MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Ảnh: AFP

Mỹ nói về khả năng đưa quân vào Ukraina

Hải Anh LDO | 24/05/2022 10:07

Tướng Mỹ Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - nói về khả năng Mỹ đưa quân vào Ukraina trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết, khoảng 20 quốc gia đã cam kết các gói hỗ trợ an ninh mới cho Kiev. 

Chưa có quyết định đưa quân vào Ukraina

Về việc Mỹ đưa quân vào Ukraina, ngày 23.5, Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho hay, bất kỳ quyết định khả thi nào về động thái này vẫn còn xa vời dù ông thừa nhận hoạch định kế hoạch ở cấp thấp đang được triển khai. 

Từ năm 2015, Mỹ thường cử quân nhân dự bị thuộc biên chế Vệ binh Quốc gia sang Ukraina hỗ trợ huấn luyện và cố vấn. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã quyết định rút lực lượng hiện diện khỏi Ukraina trước khi chiến sự Nga - Ukraina bùng phát ngày 24.2 nhằm tránh xung đột trực tiếp với một quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, bối cảnh thay đổi, trong đó có việc Mỹ mở lại Đại sứ quán ở Kiev đặt ra câu hỏi về việc quân đội Mỹ có thể trở lại để đảm bảo an ninh cho các nhà ngoại giao Mỹ ở một quốc gia có xung đột hay không. 

Binh sĩ Mỹ tại Sư đoàn Dù 82 tại Fort Bragg, Bắc Carolina khi chuẩn bị triển khai đến Châu Âu vào tháng 2.2021. Ảnh minh họa. Ảnh: AFP

Tướng Milley thừa nhận trong cuộc họp báo ngày 23.5, việc triển khai một số cấp độ nhân viên đang được lên kế hoạch trước khi có một quyết định tiềm tàng về việc đưa quân đội Mỹ trở lại Ukraina.

Tuy nhiên, kế hoạch đó chưa được cấp của ông hoặc cấp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xem xét. Trong trường hợp có ý định này, quyết định cuối cùng phụ thuộc vào Tổng thống Joe Biden. 

"Sau cùng, bất kỳ sự tái nhập nào của lực lượng Mỹ vào Ukraina đều cần có quyết định của tổng thống" - ông Milley lưu ý. 

Ông Milley không làm rõ đang đề cập đến việc lập kế hoạch cấp thấp cho quân đội Mỹ để đảm bảo sự hiện diện ngoại giao của Mỹ ở Ukraina hay có khả năng cho các hoạt động khác, Reuters chỉ ra. 

Lầu Năm Góc đang giúp Ukraina thông qua chia sẻ thông tin tình báo và gửi vũ khí. 

20 quốc gia viện trợ mới cho Ukraina

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, khoảng 20 quốc gia đã cam kết các gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraina sau một hội nghị đa phương về cách đáp ứng nhu cầu của Kiev, theo The Hill.

Hội nghị trực tuyến về viện trợ quân sự cho Ukraina là cuộc họp Nhóm liên lạc Ukraina thứ hai kể từ khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraina hồi cuối tháng Hai. Hội nghị có sự tham dự của các bộ trưởng và lãnh đạo quốc phòng từ 47 quốc gia. 

Nhóm liên lạc Ukraina được thành lập vào tháng trước khi các quan chức gặp nhau tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức để thảo luận về cách đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Ukraina.

Đạn dược, vũ khí và các thiết bị khác được chuẩn bị chuyển cho Ukraina từ căn cứ không quân Mỹ Dover, Delaware, ngày 27.1.2022. Ảnh: AFP

“Nhiều quốc gia đang tài trợ đạn pháo cực kỳ cần thiết, hệ thống phòng thủ bờ biển và xe tăng cùng các phương tiện bọc thép khác. Những nước khác cam kết mới về đào tạo lực lượng của Ukraina và duy trì các hệ thống quân sự của họ" - ông Austin thông báo tại Lầu Năm Góc sau hội nghị trực tuyến. 

Trong số các vũ khí được cam kết có 1 bệ phóng Harpoon và tên lửa từ Đan Mạch để “giúp Ukraina bảo vệ bờ biển nước này”, ông Austin cho hay. 

Trong khi đó, Cộng hòa Czech đồng ý gửi “hỗ trợ đáng kể, bao gồm khoản tài trợ gần đây cho trực thăng tấn công, xe tăng và hệ thống tên lửa", người đứng đầu Lầu Năm Góc nói thêm. 

Ngoài ra, Italia, Hy Lạp, Na Uy và Ba Lan đều tuyên bố tài trợ các hệ thống pháo và đạn dược mới.

Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cũng bày tỏ vui mừng khi có thêm một số quốc gia khác tham gia Nhóm liên lạc Ukraina trong cuộc họp lần hai, gồm Áo, Bosnia và Herzegovina, Colombia, Ireland và Kosovo.

"Sau cuộc thảo luận hôm nay, tôi vui mừng thông báo rằng chúng tôi đang tăng cường nỗ lực" - ông nói. 

Các quốc gia phương Tây đang nỗ lực gửi cho Ukraina vũ khí và thiết bị để giúp nước này trong cuộc xung đột với Nga. Tới nay, xung đột Nga - Ukraina khiến 6,5 triệu người phải rời bỏ đất nước và 8 triệu người khác phải di tản trong nước.

Bộ trưởng Austin cũng thông báo, cuộc họp thứ ba của Nhóm liên lạc Ukraina sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Brussels vào ngày 15.6, cùng thời điểm với cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO sắp tới.

Về việc Đan Mạch cung cấp tên lửa chống hạm Harpoon và bệ phóng cho Ukraina, bản tin khác của Reuters cho hay, đây là tín hiệu cho thấy Kiev sẽ nhận được thêm vũ khí do Mỹ sản xuất để mở rộng thêm đáng kể tầm tấn công. 

Ukraina đã và đang tìm kiếm các loại vũ khí tiên tiến hơn như các hệ thống phòng không, tên lửa chống hạm và tên lửa tầm xa hơn, nhưng cho đến nay phần lớn viện trợ là các hệ thống tầm ngắn như vũ khí chống tăng Javelin và pháo.

Tên lửa Harpoon có thể được dùng để đẩy hải quân Nga ra khỏi các cảng Biển Đen của Ukraina, cho phép tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Tên lửa Harpoon tấn công một con tàu cũ trong cuộc tập trận RIMPAC 2020 ngoài khơi bờ biển Hawaii. Ảnh minh họa. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ông Tom Karako, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định, “đây là một động thái quan trọng và đo lường được" nhằm nâng cao năng lực và cường độ tác chiến của Ukraina. Theo ông, tên lửa Harpoon do Boeing chế tạo có thể giúp Ukraina đe dọa các tàu giá trị cao của Nga đang tấn công Ukraina từ Biển Đen hoặc những nơi khác. 

Các nguồn tin Quốc hội Mỹ và một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters, tên lửa chống hạm Neptune của Ukraina đang thiếu do đó tên lửa Harpoon cung cấp cho Ukraina thêm khả năng để đẩy lui tàu Nga và bắt đầu hoạt động dỡ mìn. 

Với tên lửa Harpoon, Ukraina có thể sẽ phụ thuộc vào các quốc gia khác về dữ liệu nhắm mục tiêu để sử dụng hệ thống này một cách hiệu quả chống tàu ở tầm xa hơn, chuyên gia Karako lưu ý.

Một số quốc gia sẵn sàng gửi Harpoon cho Ukraina nhưng không quốc gia nào muốn trở thành quốc gia đầu tiên hoặc duy nhất do lo ngại về khả năng bị trả đũa, theo các quan chức Mỹ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn