MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cờ Ukraina ở làng Potemkin, Kherson, ngày 10.11.2022. Ảnh: AFP

Nga rút khỏi Kherson tác động gì đến cục diện xung đột với Ukraina?

Ngọc Vân LDO | 12/11/2022 10:15
Việc Nga rút quân khỏi Kherson - thành phố có tầm quan trọng chiến lược - được xem là một bước ngoặt trong xung đột Nga-Ukraina.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo, các lực lượng Nga đã hoàn thành việc tái triển khai đến tả ​​ngạn sông Dnepr chảy qua Kherson vào ngày 11.11 mà không bị tổn thất về nhân lực, vũ khí hoặc phương tiện.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, việc rút các lực lượng Nga khỏi Kherson không ảnh hưởng đến quy chế pháp lý của khu vực, vì Kherson đã chính thức sáp nhập vào Nga vào tháng trước sau một cuộc trưng cầu dân ý công khai.

Trong khi đó, Reuters cho hay, quân đội Ukraina đã tiến vào trung tâm Kherson sau khi Nga từ bỏ thủ phủ tỉnh cùng tên duy nhất giành được kể từ đầu cuộc xung đột vào tháng 2.

Kherson có tầm quan trọng chiến lược đối với cả Nga và Ukraina vì nhiều lý do.

Cửa ngõ đến Crimea

Tỉnh Kherson giáp với Crimea, là tuyến đường bộ kết nối đất liền Nga với Crimea ở Biển Đen - bán đảo sáp nhập Nga vào năm 2014. Ukraina chiếm lại Kherson sẽ tước đi hành lang đất liền đó của Nga, đưa pháo binh tầm xa của Ukraina đến gần Crimea - nơi mà Mátxcơva coi là cực kỳ quan trọng đối với lợi ích của mình.

Bán đảo Crimea là nơi đóng quân của lực lượng quân sự khổng lồ của Nga và Hạm đội Biển Đen, nơi Mátxcơva sử dụng để phóng tên lửa ra Địa Trung Hải và Trung Đông.

Một người dân địa phương đạp xe gần những ngôi nhà bị phá hủy tại làng Arkhanhelske, Kherson, ngày 8.11.2022. Ảnh: Reuters

Cung cấp nước ngọt

Việc cung cấp nước ngọt cho Crimea cũng sẽ gặp khó khăn nếu Ukraina chiếm lại tỉnh Kherson.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Ukraina đã chặn nguồn cung cấp nước qua một con kênh từ sông Dnepr. Khi Nga chiếm giữ các phần của tỉnh Kherson và tỉnh lân cận Zaporizhzhia ở phía đông, Nga ngay lập tức mở kênh đào này. Nga cần nguồn nước đó cho người dân địa phương, tưới tiêu cho vùng đất khô cằn của bán đảo và cho nhiều cơ sở quân sự.

Tuyến đường hậu cần

Tỉnh Kherson có con sông Dnepr chia đôi Ukraina. Thủ phủ của tỉnh - thành phố Kherson - nằm ở bờ tây, hầu hết các phần còn lại của tỉnh nằm ở bờ đông. Đây là nơi duy nhất mà Nga hiện diện ở bờ tây của con sông và Nga đã tăng cường lực lượng ở đó trong những tháng gần đây.

Các lực lượng Ukraina đã đóng các cây cầu bắc qua sông để làm tổn hại đến khả năng tiếp tế của Mátxcơva. Nếu Nga mất vị trí duy nhất ở bờ tây sông, Ukraina sẽ có khả năng tấn công tốt hơn các tuyến tiếp tế khác của Nga và thách thức quyền kiểm soát của Mátxcơva đối với các khu vực khác ở phía nam, chẳng hạn như Zaporizhzhia - nơi có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu.

"Hữu ngạn sông (bờ tây) có tầm quan trọng đối với cả hai bên: Với Nga là để đảm bảo sự ổn định của việc phòng thủ hướng Zaporizhzhia; với Ukraina là để giải phóng hướng này và cắt đứt ba huyết mạch quan trọng gồm hành lang đất liền tới Crimea, nước ngọt cho Crimea và giành lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia" - nhà phân tích quân sự Oleh Zhdanov cho biết.

Cầu Antonovsky đóng cửa cho dân thường, sau khi được cho là bị bắn phá trong giao tranh ở Kherson ngày 27.7.2022. Ảnh: Reuters

Tầm quan trọng biểu tượng

Thành phố Kherson là thủ phủ tỉnh duy nhất mà lực lượng Nga chiếm được kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina vào ngày 24.2. 

Việc rút quân - trong khi được Mátxcơva giải thích là động thái quân sự thận trọng nhằm bảo toàn lực lượng và tái triển khai đến các mặt trận khác - dường như có tác động lớn đến cục diện chiến dịch của Nga ở Ukraina.

Chỉ vài tuần trước, Kherson đã sáp nhập vào Nga. Giờ đây, khoảng 10.000km2 đã về tay Ukraina. Tuy nhiên, Nga vẫn giữ quyền kiểm soát khoảng 60% tỉnh Kherson ở phía nam và phía đông sông Dnepr, bao gồm cả đường bờ biển dọc theo Biển Azov.

Miễn là quân đội Nga vẫn kiểm soát và củng cố bờ đông sông Dnepr, các lực lượng Ukraina sẽ phải vật lộn để phá hủy hoặc phá vỡ con kênh dẫn nước ngọt đến Crimea.

Việc di chuyển sang bờ đông sẽ giúp Nga dễ dàng bổ sung quân và lấy lại chiều sâu phòng thủ. Bất kỳ nỗ lực nào của các lực lượng Ukraina vượt sông Dnepr đều sẽ tốn kém đến mức nghiêm trọng, vì các lực lượng của Nga đã bài binh bố trận kỹ càng dọc theo một đoạn sông.

Kiểm soát Biển Đen

Tỉnh Kherson - nơi có dân số trước xung đột hơn 1 triệu người - nằm trên Biển Đen. Việc giành lại Kherson sẽ giúp Ukraina giành lại quyền kiểm soát một số bờ biển dọc theo một vùng biển vốn là huyết mạch quan trọng cho việc xuất khẩu thực phẩm của nước này ra thị trường nước ngoài.

Thành công ở Kherson cũng có thể cho phép các đơn vị Ukraina kiệt sức có thời gian nghỉ ngơi, cũng như cho phép chuyển hướng tập trung vào Donbass, nơi giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở cả Donetsk và Lugansk.

Vị trí của Kherson, Crimea, Donetsk và Lugansk. Ảnh: Wiki

Nga rút khỏi thành phố Kherson là tín hiệu vui cho Ukraina, song cũng đặt ra thách thức với Kiev khi đối mặt phòng tuyến chặt chẽ hơn của Mátxcơva.

Nga có rất nhiều vũ khí và hàng chục nghìn binh sĩ mới được huy động để tham chiến, và chiến dịch tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraina đã khiến nguồn cung cấp điện và nước bị đình trệ ở nhiều khu vực.

Chính quyền Ukraina còn có một nhiệm vụ lớn là tái thiết ở Kherson, nơi mà các lực lượng Nga đã phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng và để lại một số lượng lớn bom mìn.

Các hình ảnh vệ tinh của Maxar Technologies và các bức ảnh khác hôm 11.11 cho thấy, ít nhất 7 cây cầu, 4 trong số đó bắc qua sông Dnepr, đã bị phá hủy trong 24 giờ.

Thiệt hại mới cũng đã xuất hiện trên một con đập quan trọng ở thành phố Nova Kakhovka, tỉnh Kherson, trên bờ đông của con sông. Trong nhiều tuần, Ukraina và Nga đã cáo buộc nhau có kế hoạch phá vỡ con đập. Con đập nếu bị phá hủy sẽ dẫn đến lũ lụt trên diện rộng ở bờ đông và làm mất nước của nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhzhia để làm mát các lò phản ứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn