MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Mùa đông hạt nhân" đề cập đến tình trạng giảm nhiệt độ toàn cầu do chiến tranh hạt nhân gây ra. Ảnh: Xinhua

Nghiên cứu về nguồn lương thực cho “mùa đông hạt nhân”

Giản Thanh LDO | 16/05/2022 19:45
Nếu không may xảy ra chiến tranh hạt nhân, loài người sẽ trồng được gì để đảm bảo nguồn lương thực sinh tồn trong “mùa đông hạt nhân”?

“Mùa đông hạt nhân” đề cập đến tình trạng giảm nhiệt độ toàn cầu do chiến tranh hạt nhân gây ra, làm thay đổi đáng kể khí hậu và môi trường toàn cầu. Từ sau thời Chiến tranh Lạnh, cộng đồng quốc tế đã cảnh giác cao về chiến tranh hạt nhân, dù chỉ ở một khu vực cũng có thể gây hiểm họa khó lường đối với môi trường sống loài người.

Tuy nhiên, trong trường hợp không may nếu xảy ra “mùa đông hạt nhân” sẽ tác động gì đến sản xuất lương thực toàn cầu? Một nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) chỉ ra rằng một bộ phận loài người có thể sống sót sau thảm họa hạt nhân nhờ vào một số loài thực vật hoang dã và côn trùng ăn được ở vùng nhiệt đới.

Nhà nghiên cứu công nghệ Daniel Winstead và giáo sư tài nguyên lâm nghiệp Michael Jacobson thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu đặc biệt này để phân tích về khả năng phục hồi nguồn thực phẩm một cách khẩn cấp. Nghiên cứu được đăng vào tháng 2 năm nay trên tạp chí Ambio của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.

Dù nghiên cứu có tính thời sự hơn trong bối cảnh lo ngại hiện nay về xung đột Nga và Ukraina có thể leo thang thành cuộc chiến vũ khí hạt nhân, nhưng tác giả chính Winstead cho biết: “Tôi hoàn toàn không lường đến bất kỳ vấn đề thời sự quốc tế nào, thời điểm nghiên cứu của chúng tôi chỉ là trùng hợp”.

Giảm lượng ánh sáng mặt trời gây giảm nhiệt độ

Nghiên cứu chỉ ra trong các thảm họa che khuất bầu trời như phun trào núi lửa, va chạm thiên thạch hoặc vụ nổ siêu tân tinh thì khả năng xảy ra cao nhất và có thể ngăn ngừa được là chiến tranh hạt nhân.

Với số lượng khổng lồ đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga (chiếm hơn 90% vũ khí hạt nhân toàn cầu), một khi khai hỏa sẽ thải ra bầu khí quyển hàng triệu tấn khói bụi, khối lượng gấp khoảng 11 lần tổng trọng lượng của kim tự tháp Giza.

Nghiên cứu báo cáo rằng một cuộc chiến vũ khí hạt nhân như vậy nếu có sẽ làm giảm lượng ánh sáng mặt trời khoảng 40% ở gần xích đạo và khoảng 5% ở gần các cực, dẫn đến thời tiết những khu vực liên quan trở nên giá lạnh và lượng mưa giảm đáng kể ở các vùng ôn đới trên thế giới, tình hình này để hồi phục hoàn toàn có thể mất tới 15 năm.

Trong viễn cảnh đó, băng giá sẽ dần dần bao phủ phần lớn Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á, còn trong các khu rừng nhiệt đới ẩm như Congo hoặc lưu vực sông Amazon thì lượng mưa có thể giảm 90% trong vài năm sau đó.

Ngoài ra, khói bụi từ cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn sẽ gây mất mùa trên toàn cầu trong ít nhất 4-5 năm.

Băng giá sẽ dần dần bao phủ phần lớn Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Ảnh: Xinhua

Nguồn sống từ thực vật hoang dã

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định sau chiến tranh hạt nhân thì những khu vực nào thích hợp cho sản xuất nông nghiệp và những loại cây nào có thể phát triển hiệu quả.

Theo đó, nghiên cứu đã xác định các vùng tập trung dân cư nằm gần các khu rừng và ở vùng nhiệt đới, nhóm nghiên cứu kiểm tra 247 loài thực vật hoang dã có thể ăn được (WEPs) và chọn ra được 33 loại phổ biến có thể trồng được hoặc thu hái sau chiến tranh hạt nhân, là những loại có thể thu hoạch hầu hết thời gian trong năm. Đồng thời nghiên cứu cũng lựa chọn được 33 loài thực vật hoang dã dựa trên các đặc điểm sinh trưởng chịu bóng râm, khô hạn và nhiệt độ thấp, dù số lượng tương đối ít hơn nhưng chúng cũng có thể cho con người ăn được.

Nhà nghiên cứu Winstead cho biết người thổ dân biết nhiều loài thực vật hoang dã ăn được, ngoài ra chế độ ăn hàng ngày của họ còn có thể kết hợp một số loài côn trùng, chẳng hạn như đuông cọ là loại trùng giàu chất béo và protein, có thể nướng chúng, nghiền thành bột làm bánh mì và súp.

Có thể kể nhiều loài thực vật hoang dã để nuôi sống con người sau thảm họa hạt nhân (có thể xảy ra) như: khoai nưa là loại cây lấy củ giàu tinh bột; củ sắn là loại thực vật rất giàu calo; nấm sò hoang dã cung cấp protein, khoáng chất, vitamin và chất chống ôxy hóa; mận hoang dã Châu Phi là trái cây có dầu; ngoài ra còn các loại rau bina và rau dền rất dễ nấu phổ biến ở Châu Á và Châu Phi...

Một nhóm thực vật hoang dã khác loài người ăn được và sẵn có ngay chứ không cần chờ gieo trồng sau thảm họa là hạt và quả hạch: quả cọ, quả me, hạt dilo, hạt keo, bọ sambi, bao báp (adansonia digitata), củ từ, và chuối là một trong những nguồn cây hoang dã phổ biến nhất.

Winstead cũng nhấn mạnh vấn đề đa dạng sinh học không chỉ làm phong phú các loài trên thế giới mà còn có nhiều công dụng khác, đặc biệt mang lại nguồn lương thực nuôi sống loài người với hàng chục nghìn loài thực vật hoang dã trên Trái đất mà con người có thể ăn được.

Bên cạnh cảnh báo mức độ tồi tệ của chiến tranh hạt nhân, Winstead hy vọng qua nghiên cứu này giúp nâng cao nhận thức về các loài thực vật hoang dã có thể ăn được để sau khi thảm họa hạt nhân (có thể xảy ra) thì loài người sẽ kiếm được nguồn thức ăn an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn