington sẵn sàng hỗ trợ EU điều tra vụ việc.

Phản ứng của Nga

Nhà điều hành của Nord Stream cho biết các đường ống dẫn khí đốt dưới biển bị thiệt hại chưa từng thấy và không thể ước tính khi nào có thể khắc phục.

Phát biểu với báo giới hôm 27.9, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov không loại trừ việc Nord Stream bị phá hoại.

“Không khả năng nào có thể bị loại trừ ngay bây giờ” - ông Peskov nói khi được hỏi liệu thiệt hại có thể là do phá hoại hay không. Ông cho biết Nga rất lo ngại về tình hình, kêu gọi một cuộc điều tra ngay lập tức và kỹ lưỡng về vụ việc có tác động đến an ninh năng lượng trên toàn bộ lục địa.

Nord Stream 1 được đưa vào khai thác từ năm 2011, nhưng đã hoạt động theo chế độ cắt giảm kể từ cuối tháng 8, do Nga gặp khó khăn về kỹ thuật vì các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.

Nord Stream 2 đã hoàn thành và tăng áp vào tháng 9.2021. Tuy nhiên, hai ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, chính phủ Đức đã đình chỉ cấp chứng nhận Nord Stream 2 vô thời hạn và dứt khoát từ chối bất kỳ đề nghị nào từ Nga - hoặc trong nước - về việc vận hành đường ống dẫn khí này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn