MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh vệ tinh Maxar cho thấy kho xe tăng Arsenyev vào ngày 21.4.2023. Ảnh: Maxar

Nga sử dụng xe tăng 80 tuổi trên chiến trường

Phương Thảo LDO | 09/05/2023 20:00

Có thông tin Nga đã mang các thiết bị quân sự cũ ra khỏi kho để sử dụng cho xung đột ở Ukraina, trong đó có những chiếc xe tăng có tuổi đời lên đến 80 năm.

Từ hiện vật trưng bày tới khí tài chiến đấu 

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã đưa hàng chục xe tăng ra khỏi kho tại một căn cứ ở Arsenyev, vùng Viễn Đông. Những bức ảnh công khai chỉ ra, một trong những xe tăng đang được cất giữ tại căn cứ là T-55.

Được biết, các xe tăng này là T-55, mẫu xe được Hồng quân Liên Xô đưa vào trang bị lần đầu tiên vào năm 1948, ngay sau khi Thế chiến II kết thúc. Đây là mẫu xe tăng rất cũ, và hiện giờ hầu hết chúng đều được trưng bày trong các viện bảo tàng.

Nhà sử học John Delaney, người phụ trách cấp cao tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia (IWM) ở Duxford, Cambridge cho hay: “Tại thời điểm đó, có ba loại xe tăng rất đặc biệt: Hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng với những vai trò khác nhau trên chiến trường. Từ giữa những năm 50 trở đi, họ đã cố gắng tạo ra một chiếc xe tăng có thể làm được mọi thứ và nó được gọi là xe tăng chiến đấu chủ lực". 

Dòng xe tăng chiến đấu chủ lực này được Hồng quân Liên Xô gọi là T-55 với nhiều biến thể khác, sau này trở thành loại xe tăng được sản xuất rộng rãi nhất trên thế giới, với hơn 100.000 chiếc đã được chế tạo. Với những ưu điểm như giá rẻ, bền, dễ sử dụng và dễ bảo trì, dòng xe tăng này là trụ cột quân sự của các nước từ Ai Cập đến Trung Quốc hay Sudan, nơi chúng vẫn đang được sử dụng.

Nhưng trong những thập kỉ tiếp theo, khi được triển khai chống lại các xe tăng do phương Tây chế tạo trong một số cuộc xung đột như Arab - Israel, và sau đó là Chiến tranh vùng Vịnh thì T-55 không còn là đối thủ bất bại.

“Trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, xe tăng của Mỹ và Anh đã hạ gục những chiếc T-55 của Iraq từ khoảng cách 23 km” - ông Delaney cho hay.

Vào thời điểm Nga bắt đầu ngừng hoạt động những chiếc T-55 vào những năm 1980, ước tính vẫn còn khoảng 28.000 chiếc. Tuy nhiên những chiếc xe tăng này được đưa vào bảo tàng để trưng bày chứ không bị loại bỏ.

“Người Liên Xô không bao giờ vứt bỏ bất cứ thứ gì. Có lẽ một số lượng đáng kể trong số chúng đang nằm trong nhà kho và chờ được cấu hình lại" - ông Delaney giải thích. 

Tới nay, Nga chưa xác nhận đang triển khai T-55 ra tiền tuyến và Bộ Quốc phòng Nga chưa trả lời yêu cầu bình luận của CNN. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, nhiều bức ảnh cho thấy, những chiếc xe tăng này xuất hiện ở các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở Ukraina.

Xe tăng T-55 ở vùng Zaporizhzhia của Ukraina. Ảnh chụp màn hình 

Trang web tình báo Oryx có trụ sở tại Hà Lan cho biết, có bằng chứng trực quan rằng Nga đã mất hơn 1.900 xe tăng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, tương đương với gần 2/3 hạm đội ban đầu khoảng 3.000 chiếc. 

Robert Lee - cựu lính thủy đánh bộ Mỹ và là thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Chính sách Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Nhìn chung, Nga đã mất rất nhiều thiết bị, rất khó để chế tạo thiết bị mới". 

Trevor Taylor - giám đốc Chương trình Quốc phòng, Công nghiệp và Xã hội tại Viện Royal United Services - cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng đang làm chậm quá trình sản xuất vũ khí của Nga.

“Chúng tôi có nhiều bằng chứng cho thấy ngành công nghiệp Nga, vốn đã được tiếp cận với công nghệ phương Tây vào những năm 90, đang thực sự phải chịu những hạn chế. Chúng tôi còn nghe nói về việc họ tận dụng những con chip từ máy giặt. Và khi bạn làm điều này, thì rõ ràng là bạn đang gặp khá nhiều khó khăn" - ông Taylor cho hay. 

Dự đoán hiệu quả của T-55

Giới chuyên gia quân sự nhận định, lợi thế của xe tăng T-55 mà các dòng xe tăng hiện đại không có chính là tính dễ sử dụng, đặc biệt với những người lính chưa qua đào tạo.

“Nếu bạn có nhiều lính nghĩa vụ gia nhập quân đội của mình thì việc huấn luyện mọi người sử dụng những xe tăng này sẽ dễ dàng hơn, nhanh hơn so với việc sử dụng một mô hình xe tăng chiến đấu hiện đại. Nó cũng thực sự dễ bảo trì và với một đội quân nghĩa vụ, đó chính là thứ Nga đang tìm kiếm - khả năng duy trì khí tài hoạt động" - ông Delaney nói. 

Trên thực tế, Ukraina cũng có một phiên bản T-55 trong kho vũ khí - 28 chiếc M-55 được hiện đại hóa cao do Slovenia cung cấp.

Tuy nhiên, dòng xe tăng “cổ” này của Liên Xô được cho là sẽ gặp nhiều bất lợi hơn trên chiến trường Ukraina, nơi đối phương sử dụng các thiết bị hiện đại, tiên tiến hơn của NATO, với thiết giáp tốt hơn, tầm bắn xa hơn và khả năng cơ động cao hơn.

“Tôi nghĩ rằng khi đối mặt với vũ khí phương Tây, quân đội Nga sẽ phải chịu thương vong rất nặng nề nếu họ muốn tiến lên phía trước bằng cách sử dụng hệ thống T-55. Thật tuyệt vọng khi sử dụng loại vũ khí cổ điển đó" - ông Taylor nói. 

Đồng tình với quan điểm này, nhà sử học Delaney nhận định: “Nếu bạn có một đất nước lớn nhưng lại sử dụng xe tăng T-55 để chiến đấu với các xe tăng bọc thép hiện đại trong một cuộc giao tranh lớn, thì đây là một bất lợi rất rõ ràng. Đặc biệt nếu đó là cuộc giao tranh một chọi một với các dòng xe tăng như Leopard hay Challenger thì lần nào cũng sẽ thua".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn