MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguồn cơn Sri Lanka khủng hoảng đỉnh điểm, tổng thống rời bỏ nước

Ngọc Vân LDO | 13/07/2022 21:16
Ngày 13.7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời bỏ đất nước đến Maldives.

Tổng thống rời khỏi đất nước

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước chỉ vài giờ trước khi ông từ chức theo kế hoạch, trước sức ép từ các cuộc biểu tình của người dân vì khủng hoảng kinh tế tồi tệ.

Reuters đưa tin, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi hàng trăm người bao vây văn phòng của ông ở Colombo cố gắng đột nhập vào bên trong. Cảnh sát chống bạo động buộc phải bắn nhiều loạt đạn hơi cay và điều động trực thăng quân sự.

"Thủ tướng với tư cách là quyền tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và áp đặt lệnh giới nghiêm ở tỉnh phía Tây, bao gồm cả thủ đô Colombo” - thư ký báo chí của ông Wickremesinghe, Dinouk Colombage, cho hay.

Khi tin tức về việc tổng thống lên máy bay rời khỏi đất nước được lan truyền, hàng nghìn người đã tập trung tại địa điểm biểu tình chính ở Colombo. Chuyến bay của tổng thống sẽ chấm dứt sự cai trị của gia tộc Rajapaksa hùng mạnh vốn đã thống trị nền chính trị ở quốc gia Nam Á trong hai thập kỷ qua.

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế đã diễn ra âm ỉ trong nhiều tháng và bùng phát vào cuối tuần trước. Hàng trăm nghìn người chiếm các tòa nhà chính phủ quan trọng ở Colombo, đổ lỗi cho Tổng thống Rajapaksas và các đồng minh về tình trạng lạm phát, tham nhũng và thiếu nhiên liệu và thuốc men trầm trọng.

Các nguồn tin và viện trợ của chính phủ cho biết anh em của tổng thống - cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và cựu Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa - vẫn ở Sri Lanka.

Gotabaya Rajapaksa - vợ tổng thống, và hai vệ sĩ của ông đã rời sân bay quốc tế gần Colombo trên một chiếc máy bay của Không quân Sri Lanka vào sáng sớm 13.7. Một nguồn tin chính phủ và một người thân cận với ông Rajapaksa cho biết tổng thống đã tới Male, thủ đô của Maldives. Cũng theo nguồn tin từ chính phủ, tổng thống rất có thể sẽ tới một quốc gia Châu Á khác từ Maldives.

Theo kế hoạch, ông Rajapaksa sẽ từ chức tổng thống vào ngày 13.7 để nhường chỗ cho một chính phủ đoàn kết sau khi những người biểu tình xông vào phủ dinh thự tổng thống và thủ tướng.

Ông Mahinda Yapa Abeywardena, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin liên lạc nào từ ông Rajapaksa. Một nguồn tin trong đảng cầm quyền nói rằng tổng thống sẽ gửi thư từ chức vào cuối ngày. Thủ tướng Wickremesinghe trở thành quyền tổng thống, mặc dù ông cũng đã thông báo sẽ từ chức. Nếu như vậy, theo hiến pháp, chủ tịch quốc hội sẽ là quyền tổng thống cho đến khi một tổng thống mới được bầu.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo biểu tình nói rằng thủ tướng là đồng minh với ông Rajapaksa và đã cảnh báo về một "cuộc chiến quyết định" nếu ông không từ chức vào chiều 13.7.

Nguyên nhân sâu xa

Nền kinh tế Sri Lanka phụ thuộc vào du lịch đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và sau đó bị sụt giảm lượng kiều hối từ người dân Sri Lanka ở nước ngoài. Lệnh cấm phân bón hóa học đã ảnh hưởng đến sản lượng mặc dù lệnh cấm sau đó đã được bãi bỏ.

Tổng thống Rajapaksas đã thực hiện cắt giảm thuế vào năm 2019, ảnh hưởng đến tài chính của chính phủ trong khi dự trữ ngoại hối thu hẹp làm hạn chế nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.

Xăng dầu khan hiếm nghiêm trọng và người dân phải xếp hàng dài để mua gas. Lạm phát chạm mức 54,6% vào tháng trước và ngân hàng trung ương đã cảnh báo lạm phát có thể tăng lên 70% trong những tháng tới.

Chính phủ Sri Lanka nợ 51 tỉ USD và không thể trả lãi cho các khoản vay của mình, chứ chưa nói đến số tiền đã vay. Và đồng tiền nội tệ của nước này đã mất giá tới 80%, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và làm trầm trọng thêm lạm phát vốn đã ngoài tầm kiểm soát, cùng với giá thực phẩm chi phí tăng 57%. Kết quả là Sri Lanka vỡ nợ, hầu như không có tiền để nhập khẩu xăng, sữa, gas nấu ăn và giấy vệ sinh.

Tham nhũng chính trị cũng là một vấn nạn; nó không chỉ đóng một vai trò trong việc đất nước phung phí tài sản của mình, mà còn làm phức tạp thêm bất kỳ cuộc giải cứu tài chính nào cho Sri Lanka.

Anit Mukherjee, chuyên gia chính sách và nhà kinh tế tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, cho biết bất kỳ hỗ trợ nào từ IMF hoặc Ngân hàng Thế giới đều phải đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt để đảm bảo viện trợ không bị sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, Mukherjee lưu ý rằng, Sri Lanka nằm ở một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, vì vậy để một quốc gia có tầm quan trọng chiến lược như vậy sụp đổ không phải là một lựa chọn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn