MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án dầu khí Sakhalin-2. Ảnh: Shell

Nga quyết liệt gạt phương Tây khỏi dự án dầu khí khổng lồ

Khánh Minh LDO | 03/07/2022 10:28

Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh tái tổ chức dự án dầu khí khổng lồ ở Viễn Đông, động thái có thể gạt phương Tây ra khỏi các thỏa thuận năng lượng quan trọng.

Ngày 30.6, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh tiếp quản dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga - một động thái trả đũa có thể gạt các đối tác Anh và Nhật Bản ra khỏi dự án khổng lồ này.

Reuters đưa tin, sắc lệnh cho biết một công ty mới sẽ tiếp quản tất cả các quyền và nghĩa vụ của Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin - đơn vị phụ trách dự án Sakhalin-2. Dự án có sự tham gia của hai công ty của Nhật Bản là Mitsui, Mitsubishi và công ty Shell của Anh.

Theo RT, động thái này nhằm đáp trả các hành động từ “những quốc gia không thân thiện" và có thể buộc các bên liên quan nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư Anh và Nhật Bản, rời khỏi liên doanh.

Sakhalin-2 là gì?

Đây là một trong những dự án khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất thế giới với sản lượng hàng năm 12 triệu tấn. Sakhalin-2 là liên doanh giữa tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản và Shell của Anh. Liên doanh ra mắt vào năm 2009, đặt trụ sở trên đảo Sakhalin của Nga ở Thái Bình Dương, phía bắc Nhật Bản. Dự án Sakhalin-2 cung cấp LNG chủ yếu cho các thị trường ở Châu Á.

Sakhalin-2 cung cấp 12 triệu tấn LNG mỗi năm. Ảnh: AFP

Các bên liên quan trong dự án là ai?

Sakhalin-2 được quản lý và vận hành bởi Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin. Phần lớn cổ phần (50%) cộng với một cổ phần thuộc về tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom. Shell - nhà kinh doanh LNG lớn nhất thế giới - nắm giữ 27,5% trừ một cổ phần. Tổng cổ phần của Mitsui là 12,5%, trong khi Mitsubishi có 10% cổ phần trong dự án.

Sắc lệnh của Tổng thống Putin nói gì?

Theo sắc lệnh của Tổng thống Putin, một công ty mới của Nga sẽ được thành lập để tiếp quản tất cả các quyền và nghĩa vụ của Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin. Gazprom sẽ giữ lại cổ phần của mình trong khi các đối tác khác có một tháng để cho biết liệu họ có muốn cổ phần trong công ty mới hay không.

Nếu chính phủ Nga từ chối cho phép, cổ phần sẽ được bán và số tiền thu được từ việc bán sẽ được chuyển vào một tài khoản đặc biệt. Sau đó, số tiền này có thể được sử dụng để hoàn trả những thiệt hại không xác định hoặc được gửi cho cổ đông theo thỏa thuận phân chia sản lượng. Những cổ đông đã lựa chọn rút đi có thể không được bồi thường đầy đủ.

Nga có quốc hữu hóa dự án?

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc thay đổi quyền sở hữu Sakhalin-2 không thể được coi là quốc hữu hóa. Khi được các phóng viên hỏi liệu các dự án năng lượng khác có tương tự như vậy không, ông Peskov trả lời rằng mỗi tình huống sẽ được xem xét trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.

Nga tuyên bố việc thay đổi quyền sở hữu Sakhalin-2 không thể được coi là quốc hữu hóa. Ảnh: Offshore Energy

Các đối tác nước ngoài phản ứng thế nào?

Ngày 1.7, Shell thông báo đã biết về sắc lệnh của Tổng thống Putin và đang đánh giá tác động. Công ty đã nói rõ ý định từ bỏ dự án vài tháng trước và đang đàm phán với những người mua tiềm năng, bao gồm cả từ Trung Quốc và Ấn Độ. Những kế hoạch đó dường như đang gặp khó khăn.

Trước đây, Nhật Bản cho biết sẽ không từ bỏ lợi ích của mình trong dự án Sakhalin-2, dự án quan trọng đối với an ninh năng lượng của nước này. Mátxcơva trước đó cáo buộc Nhật Bản hưởng lợi từ việc tham gia dự án trong khi là một "quốc gia không thân thiện”, đã tham gia cùng phương Tây để áp đặt các lệnh trừng phạt Nga. 

Các chuyên gia chỉ ra rằng sẽ không dễ dàng để Nhật Bản rút khỏi dự án. Việc thay thế LNG của Nga từ Sakhalin-2 được cho là sẽ tiêu tốn của Tokyo 15 tỉ USD, với giá nhập khẩu tăng 35% nếu Mitsui và Mitsubishi rời khỏi dự án. Nhưng giờ đây, Nga có thể đưa ra quyết định thay cho Nhật Bản và chuyển hướng xuất khẩu LNG sang các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Việt Nam.

Những thay đổi có thể cản trở nguồn cung cấp LNG?

Mátxcơva cho rằng không có lý do gì để Sakhalin-2 ngừng cung cấp khí đốt sau khi nhà khai thác mới tiếp quản. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo động thái này có thể gây xáo trộn thị trường LNG vốn đã eo hẹp, do Liên minh Châu Âu EU đang gia tăng cạnh tranh khí tự nhiên hóa lỏng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Sakhalin-2 hiện cung cấp khoảng 4% LNG cho thị trường thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn