MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga giảm khí đốt sang Châu Âu trong bối cảnh nắng nóng đang thúc đẩy nhu cầu của khối. Ảnh chụp màn hình

Nga giảm khí đốt sang Châu Âu giữa lúc nhu cầu tăng vọt do nắng nóng

Thanh Hà LDO | 18/06/2022 14:18
Dòng khí đốt Nga sang Châu Âu giảm trong bối cảnh đợt nắng nóng sớm bao trùm phía nam lục địa. 

Italia và Slovakia nhận được chưa tới một nửa lượng khí đốt thông thường từ Nga qua đường ống Nord Stream 1. Đường ống này đi qua Biển Baltic đưa khí đốt từ Nga đến Đức và chiếm khoảng 40% lượng khí đốt Nga chuyển qua đường ống đến Liên minh Châu Âu (EU).

Pháp cho biết không nhận được khí đốt Nga từ Đức kể từ ngày 15.6. Uniper của Đức báo cáo lượng khí đốt từ Nga được giao cho công ty này ít hơn 60% so với thỏa thuận nhưng Uniper khẳng định có thể bù đắp sự thiếu hụt ở nơi khác.

Cơ quan quản lý năng lượng của Đức nhận định tình hình căng thẳng, nhưng nguồn cung khí đốt của Đức hiện vẫn ổn định. 

Việc EU phụ thuộc vào khí đốt Nga và nguy cơ Mátxcơva cắt giảm nguồn cung để đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt sau chiến sự Ukraina đang là vấn đề đau đầu khiến EU phải tích trữ khí đốt vào kho cũng như tìm nguồn cung thay thế.

Đợt nắng nóng sớm bất thường ở Tây Ban Nha và Pháp gần đây đã làm tăng thêm mối lo ngại, thúc đẩy việc mua khí đốt nhiều hơn khi nhu cầu điện để dùng điều hòa không khí tăng đột biến, Reuters thông tin. Các nhà máy điện khí vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung khí đốt.

Giá khí đốt bán buôn Hà Lan tăng vọt và giá các hợp đồng cung cấp điện cũng tăng trên toàn Châu Âu.

Eni của Italia thông báo, ngày 17.6, công ty chỉ nhận được một nửa so với yêu cầu 63 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày từ Gazprom của Nga. 

Nga cho biết, đường ống Nord Stream đang cung cấp ít khí đốt hơn cho Châu Âu do các thiết bị mà Siemens Energy của Đức mang đi bảo trì ở Canada chưa được gửi lại Nga. Mátxcơva phải chờ xem Siemens và Canada sẽ giải quyết vấn đề như thế nào, Phó Thủ tướng Alexander Novak nói ngày 17.6. Canada trước đó cho biết đang đàm phán với Đức để giải quyết vấn đề.

Hai nguồn tin chính phủ cho biết, Italia có thể ban bố tình trạng cảnh báo về khí đốt vào tuần tới nếu Nga tiếp tục giảm nguồn cung. Điều này đồng nghĩa với việc giảm tiêu thụ khí đốt, phân bổ khí đốt cho các đơn vị sử dụng công nghiệp và tăng cường sản xuất điện than.

Trên khắp Châu Âu, nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng mạnh đã thúc đẩy mức dự trữ. Các nhà phân tích tại ING Research nhận định, lượng khí đốt trong kho của toàn EU đang ở mức 52% công suất, thấp hơn mức trung bình 5 năm và cao hơn mức 43% so với một năm trước đây.

Kateryna Filippenko, nhà phân tích chính tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, chỉ ra, nếu Gazprom khởi động lại đường ống khí đốt Nord Stream -  điều được coi là khó xảy ra - Châu Âu có thể lưu trữ khí đốt đạt 80% mục tiêu vào ngày 1.11.

"Nhưng nếu Nord Stream tiếp tục hoạt động ở mức 45% công suất hoặc dừng hoàn toàn, Châu Âu sẽ chỉ có thể nạp được lưu trữ lần lượt là 69% và 60%" - bà nói. 

Khi nhiệt độ tăng cao, ngày 16.6, các nhà máy điện ở Tây Ban Nha đã mua nhiều khí đốt để sản xuất điện hơn bất kỳ ngày nào khác kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại, vượt qua mức kỷ lục được thiết lập ngày 15.6, nhà điều hành hệ thống truyền tải điện Enagas thông tin.

Gazprom có ​​thể tăng dòng chảy khí đốt qua Ukraina để bù đắp cho việc giảm lưu lượng qua dòng chảy Nord Stream nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ thực hiện động thái này. 

Nord Stream 1 cũng được lên lịch bảo trì thường kỳ trong khoảng thời gian từ ngày 11.7 đến ngày 21.7, với tất cả dòng chảy khí đốt sẽ tạm dừng trong giai đoạn này. 

Mỹ xuất khẩu LNG sang Châu Âu trong nhiều tháng. Nhưng một vụ nổ vào tuần trước tại một trạm xuất khẩu LNG ở Texas sẽ khiến trạm này không hoạt động cho đến tháng 9 và trạm sẽ chỉ hoạt động một phần từ đó đến cuối năm 2022. Cơ sở này, chiếm khoảng 20% ​​lượng LNG xuất khẩu của Mỹ, là nhà cung cấp chính cho các khách hàng Châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn