MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức giá trần đề xuất với dầu của Nga được cho là không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của Mátxcơva. Ảnh: AFP

Nga có tổn thất khi phương Tây áp giá trần dầu thô?

Ngọc Vân LDO | 25/11/2022 17:45
Mức giá trần đề xuất với dầu của Nga có thể quá cao để làm tổn thương Mátxcơva.

Mức giá trần đề xuất ​​là 65 - 70 USD/thùng đối với dầu của Nga dự kiến ​​sẽ không ngay lập tức làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Mátxcơva, vì đây là mức giá mà người mua hiện đang trả cho dầu thô của Nga - Reuters dẫn nhiều nguồn thạo tin trong ngành cho hay.

Mục tiêu chính của việc áp giá trần là giảm doanh thu từ dầu mỏ mà Mátxcơva có được để tài trợ cho cuộc xung đột ở Ukraina. Mục tiêu quan trọng khác của giới hạn giá là giữ cho dầu của Nga vẫn lưu thông trên thị trường quốc tế với điều kiện dầu được bán dưới giá trần.

G7 và EU vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng cơ chế giá trần và lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển sẽ có hiệu lực sau chưa đầy hai tuần nữa, vào ngày 5.12.

Reuters cho hay, EU đang thảo luận về việc giới hạn giá dầu của Nga ở mức từ 65 đến 70 USD/thùng. Mức trần như vậy, nếu được chấp thuận, sẽ không làm giảm giá dầu thô của Nga đang giao dịch trên thị trường.

Theo hai nguồn tin của Reuters, một số nhà máy lọc dầu của Ấn Độ được hưởng mức chiết khấu 25-35 USD/thùng dầu Urals của Nga so với dầu Brent. Như vậy, giá dầu Urals hiện thấp hơn mức giá trần đề xuất là 65-70 USD, vì dầu Brent giao dịch ở mức khoảng 85 USD/thùng trong những ngày gần đây.

CNBC dẫn lời Vivek Dhar từ ngân hàng Commonwealth Australia cho biết, dầu Urals của Nga đang được giao dịch ở mức 60-65 USD/thùng, nên mức trần giá đề xuất sẽ không tạo ra nhiều ảnh hưởng với Nga. Trong khi đó, Nga đã tăng xuất khẩu dầu mỏ bằng đường biển sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, ông cho biết mức trần giá được thảo luận cao hơn mức mà thị trường mong đợi và ở mức sẽ làm giảm nguy cơ gián đoạn các lệnh trừng phạt của EU đối với các lô hàng dầu của Nga.

Theo nhà phân tích năng lượng Pavel Molchanov của Raymond James, nếu giá trần quá cao sẽ vô nghĩa và có nguy cơ không ảnh hưởng gì đến Nga. Nhưng nếu giá trần quá thấp, điều đó có thể dẫn đến việc giảm nguồn cung dầu của Nga trên thị trường toàn cầu.

Ông Molchanov chỉ ra, mức giá trần thấp hơn có nghĩa là lạm phát nhiều hơn, người tiêu dùng không hài lòng hơn và thắt chặt tiền tệ hơn.

“Đối với tôi, có vẻ như G7 sẽ mắc sai lầm khi thận trọng - đặt giá ở mức cao thay vì thấp để tránh làm trầm trọng thêm vòng xoáy lạm phát” - CNBC dẫn lời ông Molchanov nói.

Tuần trước, dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát của Vương quốc Anh trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất trong 41 năm là 11,1%, do giá năng lượng cao cùng với các yếu tố khác.

Ảnh chụp ngày 3.5.2022 cho thấy toàn cảnh nhà máy lọc dầu Slovnaft ở Bratislava, Slovakia. Ảnh: AFP

Ngày 23.11, đại diện 27 nước thành viên EU đã thảo luận đề xuất của G7 về mức giá trần nhưng không đưa ra được quyết định do các nước chia rẽ về việc liệu mức giá trần 65-70 USD là quá cao hay quá thấp.

Các cuộc thảo luận tiếp tục trong ngày 24-25.11, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên. Một nhóm nước EU - bao gồm các nước láng giềng của Nga là Ba Lan, Lithuania và Estonia - tin rằng mức giá trần đề xuất là quá cao và vẫn sẽ mang lại cho Nga một khoản thu lớn từ dầu mỏ.

Một nhóm khác chủ yếu là các thành viên phía nam EU có ngành vận tải biển lớn - Hy Lạp, Malta và Cyprus - lại cho rằng mức trần 65-70 USD là quá thấp và yêu cầu bồi thường cho tổn thất có thể xảy ra trong giao dịch dầu mỏ của Nga đối với vận tải biển của các nước này.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo hôm 24.11 rằng, Mátxcơva sẽ không xuất khẩu dầu cho các quốc gia ủng hộ đề xuất của G7 về giá trần với dầu của Nga. Tuyên bố này cũng được người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lặp lại.

“Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng việc đưa ra cái gọi là giá trần đối với dầu mỏ của Nga là một biện pháp chống lại thị trường, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và có thể làm phức tạp đáng kể tình hình trên thị trường năng lượng toàn cầu. Liên bang Nga không có kế hoạch cung cấp dầu cho các quốc gia sẽ tham gia cơ chế giá trần” - phát ngôn viên Zakharova nói trong cuộc họp báo hôm 24.11.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn