MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Băng ở Nam Cực tháng 12.2018. Ảnh: Xinhua

Nguy cơ lớn khi băng biển Nam Cực ở mức thấp kỷ lục

Khánh Minh LDO | 24/02/2023 07:00

Băng biển ở Nam Cực rơi xuống mức thấp kỷ lục lần thứ 2 trong vòng 2 năm qua.

Một số nhà khoa học cảnh báo, sự tan chảy đáng kể của băng là tín hiệu cho thấy, cuộc khủng hoảng khí hậu hiện đã có những ảnh hưởng rõ rệt hơn đến khu vực rộng lớn, phức tạp và biệt lập này.

Ngày 13.2, Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC) cho biết, diện tích vùng băng biển bao quanh Nam Cực đã giảm xuống còn 1,91 triệu kilomet vuông, dưới mức kỷ lục trước đó là 1,92 triệu kilomet vuông hồi tháng 2.2022.

Băng biển được dự báo sẽ còn tiếp tục tan chảy. CNN dẫn lời Ted Scambos, nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Colorado Boulder, nhận định: "Băng biển không chỉ rơi xuống mức thấp kỷ lục mà thậm chí còn có xu hướng tan chảy với tốc độ chóng mặt".

Không giống như Bắc Cực, nơi tốc độ tan chảy của băng biển ở mức nhất quán khi biến đổi khí hậu gia tăng, phạm vi băng biển ở Nam Cực lại dao động liên tục, mở ra nhiều thách thức về việc nghiên cứu cách thức mà lục địa này và đại dương xung quanh phản ứng với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Hai vùng cực này hoàn toàn khác nhau. Trong khi Bắc Cực là một đại dương được bao quanh bởi các lục địa, Nam Cực chỉ là một lục địa được bao quanh bởi đại dương - điều này đồng nghĩa với việc băng biển của Nam Cực có thể tràn ra bên ngoài và không bị cản trở bởi đất liền.

Các mô hình khí hậu dự đoán sự tan chảy băng biển ở Nam Cực sẽ tương tự như ở Bắc Cực, nhưng cho đến gần đây, hoạt động của lục địa này thay đổi và khác hoàn toàn so với những dự đoán ban đầu.

Một tảng băng trôi ở Nam Cực, tháng 2.2019. Ảnh: Xinhua

Mùa đông năm 2014, Nam Cực đạt mức cao kỷ lục về diện tích băng biển với khoảng 124 triệu kilomet vuông, điều này dường như phù hợp với ý kiến cho rằng Nam Cực có thể tách biệt khỏi hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nhưng vào năm 2016, các nhà khoa học bắt đầu để ý tới một xu hướng giảm mạnh. Ban đầu, một số người cho rằng, đó là do tính biến đổi thông thường của lục địa rộng lớn, phức tạp này với các hệ thống khí hậu đa dạng. Nhưng sau khi quan sát thấy hai kỷ lục băng biển thấp liên tục, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều hồi chuông cảnh báo. 

Christian Haas - Trưởng bộ phận nghiên cứu vật lý băng biển tại Viện nghiên cứu Alfred Wegener (Đức) - cho hay: “Câu hỏi đặt ra là biến đổi khí hậu có xảy ra ở Nam Cực không? Đây có phải là khởi đầu của một kết thúc? Liệu băng biển có biến mất vĩnh viễn trong những năm tới vào mùa hè không?”.

Một vài yếu tố có thể giải thích vì sao băng biển lại ở mức thấp đến vậy, bao gồm gió, hải lưu và nhiệt độ của đại dương.

Ở Nam Cực, nhiệt độ trong không trung sẽ cao hơn khoảng 1,5 độ C so với mức trung bình dài hạn thường thấy.  

Một yếu tố quan trọng cần đề cập tới là vành đai gió tây bao quanh Nam Cực, hay còn gọi là Dao động Nam Cực. Theo NSIDC, những cơn gió này có thể làm lượng băng tan trên biển trở nên dữ dội hơn bình thường.

Sức gió mạnh hơn do một phần liên quan đến sự ô nhiễm trầm trọng, làm xuất hiện hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng như thủng tầng ozone phía trên lục địa.  

Ông Scambos - nhà nghiên cứu về sông băng - cho hay, có ý kiến cho rằng, băng biển đang tan chảy do hơi ấm bị chặn lại ngay dưới bề mặt đại dương.

Ông nói: "Nếu lý thuyết đó là đúng và có liên quan đến sự nóng lên chung trên toàn cầu, điều này sẽ có ý nghĩa lớn đối với sự ổn định của dải băng ở Nam Cực".

Sự biến mất của băng biển có thể gây ra "hiệu ứng tầng" ở Nam Cực. Mặc dù nó không ảnh hưởng trực tiếp đến mực nước biển, vì nó đã trôi nổi sẵn trên đại dương, sự mất đi của rìa băng biển xung quanh Nam Cực sẽ khiến các dải băng ven biển và sông băng tiếp xúc với sóng và nước biển ấm, khiến chúng dễ bị tan chảy và vỡ vụn nhiều hơn.

Một tảng băng trôi ở Nam Cực, tháng 2.2019. Ảnh: Xinhua

Một vùng đất Nam Cực bị thay đổi có thể có tác động đáng kể đến đời sống hoang dã, từ các vi sinh vật và tảo hỗ trợ chuỗi thức ăn - thức ăn cho loài nhuyễn thể, sau đó là thức ăn cho nhiều loài cá voi trong khu vực - đến chim cánh cụt và hải cẩu sống dựa vào băng biển để kiếm ăn và nghỉ ngơi.

Bán đảo Nam Cực, một dãy núi băng nhọn nhô ra khỏi phía tây của lục địa giống như ngón tay cái đang chỉ về phía Nam Mỹ, là một trong những nơi có sự xuất hiện của việc nóng lên nhanh nhất ở Nam bán cầu.

Carlos Moffat - nhà hải dương học tại Đại học Delaware, người vừa trở về sau chuyến nghiên cứu đến Bán đảo Nam Cực - nói rằng, băng biển chỉ ở mức thấp và nhiệt độ đại dương “khác biệt đáng kể so với những gì chúng tôi đã quan sát được trong vài thập kỷ trước". 

Năm 2022, các nhà khoa học nhận định, sông băng Thwaites rộng lớn ở Tây Nam Cực - có tên gọi khác là "Sông băng ngày tận thế" - đã kịp thời ứng biến khi hành tinh đang nóng lên ở mức chóng mặt.

Các nhà khoa học ước tính, mực nước biển dâng lên trên toàn cầu có thể tăng khoảng 3.048 mét nếu sông băng Thwaites sụp đổ hoàn toàn, tàn phá các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới.

Ông Scambos cho hay, các nhà khoa học sẽ cần ít nhất 5 năm nữa để thu thập dữ liệu và quan sát, đồng thời nói thêm: "Có vẻ như một điều gì đó đã thay đổi ở Nam Cực nên mọi thứ mới diễn ra hết sức kịch tính như vậy".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn