MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hạm đội Hải quân Trung Quốc cập cảng ở Vladivostok, Nga, ngày 18.9.2017. Ảnh: Xinhua

Nga mở cảng của Hạm đội Thái Bình Dương cho tàu Trung Quốc

Khánh Minh LDO | 17/05/2023 16:03

Nga mở cảng Vladivostock của Hạm đội Thái Bình Dương cho tàu thương mại Trung Quốc, dấu hiệu cho thấy mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai quốc gia.

Nga mở cảng Vladivostock cho tàu thương mại Trung Quốc

Cảng Vladivostok của Nga sẽ mở cửa cho tàu Trung Quốc vào ngày 1.6 để “vận chuyển hàng hóa nội địa xuyên biên giới” - Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết hôm 16.5.

Động thái này nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược quốc gia nhằm hồi sinh cơ sở công nghiệp của đông bắc Trung Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa thương mại nội địa xuyên biên giới bằng cách sử dụng các cảng nước ngoài - Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhấn mạnh.

Vladivostok, từng là Haishenwai (Hải Sâm Uy), là một phần của Trung Quốc trước khi được nhượng lại cho đế quốc Nga vào năm 1860 theo Điều ước Bắc Kinh. Điều ước - được ký kết vào cuối Chiến tranh nha phiến lần thứ hai - cũng nhượng Hong Kong cho Vương quốc Anh.

Vladivostok là cảng lớn nhất của Nga ở Viễn Đông với 2.300 công nhân, 15 cầu cảng và 45 cần cẩu. Cảng có sức chứa 2.000 tàu hàng năm và xử lý hơn 13 triệu tấn hàng hóa vào năm ngoái. Trụ sở chính của Hạm đội Thái Bình Dương nằm ở Vladivostok.

Tờ Asia Times dẫn lời ông Grant Newsham - nhà nghiên cứu cấp cao của Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản ở Tokyo - cho biết, việc Nga để Trung Quốc tiếp cận cảng Vladivostock diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước ngày càng sâu sắc trong những năm gần đây.

Trong khi đó, James Brown - chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại cơ sở Nhật Bản của Đại học Temple - nhận định, ý nghĩa quân sự của thỏa thuận tiếp cận cảng có vẻ hạn chế.

“Ngay cả khi người Nga khuyến khích sự hiện diện kinh tế lớn hơn của Trung Quốc ở Vladivostok, họ sẽ cẩn thận bảo vệ Hạm đội Thái Bình Dương khỏi những con mắt tò mò. Vladivostok là một thành phố đóng cửa trong thời kỳ Xô Viết. Tư duy đó đã không biến mất trong giới quân sự” - ông Brown nói.

Quang cảnh thành phố nhìn từ cảng Vladivostok, Nga, ngày 3.12.2022. Ảnh: Xinhua

Thúc đẩy thương mại Nga - Trung

Năm 1860, triều đình nhà Thanh và đế quốc Nga ký Điều ước Bắc Kinh, cho phép Nga có được Hải Sâm Uy và dãy núi Ngoại Hưng An Lĩnh (Stanovoy). Điều ước - được ký kết vào cuối Chiến tranh nha phiến lần thứ hai - cũng nhượng Hong Kong cho Vương quốc Anh.

Kể từ đó, do không còn Hải Sâm Uy, các tỉnh phía bắc Trung Quốc đã phải chuyển hàng hóa qua hàng trăm km đường bộ đến phía nam.

Cụ thể, hàng hóa từ các tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm cần được vận chuyển đến Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, sau đó được chuyển đến Thượng Hải, Quảng Châu phía nam Trung Quốc hoặc các vùng khác của đất nước, làm tăng thêm thời gian và chi phí vận chuyển - Liang Haiming, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Vành đai và Con đường của Đại học Hải Nam, nói. Nếu vận chuyển qua Vladivostok trong tương lai, khoảng cách trên bộ có thể rút ngắn hơn 800 km và chi phí sẽ giảm đáng kể.

Theo các nhà phân tích, tuyến đường này sẽ giúp Cát Lâm và tỉnh Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc tiếp cận thuận tiện hơn với cảng biển, thúc đẩy thương mại nội địa và hồi sinh cơ sở công nghiệp già cỗi của đông bắc Trung Quốc.

Nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa về phía nam từ vùng đông bắc Trung Quốc, từ năm 2007, Tổng cục Hải quan đã thống nhất chuyển hàng từ khu vực này sang cảng các nước láng giềng để quá cảnh rồi đến các cảng ở phía nam Trung Quốc để nhập cảnh theo quy định kinh doanh vận chuyển quốc tế.

Các nhà phân tích chỉ ra, sự tham gia của cảng Vladivostok vào hệ thống thương mại của Trung Quốc là một ví dụ về sự tiến triển liên tục của hợp tác thương mại Trung Quốc - Nga trong những năm qua, phản ánh lòng tin chiến lược cấp cao giữa hai nước.

Kể từ năm 2000, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã khiến Nga bắt đầu thúc đẩy một vòng chiến lược phát triển mới của khu vực Viễn Đông.

"Việc mở cảng trung chuyển cũng sẽ thu hút nhiều đầu tư và kinh doanh hơn đến vùng đông bắc Trung Quốc trong tương lai, điều này sẽ góp phần vào sự cất cánh của nền kinh tế khu vực" - Liang nói.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 73,15 tỉ USD, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trong 4 tháng đầu năm cũng tăng khoảng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, với hơn 75.000 phương tiện đi qua các trạm kiểm soát đường bộ biên giới Trung Quốc - Nga kể từ ngày 1.1, theo Tổng cục Hải quan Liên bang Nga.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn