MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nga tố Đức vượt lằn ranh đỏ, không thể cứu vãn

Ngọc Vân LDO | 13/09/2022 10:05
Nga nói Đức đã vượt lằn ranh đỏ, đến điểm không thể cứu vãn sau khi Berlin cung cấp vũ khí cho Kiev để chống lại người Nga.

Đức đã vượt qua lằn ranh đỏ với Nga bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraina - Đại sứ Nga tại Berlin Sergey Nechaev cho biết hôm 12.9. Nhà ngoại giao nói thêm, quyết định này đã phá hoại nhiều thập kỷ hòa giải kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc.

Đại sứ Sergey Nechaev nói trong cuộc phỏng vấn với báo Izvestia: “Thực tế là Ukraina đang được cung cấp vũ khí sát thương do Đức sản xuất. Vũ khí này không chỉ được sử dụng để chống lại các quân nhân Nga mà còn cả dân thường của Donbass".

Ông nói thêm: "Berlin lẽ ra nên biết rõ hơn, xem xét trách nhiệm đạo đức và lịch sử mà nước Đức phải chịu trước nhân dân chúng tôi. Họ đã vượt qua điểm không thể quay trở lại”.

Đức đã từ bỏ chính sách lâu nay của mình là không đưa vũ khí vào các khu vực có xung đột vũ trang để cùng với Mỹ và các đồng minh NATO khác cung cấp vũ khí cho Ukraina. Chính phủ Đức tự nhận có trách nhiệm đạo đức trong việc hỗ trợ Kiev để họ có thể tự vệ trước Nga.

Đức cũng tham gia nỗ lực của EU nhằm tách nền kinh tế của các quốc gia thành viên khỏi Nga. Các doanh nghiệp Đức đã phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga trong 5 thập kỷ.

Đại sứ Nga lưu ý: “Chính phủ Đức đã đơn phương hành động phá hủy mối quan hệ song phương với Nga về quy mô và chiều sâu và đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Về bản chất, sự hòa giải sau chiến tranh của các quốc gia và dân tộc của chúng ta đang bị xói mòn” - Đại sứ Nechaev nói.

Theo nhà ngoại giao, các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt đối với Nga trong cuộc xung đột Ukraina đã khiến hóa đơn điện nước tăng mạnh, giá tiêu dùng tăng vọt và thu nhập thực tế ở Đức giảm. Đại sứ Nechaev cho rằng, "cuộc chiến trừng phạt Nga" ngày càng được coi là "tự bắn vào chân mình" ở Đức - quốc gia đã phải đối mặt với các cuộc phản đối về khủng hoảng giá sinh hoạt. Đại sứ lưu ý, Nga không lấy làm vui mừng khi chứng kiến ​​thiệt hại, ngay cả khi Berlin là bên tự chịu trách nhiệm.

“Chúng tôi tin rằng, các sự việc đang diễn ra là vấn đề nội bộ của Đức mà chúng tôi không can dự vào. Chúng tôi chắc chắn không có thói quen rao giảng như những điều mà phương Tây liên tục đưa ra về Nga".

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht hôm 12.9 từ chối yêu cầu cung cấp cho Ukraina xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2. Bộ trưởng lưu ý, cho đến nay, không có quốc gia nào khác chuyển giao xe chiến đấu bộ binh hoặc xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây chế tạo cho Kiev, đồng thời khẳng định Đức “sẽ không đơn phương thực hiện hành động như vậy”.

Bình luận của bà Lambrecht được đưa ra sau khi người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Đức, Marie-Agnes Strack-Zimmermann, nhấn mạnh rằng Berlin có nghĩa vụ giúp bảo vệ nền dân chủ ở Ukraina. Bà nói với hãng tin DPA: "Đức phải đóng góp ngay lập tức vào thành công của Ukraina, cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder và xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2".

Bộ trưởng Lambrecht trước đó cho hay, viện trợ quân sự của Đức cho Ukraina đã đạt đến giới hạn và Berlin sẽ tìm cách khác để hỗ trợ các lực lượng Kiev.

“Chúng ta sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraina. Chúng ta đã cung cấp số lượng vũ khí không tưởng từ nguồn dự trữ của quân đội Đức. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh vào thời điểm này rằng, chúng ta đã đạt đến giới hạn” - bà Lambrecht phát biểu trước Quốc hội Đức vào tuần trước.

Bộ trưởng lưu ý, Đức không thể cho đi bất kỳ loại vũ khí nào nữa nếu nước này muốn duy trì khả năng tự vệ. Có những cách khác mà Berlin có thể hỗ trợ Kiev, cụ thể là bằng cách sử dụng cái gọi là trao đổi vòng tròn, qua đó Đức cung cấp cho các nước EU khác vũ khí mới để đổi lấy vũ khí cũ, sau đó những vũ khí cũ này được gửi đến Ukraina. Đức đã đạt được tiến bộ trong các cuộc trao đổi như vậy với Cộng hòa Czech và Slovakia.

Đức đã cung cấp cho Ukraina nhiều loại vũ khí khác nhau kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng 2. Berlin đã chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không Stinger, pháo tự hành Panzerhaubitze 2000, pháo phòng không Gepard và các loại vũ khí khác cho Kiev.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn