MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu mua sắm Ginza của Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Nghỉ hưu thời dân số già hóa ở Châu Á

Thanh Hà LDO | 10/01/2023 06:24

Ở Đông Á, dân số ngoài độ tuổi lao động nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới và thế hệ trẻ giảm, lao động lớn tuổi thường phải làm việc ở tuổi ngoài 70. 

Tất cả những gì ông Yoshihito Oonami mong muốn là nghỉ hưu và cho cơ thể già nua của mình được nghỉ ngơi. Nhưng thay vào đó, mỗi sáng, lúc 1h30, cụ ông 73 tuổi thức giấc và lái xe khoảng 1 giờ để chạy tới chợ nông sản tươi sống trên một đảo nhỏ ở Vịnh Tokyo. 

Khi chất đầy nấm, gừng, khoai lang và các loại rau xanh lên xe, ông thường phải bốc dỡ những thùng hàng nặng khoảng 7kg. Sau đó, ông lái xe khắp Tokyo, giao hàng cho các nhà hàng khoảng 10 lần một ngày. "Chừng nào cơ thể tôi còn cho phép, tôi sẽ tiếp tục làm việc" - ông Oonami chia sẻ. 

Khi dân số khắp Đông Á đang giảm và số lượng người trẻ gia nhập lực lượng lao động trẻ tuổi giảm đi, những người lao động trên 70 tuổi tiếp tục làm việc tăng lên. Các doanh nghiệp rất cần đội ngũ lao động này và chính bản thân các lao động cũng mong mỏi công việc.

Các nhà nhân khẩu học cảnh báo về một quả bom hẹn giờ sắp xảy ra ở các quốc gia giàu có trong nhiều năm. Nhưng Nhật Bản và các nước láng giềng đã bắt đầu cảm nhận được những tác động, với việc các chính phủ, doanh nghiệp - và hơn hết là những người dân lớn tuổi - đang vật lộn với những hậu quả sâu rộng của một xã hội già hóa. Làm việc ở độ tuổi này “không vui chút nào nhưng tôi làm việc để tồn tại", ông Oonami nói. 

Với một số người lớn tuổi, nhu cầu về người lao động mang tới những cơ hội mới và đòn bẩy cho người lao động. Giờ đây, các quốc gia có dân số già hóa đang phải nỗ lực thích nghi với thực tế mới và những lợi ích tiềm tàng của lực lượng lao động lớn tuổi, đồng thời đảm bảo mọi người có thể nghỉ hưu mà không rơi vào cảnh nghèo đói. 

Ở Đông Á, nơi dân số đang già đi nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, nhu cầu cấp thiết là phải linh hoạt hơn. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã buộc phải thử nghiệm những thay đổi chính sách - như trợ cấp doanh nghiệp và điều chỉnh chế độ hưu trí - để thích ứng với biến đổi dân số. Giờ đây, nhiều quốc gia có thể sẽ tìm đến Châu Á để học về cách đối phó với các cuộc khủng hoảng tương tự, theo New York Times. 

Thay vì được nghỉ ngơi, nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản tiếp tục phải làm việc. Trong ảnh là một cụ bà tại một cơ sở chăm sóc người già ở Tokyo, Nhật Bản tháng 4.2022. Ảnh: AFP

Rất lâu trước khi ông Oonami bắt đầu giao rau, ông đã thử làm việc trong văn phòng và làm tài xế taxi. Cuối cùng, ông quyết định thích cuộc sống làm tài xế xe tải hơn. Tuy nhiên, làm tài xế xe tải thường khuân vác hàng hóa nặng, khi ông bước sang tuổi 50, công việc không còn thích hợp nên ông chuyển sang giao hàng nhỏ hơn tại chợ nông sản khoảng 15 năm trước.

Dù đã qua tuổi nghỉ hưu (60 tuổi) của Nhật Bản, ông Oonami vẫn không thể ngừng làm việc bởi ông chỉ nhận lương hưu quốc gia cơ bản - khoảng 60.000 yên một tháng, tương đương khoảng 477 USD - không đủ để trang trải chi phí hàng ngày.

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ở Đông Á nơi người già cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc. Ở Hàn Quốc, tỉ lệ nghèo ở người lớn tuổi gần 40% và những người từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc cũng có tỉ lệ tương tự. Ở Hong Kong (Trung Quốc), cứ 8 người lớn tuổi thì có 1 người đi làm. Ở Nhật Bản, khoảng 1/4 người lớn tuổi vẫn tiếp tục làm việc.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các tổ chức việc làm và công đoàn đã được thành lập để hỗ trợ những người lao động lớn tuổi. Có nhiều người phải làm việc vì nhu cầu kinh tế và chủ sử dụng lao động cũng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào những lao động này.

Ví dụ, tại Nhật Bản, các cuộc khảo sát cho thấy có tới một nửa số công ty báo cáo tình trạng thiếu nhân công toàn thời gian. Những lao động lớn tuổi đã lấp đầy những khoảng trống đó.

Tại Tokyu Community, công ty quản lý tài sản cho các khu chung cư ở Tokyo, gần một nửa số nhân viên từ 65 tuổi trở lên, ông Hiroyuki Ikeda, trưởng phòng nhân sự cho biết. Với mức lương chỉ 2.300.000 yên một năm - chưa đến 17.146 USD - công việc này không hấp dẫn những người lao động trẻ tuổi, trong khi những người lớn tuổi sẵn sàng chấp nhận mức lương đó để có thêm thu nhập hưu trí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn