MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga sẽ không xuất khẩu dầu nếu không có lãi. Ảnh: Sputnik

Nga cảnh báo có thể ngừng xuất khẩu dầu toàn cầu

Song Minh LDO | 22/07/2022 07:51
Nga cảnh báo có thể ngừng xuất khẩu dầu nếu phương Tây áp giá trần với dầu thô của Nga.

Giá trần với dầu thô của Nga

Nga sẽ ngừng xuất khẩu dầu toàn cầu nếu giá trần với dầu thô của Nga mà phương Tây đưa ra khiến Mátxcơva không thể tiếp tục sản xuất có lãi - Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu trên Kênh Một của Nga hôm 21.7.

Ông Novak giải thích: “Nếu những mức giá mà họ đề xuất thấp hơn chi phí sản xuất dầu… thì đương nhiên, Nga sẽ không bán dầu này cho thị trường thế giới. Chúng tôi không xuất khẩu khi lợi nhuận âm”.

Các nước G7 đã đồng ý áp đặt giá trần với dầu mỏ của Nga vào cuối tháng 6. Ý tưởng này được Mỹ đưa ra đầu tiên nhằm hạn chế doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu. Theo Bloomberg, những người ủng hộ biện pháp này đang thảo luận về khả năng giới hạn mức giá phải trả cho hàng hóa xuất khẩu của Nga thông qua các biện pháp can thiệp vào bảo hiểm và vận chuyển dầu của Mátxcơva. Theo kế hoạch, chỉ những nguyên liệu thô và sản phẩm dầu có giá trị không vượt quá giá trần mới được phép bảo hiểm và vận chuyển.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gần đây cho biết giá trần sẽ chỉ bằng khoảng một nửa giá thị trường hiện tại của dầu thô Nga. Vào tháng 6, giá trung bình của một thùng dầu Urals là khoảng 87,25 USD. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về vấn đề này vẫn đang diễn ra và mức giá trần vẫn chưa được hoàn thiện.

Nga tin rằng áp đặt giá trần sẽ tiếp tục thúc đẩy giá dầu toàn cầu. Tổng thống Vladimir Putin gần đây cho biết, giống như trường hợp các nước phương Tây từ bỏ khí đốt của Nga khiến giá khí đốt tăng vọt, giá dầu cũng vậy.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev dự đoán giá dầu có thể vượt 300-400 USD/thùng nếu phương Tây thực hiện đúng kế hoạch. Ông Medvedev cảnh báo: “Sẽ có ít dầu hơn đáng kể trên thị trường và giá của nó sẽ cao hơn nhiều”.

Khai thác dầu ở Nga. Ảnh: Sputnik
Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia Châu Phi và Trung Đông đã tăng cường nhập khẩu dầu của Nga, với giá bán giảm sâu so với các mức giá tiêu chuẩn toàn cầu vì nhiều nhà lọc dầu Châu Âu đã ngừng mua dầu của Nga.

Lợi bất cập hại

Những người ủng hộ giá trần hy vọng rằng việc ghim giá ở mức gần hơn với chi phí sản xuất sẽ cắt giảm nguồn tiền đổ vào Nga, trong khi vẫn đảm bảo rằng năng lượng chảy đến nơi cần thiết. Doanh thu từ dầu mỏ - trụ cột doanh thu tài chính chủ chốt của Điện Kremlin - đã giúp cho nền kinh tế nước này phát triển bất chấp lệnh cấm xuất khẩu, lệnh trừng phạt và việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương.

Trong khi một số nhà lãnh đạo toàn cầu cho rằng giá trần sẽ kìm hãm giá năng lượng tăng vọt, một loạt các nhà phân tích và các nhà lãnh đạo quốc gia khác lại không đồng tình. “Theo quan điểm của tôi, đó là một ý tưởng vô lý” - Gal Luft thuộc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu nói với CNBC.

Luft nói: “Ý tưởng này bỏ qua thực tế rằng dầu là một loại hàng hóa có thể thay thế được. Bạn không thể đi đến một cửa hàng và yêu cầu người bán chấp nhận số tiền ít hơn so với giá của một món hàng. Bạn không thể đánh lừa quy luật cung cầu, và bạn không thể bất chấp quy luật trọng lực khi nói đến một loại hàng hóa có thể thay thế được. Đó không phải là cách thị trường dầu hoạt động. Đây là một thị trường rất phức tạp, bạn không thể ép giá xuống”.

Luft không phải là nhà phân tích duy nhất nghi ngờ về tiện ích của kế hoạch giới hạn giá dầu. Jorge Montepeque - người được coi là một trong những kiến ​​trúc sư của việc định giá dầu chuẩn - cho biết những nỗ lực trong lịch sử nhằm giới hạn giá dẫn đến giá cao hơn chứ không thấp hơn và dẫn đến sự xuất hiện của thị trường xám đối với dầu của Nga. 

Các bồn chứa dầu của kho xăng dầu NNK-Primornefteproduct ở cảng Viễn Đông Vladivostok, Nga ngày 11.6.2022. Ảnh: Reuters

Montepeque nói với Reuters: “Tất cả những nhiệm vụ ấn định giá này đều đã được thử trước đây trong thời kỳ lạm phát cao”, lưu ý rằng “Mỹ đã cố gắng cố định giá dầu vào những năm 1970, Vương quốc Anh đã cố định giá ngoại hối vào những năm 80, Mexico đã thử cố định giá bánh ngô. Tất cả đều không thành công. Thật lãng phí thời gian”.

Luft cũng dự đoán rằng nếu các thị trường áp đặt giá trần với dầu của Nga, nước này sẽ hạn chế sản xuất dầu và tạo ra sự thiếu hụt nhân tạo trên thị trường.

“Những người Châu Âu và Mỹ đang nói về 40 USD/thùng, những gì họ sẽ nhận được là 140 USD/thùng” - Luft cảnh báo.

Giới hạn giá dầu sẽ chỉ có hiệu lực nếu tất cả các nước đồng ý mua dầu của Nga với giá cố định. Nhưng cho đến nay, nhiều quốc gia lớn, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, và một số quốc gia Châu Phi và Trung Đông, đã từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga và thực sự tăng nhập khẩu dầu của Nga được bán với giá rẻ so với tiêu chuẩn toàn cầu.

“Đó là một thách thức ngoại giao quốc tế để khiến mọi người đồng ý. Nếu chỉ có Mỹ ngừng mua dầu trong khi Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục mua thì sẽ không ảnh hưởng gì đến doanh thu của Nga” - James Hamilton, nhà kinh tế tại Đại học California, San Diego, nói với AP.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn