MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội quân đất nung tại Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Nhà khảo cổ học đầu tiên phát hiện đội quân đất nung

Thanh Hà LDO | 09/07/2024 14:15

Khi đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng được phát hiện, Zhao Kangmin là nhà khảo cổ Trung Quốc đầu tiên tiếp cận.

Khi nhà khảo cổ Trung Quốc Zhao Kangmin nghe điện thoại vào tháng 4.1974, ông được thông báo một nhóm nông dân tìm thấy một số cổ vật khi đào giếng, BBC thông tin.

Đang cần nước trong thời kỳ hạn hán, những nông dân này đào sâu khoảng 1m thì gặp đất đỏ cứng và sau đó tìm thấy những đầu bằng gốm có kích thước như người thật cùng một số mũi tên bằng đồng.

Sếp của ông Zhao Kangmin nhấn mạnh, đây có thể là một phát hiện quan trọng và giao cho ông đi xem xét càng sớm càng tốt.

Làm việc tại bảo tàng ở tỉnh Thiểm Tây, miền trung Trung Quốc, ông Zhao Kangmin đã linh cảm về những gì có thể tìm thấy.

Trước đó, những cổ vật đã được đào lên khỏi lòng đất ở khu vực gần thành phố Tây An, cách lăng mộ Tần Thủy Hoàng không xa.

Một thập kỷ trước, chính ông Zhao Kangmin phát hiện ra 3 tay nỏ đang khụy gối. Nhưng ông chưa bao giờ chắc chắn rằng những bức tượng đó có niên đại từ thời trị vì của vị hoàng đế nhà Tần (221-206 trước Công nguyên).

Nhà khảo cổ Trung Quốc Zhao Kangmin - được xem là nhà khảo cổ đầu tiên xác định được tầm quan trọng của đội quân đất nung. Ảnh chụp màn hình BBC

Tuy nhiên, những gì nhìn thấy vượt ra khỏi mọi hình dung của ông. Những người nông dân đào giếng đã tình cờ phát hiện ra một trong những phát hiện khảo cổ ấn tượng nhất của thế kỷ 20: Đội quân đất nung ước tính khoảng 8.000 chiến binh, được chế tạo 2.200 năm trước để bảo vệ Tần Thủy Hoàng ở thế giới bên kia. Một đội quân lớn, hoàn chỉnh với ngựa và xe ngựa, chôn vùi dưới lòng đất.

Zhao đi đến địa điểm tìm thấy đội quân đất nung cùng với một đồng nghiệp. “Bởi vì rất phấn khích nên chúng tôi đã đạp xe nhanh đến mức có cảm giác như đang bay. Khi đến nơi, tôi nhìn thấy 7-8 mảnh chân, tay và hai đầu nằm gần giếng, cùng với một số viên gạch" - ông kể lại.

Ngay lập tức, ông nhận ra đây có thể là tàn tích của những bức tượng thời Tần. Những người nông dân phát hiện ra những bức tượng của đội quân đất nung vài tuần trước đó đã bán một số đầu mũi tên bằng đồng cho hàng phế liệu được yêu cầu dừng ngay lập tức. Các cổ vật được thu thập, đưa về bảo tàng trên thùng xe tải.

Sau đó, Zhao bắt đầu miệt mài ghép các mảnh vỡ lại với nhau. Cuối cùng, sau 3 ngày làm việc, 2 chiến binh đất nung oai phong, mỗi bức tượng cao 1,78m đã được phục dựng.

Ít lâu sau, một nhà báo trẻ của Tân Hoa Xã đến thăm khu vực thì tình cờ nhìn thấy những bức tượng và nhận thấy đây là một phát hiện lớn. Nhà báo đã công khai phát hiện này và thông tin đã lan đến tận giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Giới chức Bắc Kinh đã quyết định khai quật khu vực này và trong vòng vài tháng, hơn 500 chiến binh đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng đã được phát hiện.

Ngôi mộ chính của Tần Thủy Hoàng vẫn được niêm phong. Có thể có hàng nghìn cổ vật quý bên trong lăng mộ nhưng rủi ro khi xâm phạm tới nơi an nghỉ của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc và lo ngại gây hư hại không thể khắc phục với những cổ vật bên trong nên chính phủ Trung Quốc vẫn chưa khai quật.

Năm 1975, một năm sau khi cuộc khai quật đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng bắt đầu, Trung Quốc quyết định mở một bảo tàng tại địa điểm phát hiện.

Ông Zhao cho biết, trong cuộc khai quật đầu tiên, một phái viên từ Bắc Kinh nói rằng, ông đã "có đóng góp rất lớn cho đất nước".

Năm 1990, nhà khảo cổ đầu tiên tiếp cận với đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được Quốc vụ viện Trung Quốc công nhận và cấp một khoản trợ cấp đặc biệt. Ông sống cùng với vợ và 2 con trai. Zhao qua đời ngày 16.5.2018 ở tuổi 81.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn