MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nga cung cấp dầu cứu nguy Sri Lanka

Khánh Minh LDO | 29/05/2022 09:59
Sri Lanka tiếp nhận dầu của Nga để tái khởi động nhà máy lọc dầu duy nhất của đất nước giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất lịch sử.

Tờ Al Jazeera dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera phát biểu với báo giới hôm 28.5, Sri Lanka sẽ trả 72,6 triệu USD để mua lô hàng 90.000 tấn dầu của Nga. Số dầu này đã bị giữ lại hơn 1 tháng qua ngoài khơi thủ đô Colombo do Sri Lanka chưa huy động đủ tiền để thanh toán.

Bộ trưởng Wijesekera cho biết đã liên hệ với nhiều quốc gia, bao gồm cả Nga, để được hỗ trợ nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác. 90.000 tấn dầu được đặt hàng thông qua công ty Coral Energy có trụ sở tại Dubai, sẽ giúp tái khởi động lại nhà máy lọc dầu duy nhất của Sri Lanka, vốn đã đóng cửa từ ngày 25.3.

Theo Bộ trưởng Wijesekera, lô dầu tiếp theo cũng sẽ được đặt hàng từ cùng công ty Coral Energy và Sri Lanka sẽ cần một chuyến hàng khác trong vòng hai tuần tới để nhà máy lọc dầu hoạt động liên tục.

Sri Lanka đang đàm phán với Nga để thu xếp nguồn cung cấp trực tiếp dầu thô, than, dầu diesel và xăng dầu bất chấp các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với các ngân hàng Nga và làn sóng phản đối việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Bộ trưởng Wijesekera nói với các phóng viên: “Tôi đã đưa ra yêu cầu chính thức với Đại sứ Nga về việc cung cấp trực tiếp dầu cho Nga. Chỉ riêng dầu thô sẽ không đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi, chúng tôi cũng cần các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác”.

Sri Lanka đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập. Tình trạng thiếu nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác khiến cuộc sống của 22 triệu dân đảo quốc này trở nên vô cùng khó khăn.

Nỗ lực của Sri Lanka nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu đang đàm phán về vòng trừng phạt thứ 6 với Nga, trong đó bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ. Dầu mỏ của Nga đã bị Mỹ cấm vận trước đó.

Tập đoàn xăng dầu Ceylon Petroleum Corporation (CPC) thuộc sở hữu nhà nước của Sri Lanka đã đóng cửa vào tháng 3 sau cuộc khủng hoảng ngoại tệ, khiến chính phủ ở Colombo không thể tài trợ cho nhập khẩu, bao gồm cả dầu thô.

Nhà máy lọc dầu Sapugaskanda - cơ sở lọc dầu duy nhất của Sri Lanka thuộc CPC, nằm ở ngoại ô thủ đô Colombo - sẽ hoạt động trở lại trong khoảng hai ngày nữa để sản xuất khoảng 1.000 tấn dầu diesel mỗi ngày nhằm đáp ứng tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng của đất nước.

Lạm phát đè bẹp những người nghèo nhất

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka đã chứng kiến ​​những người lái xe ôtô xếp hàng dài bên ngoài các trạm xăng, hàng giờ chờ đợi và đôi khi thậm chí cả ngày để được cung cấp ít xăng và khí đốt.

Người dân địa phương cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu thực phẩm và dược phẩm nhập khẩu nghiêm trọng, cùng với lạm phát kỷ lục và tình trạng mất điện kéo dài hàng ngày.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hôm 26.5 cho biết đã cam kết giúp Sri Lanka, nhưng bất kỳ chương trình viện trợ nào cũng sẽ phụ thuộc vào việc có quản lý được khoản nợ không bền vững của nước này hay không.

Sri Lanka vỡ nợ nước ngoài 51 tỉ USD và hôm 24.5 đã phải nhờ các chuyên gia tư vấn quốc tế giúp tái cấu trúc các trái phiếu quốc tế và các khoản vay song phương.

Chính phủ cũng chấm dứt việc trợ cấp nhiên liệu bằng cách tăng giá lên mức cao kỷ lục hôm 24.5. Giá dầu diesel đã tăng 230% và giá xăng đã tăng 137% trong 6 tháng qua.

Lạm phát tổng thể của Sri Lanka vào tháng trước là 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lạm phát lương thực thậm chí còn cao hơn, ở mức 45,1%.

Steve Hanke, nhà kinh tế học tại Đại học Johns Hopkins Mỹ, người theo dõi giá cả ở những điểm khó khăn trên thế giới, cho biết lạm phát của Sri Lanka thậm chí còn cao hơn báo cáo chính thức.

“Sử dụng dữ liệu tần số cao và kỹ thuật ngang giá sức mua, tôi đo lường chính xác lạm phát ở mức 122% so với cùng kỳ năm ngoái” - Hanke nói, đề cập đến lạm phát chính thức tháng 3 là 21,5%. Ông Hanke nói: “Lạm phát đang đè bẹp những người nghèo nhất ở Sri Lanka”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn