MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong tương lai, máy bay không người lái có thể được đưa vào lĩnh vực giao hàng ở Nga. Ảnh chụp màn hình

Nga: Máy bay không người lái sẽ thay thế shipper?

Nguyễn Quang (Theo svpressa.ru) LDO | 04/04/2022 18:34
Cư dân ở St.Petersburg, Nga được hứa hẹn các món ăn đặt sẵn sẽ được giao trực tiếp từ nhà hàng đến cửa sổ các căn hộ. 

Cơ hội tạo ra lợi nhuận

Trong tương lai gần, những chiếc máy bay không người lái mang theo những chiếc hộp có thể sẽ trở thành cảnh tượng quen thuộc đối với các thành phố của Nga. Tuy nhiên, những đổi mới đó liệu có đi vào cuộc sống hay không, còn phụ thuộc vào mô hình phát triển kinh tế của đất nước.

Thành phố đầu tiên sẽ thử nghiệm mô hình này là St.Petersburg. Công ty Fly Dron và NPO Almaz đã ký một thỏa thuận với ủy ban vận tải và ủy ban thông tin hóa và truyền thông của thành phố về việc tạo ra cơ sở hạ tầng thích hợp.

Hiện thời, St.Petersburg đang cần có những đổi mới, và người ta dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực chuyển phát. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhu cầu vận chuyển hàng hóa đã tăng lên đáng kể: Từ thực phẩm cho đến đồ dùng gia đình. Ngày nay, điều này được hàng nghìn người giao hàng (shipper) đi xe máy, xe đạp... thực hiện. Vậy thì, tại sao lại không nghĩ tới chuyện cung cấp các đơn đặt hàng bằng đường hàng không?

Tuy nhiên, về mặt luật pháp, ở Nga hiện tại quy định bất kỳ máy bay không người lái (drone-ND) nào nặng trên 150 gram đều phải được đăng ký với Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang. Đối với mỗi chuyến bay, phải xin phép trước, chủ sở hữu drone phải báo cáo chi tiết lộ trình một tuần trước khi cất cánh. Điều này tạo ra những khó khăn không nhỏ và rõ ràng là với quy định như vậy thì sẽ không có việc chuyển phát hàng hóa bằng đường hàng không.

Nhưng nếu có bản lĩnh chính trị thì vấn đề vẫn có thể được giải quyết. Theo thỏa thuận đã ký, chủ sở hữu máy bay không người lái sẽ có thể nhanh chóng điều phối các yêu cầu bay điện tử. Các công ty công nghệ thông tin hứa hẹn sẽ tạo ra các chương trình cần thiết để xây dựng các tuyến đường 3D. Tức là các máy bay không người lái sẽ không va chạm vào nhau, các chuyến bay sẽ an toàn cho người dân. Do đó, tiến bộ công nghệ sẽ giải quyết được vấn đề những hạn chế nghiêm khắc hiện đang được áp dụng.

Máy bay không người lái của Bưu điện Nga trong chuyến bay vận chuyển hàng hóa nặng 2 kg từ Ulan-Ude đến làng Nizhny Sayantui. Máy bay đa năng có thể đạt tốc độ 70 km/h, phạm vi bay lên đến 60 km. Bưu điện Nga có kế hoạch chuyển bưu kiện bằng máy bay không người lái đến các khu vực khó tiếp cận, năm 2018. Ảnh chụp màn hình

Song, bất kỳ cải tiến kỹ thuật nào cũng luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Nền tảng của nó là cơ hội tạo ra lợi nhuận. Nhưng điều này không đơn giản như vậy, nó không chỉ liên quan đến việc cung cấp thức ăn nhanh từ các siêu thị, mà còn liên quan đến toàn bộ quá trình robot hóa ngành dịch vụ và công nghiệp.

Robot và các chương trình máy tính, thuật toán trí tuệ nhân tạo ngày càng dễ tiếp cận hơn. Nga cũng đang cố gắng theo kịp. 1,8 nghìn tỉ rúp đã được chi cho chương trình quốc gia xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số trong nước trong giai đoạn từ 2019 đến 2024. Nhưng ngay cả khi không có sự tài trợ của nhà nước thì quá trình robot hóa và số hóa vẫn đang đòi hỏi sự phát triển nhanh chóng, bằng chứng là sự thay đổi thuật toán trong công việc của nhiều doanh nghiệp. Ngày nay, nhiều ngân hàng đang sử dụng robot thay cho người điều hành trực tiếp, có thể trả lời đầy đủ các câu hỏi của khách hàng.

Chờ thực tế trả lời

Tuy nhiên, Oleg Komolov, phó giáo sư tại Học viện Kinh tế Nga Plekhanov, cho rằng, việc đưa các máy bay không người lái vào lĩnh vực giao hàng ở Nga không mang lại lợi nhuận theo quan điểm kinh tế, giống như việc sử dụng các đổi mới khác. Ông nói: "Tại sao phải thay thế công việc của một người chuyển phát nhanh bằng một thứ gì đó sáng tạo như việc sử dụng máy bay không người lái và ô tô? Xét cho cùng, công việc của một người chuyển phát nhanh trên một chiếc xe đạp, xe máy là rất rẻ. Hơn nữa, đầu tư vào công nghệ mới là vô cùng rủi ro. Mục đích của việc chế tạo máy bay không người lái là gì nếu sự tiết kiệm lao động vượt quá tất cả các chi phí liên quan đến sự ra đời của máy bay không người lái?".

Ông chỉ ra, về mặt lý thuyết, sản xuất hoàn toàn bằng robot không thể mang lại lợi nhuận, vì không có giá trị thặng dư. Tuy nhiên, chúng ta thấy có những ví dụ về nhiều doanh nghiệp có phân xưởng hoàn toàn bằng robot nhưng lại có siêu lợi nhuận. Ví dụ như các tập đoàn lắp ráp ô tô của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Mức độ rô bốt hóa ở đó rất cao. Ví dụ, ở Hàn Quốc, có khoảng 800 robot trên 10.000 dân.

Nhưng các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp đứng đầu trong hệ thống chuỗi giá trị toàn cầu. Còn phía dưới là các quốc gia sử dụng lao động con người với khối lượng khổng lồ. Có nghĩa là, việc robot hóa trong các nhà máy Nhật Bản thực sự chỉ cho phép phân phối lại giá trị đã được tạo ra ở các nước có nền sản xuất sử dụng nhiều lao động con người. Có nghĩa là, để một nhà máy sản xuất bằng robot có lãi, nó phải sử dụng sức lao động của những người lao động ở ngoại vi.

Vì vậy, ý tưởng thì rất thú vị, thử nghiệm thì cứ việc thử nghiệm, còn chương trình có thành công hay không phải chờ thực tế trả lời. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn