MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga là một trong những nhà sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới. Ảnh: Getty

Nga cảnh báo nạn đói toàn cầu, tuyên bố không xuất khẩu lương thực

Ngọc Vân LDO | 20/05/2022 09:40
Nga sẽ không xuất khẩu lương thực để tránh tổn hại đến thị trường của chính mình, trong bối cảnh nạn đói toàn cầu có thể xảy ra.

Nga không xuất khẩu lương thực nếu còn bị trừng phạt

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev cho biết, Nga sẽ không xuất khẩu lương thực để tránh làm tổn hại đến thị trường của mình, đồng thời nói thêm rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nạn đói đang rình rập.

Trong một bài đăng dài trên Telegram, ông Medvedev bình luận về những tuyên bố gần đây của các nhà lãnh đạo phương Tây về an ninh lương thực. Do Nga và Ukraina là những nhà cung cấp lúa mì lớn, chiếm khoảng 30% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, nên giá đã tăng đáng kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự ở quốc gia láng giềng và chịu trừng phạt của Mỹ, EU, Vương quốc Anh cùng một số quốc gia phương Tây khác.

RT dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 18.5 cho biết phân bón và các sản phẩm lương thực từ Nga cần được cung cấp ra thị trường thế giới mà không gặp trở ngại nào.

Ông Medvedev đồng ý rằng nếu không có lúa mì và các nguồn cung cấp lương thực khác từ Nga, các nước nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Medvedev đặc biệt lưu ý, nếu không có phân bón của Nga, “chỉ có cỏ dại sẽ mọc” trên các cánh đồng.

Theo quan điểm của Thủ tướng Medvedev, tất cả những biện pháp trừng phạt đều vô dụng với những thứ quan trọng, chẳng hạn như thực phẩm hoặc năng lượng.

Cựu tổng thống Nga lập luận, các lệnh trừng phạt cản trở mong muốn sống bình thường, thịnh vượng của mọi người. Sự mở rộng của NATO cùng việc tính toán các khoản nợ, các khoản thanh toán và những thứ khác” đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: AFP

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Medvedev, Nga sẵn sàng thực hiện mọi nghĩa vụ của mình, nhưng nước này có quyền mong đợi một số hỗ trợ từ các đối tác thương mại. Ông nhấn mạnh, nếu không, sẽ không có logic nào cho việc này: “Một mặt, các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng đối với chúng tôi, và mặt khác, phương Tây đang yêu cầu cung cấp lương thực. Điều đó sẽ không xảy ra, chúng tôi không phải là những kẻ ngốc”. Ông Medvedev khẳng định sẽ không có chuyện Nga xuất khẩu để gây bất lợi cho thị trường trong nước. “Lương thực đối với người dân Nga là một vấn đề thiêng liêng" - ông nói.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2, Mátxcơva, Kiev và nhiều đối thủ phương Tây khác đã đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập.

Trong hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra sáng kiến ​​toàn cầu về an ninh lương thực. Sáng kiến bao gồm một kế hoạch khẩn cấp để giải phóng kho dự trữ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, cam kết đa phương không áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu nguyên liệu nông nghiệp, tạm thời tăng ngưỡng sản xuất, hỗ trợ sản xuất lương thực bền vững ở các nước dễ bị tổn thương nhất, và tạo ra một cơ chế cho phép cung cấp các sản phẩm nông nghiệp đủ số lượng và giá cả hợp lý nếu có nhu cầu.

Nga và Ukraina chiếm 1/3 lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới. Trong ảnh: Thu hoạch lúa mì ở Ukraina. Ảnh: AFP

Cảnh báo nạn đói toàn cầu

Trước đó, ngày 19.5, cố vấn tổng thống Nga Maxim Oreshkin đã dự đoán về một nạn đói toàn cầu vào cuối mùa thu hoặc cuối năm nay. Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến nạn đói toàn cầu tiềm tàng này là do giá lúa mì trên thị trường thế giới tăng, xuất phát từ chính sách tiền tệ bất hợp lý của Mỹ.

“Cho đến khoảng năm 2020, giá lúa mì trên thị trường thế giới ổn định, nhưng sau khi đồng USD tăng lên, bắt đầu vào khoảng tháng 7.2020, giá cả bắt đầu tăng mạnh” -  ông nói, đề cập đến các biện pháp của Washington nhằm hạn chế tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Oreshkin, những hành động gần đây hơn của chính quyền Washington có khả năng làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã rất nghiêm trọng.

“Trên thực tế, những gì Mỹ đang cố gắng làm với Ukraina hiện nay là lấy đi nguồn dự trữ ngũ cốc mà Ukraina đang sở hữu" - quan chức này nói, chỉ ra rằng đây là một hành động khác khiến Ukraina phải đối mặt với các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng, nhưng cũng khiến cộng đồng toàn cầu gặp phải những vấn đề lớn.

Giá lúa mì đã tăng hơn 60% trong năm nay, với mức tăng đột biến mới nhất do gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột ở Ukraina và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Hai nước chiếm gần 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau khi các nhà cung cấp ngũ cốc lớn là Nga, Kazakhstan và Ấn Độ phần lớn cấm xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung cấp lương thực trong nước.

Theo tin tức từ New Delhi, giá lúa mì kỳ hạn đã tăng 5,9% hôm 16.5 để đạt mức cao nhất mọi thời đại là 12,68 USD/giạ (20-22kg) trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, trước khi giảm nhẹ trong những ngày tiếp theo. Tại thị trường Châu Âu, giá lúa mì đạt mức cao lịch sử khoảng 461 USD/tấn.

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn