MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giới học giả Nhật Bản không được đánh giá cao cho giải Nobel. Ảnh: Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao và Công nghệ Nhật Bản

Nhật Bản dần thất thế trong cuộc chiến giành giải Nobel

Thảo Phương LDO | 18/03/2023 12:00

Cơ hội để Nhật Bản có thêm giải Nobel ngày càng hạn hẹp khi các học giả tại “xứ Phù Tang” bị lu mờ so với đối thủ từ những quốc gia khác.

Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản nên có những chính sách thích hợp trong việc phát triển công nghệ tiên tiến, thúc đẩy các nhà nghiên cứu và đề cao thành tựu của họ.

Từ đó, nước này sẽ có thể khôi phục lại sức hút trên các tạp chí khoa học được bình duyệt để ngăn chặn sự trượt dài so với các đối thủ trên toàn cầu.

Takuzo Aida, giáo sư tại Đại học Tokyo thông tin: “Nhật Bản đang bị các mạng lưới nghiên cứu khoa học tiên tiến quốc tế phớt lờ.

Số lượng học giả được đánh giá cao từ các tổ chức của Nhật Bản đã giảm từ 6 trong những năm 2010 xuống chỉ còn 1, thấp hơn so với các tổ chức của Trung Quốc và Hàn Quốc”.

Sự hiện diện của giới học thuật Nhật Bản trong lĩnh vực hóa học và vật liệu - hai thế mạnh truyền thống của đất nước cũng đang giảm dần.

Theo Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, các nhà nghiên cứu của “đất nước Mặt trời mọc” chiếm chưa đến 4% trong số những người được mời làm giảng viên tham dự hội nghị quốc tế của Hiệp hội Nghiên cứu Vật liệu năm 2019, giảm mạnh khoảng 10% so với năm 1996.

Theo nghiên cứu Công ty Clarivate, Vương quốc Anh, năm 2022, Nhật Bản có 54 nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều trong các tư liệu khoa học, giảm một nửa so với năm 2014.

Kể từ năm 2000, Nhật Bản có 19 người đoạt giải Nobel. Ảnh: Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao và Công nghệ Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia lớn duy nhất trải qua sự suy giảm mạnh mẽ trong số lượng học giả ưu tú. Trong khi đó, số nhà nghiên cứu Trung Quốc được trích dẫn trong các tư liệu khoa học tăng gấp bốn lần cùng thời kỳ. Australia cũng ghi nhận con số tăng gấp 3 và đối với Hàn Quốc là gấp đôi.

Về số lượng bài báo được trích dẫn trong top 10%, Nhật Bản đứng thứ ba, sau Mỹ và Anh từ nửa đầu những năm 1980 đến những năm 1990. Tuy nhiên, quốc gia này đã bị Đức và Trung Quốc vượt qua từ đầu thế kỷ 21, tụt xuống vị trí thứ 12 vào năm 2019.

Thông thường phải mất từ 20 đến 25 năm để các học giả có thể nhận được giải thưởng Nobel sau những thành tựu lớn. Kể từ năm 2000, Nhật Bản đã có 19 người đoạt giải Nobel, chỉ đứng sau Mỹ, chủ yếu nhờ những thành tựu trong thế kỷ trước. Sự khan hiếm của dự án nghiên cứu từ những năm 2010 có thể đẩy Nhật Bản vào tình thế trắng tay tại giải Nobel trong năm 2030 trở đi.

Sinh viên Nhật Bản đang dần rời xa các chương trình sau Đại học. Ảnh: Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao và Công nghệ Nhật Bản

Trên thực tế, những người trẻ tuổi Nhật Bản đang bắt đầu xa lánh các khóa học tiến sĩ do vị trí được tuyển dụng ngày càng giảm. Trong năm 2019, có 15.100 người nhận bằng tiến sĩ tại Nhật Bản, ít hơn con số 15.300 ở Hàn Quốc, quốc gia có dân số chưa bằng một nửa “đất nước Mặt trời mọc”. 

Kei Igarashi, Phó giáo sư tại Đại học California, Irvine (Mỹ) cho biết: “Cơ hội và ngân sách dành cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia vào dự án độc lập tại Nhật Bản hạn chế hơn nhiều so với Mỹ và các nơi khác”.

Theo Phó giáo sư Kei Igarashi, để tận dụng tốt hơn tài năng sau tiến sĩ, Nhật Bản cần làm cho nghề nghiệp trở nên hấp dẫn hơn. Ở Mỹ và các quốc gia khác, những người có bằng tiến sĩ thường được trả lương cao hơn và phúc lợi tốt hơn so với nhân viên chỉ có bằng cử nhân.

Cùng sở hữu vị thế nổi bật tại châu Á nhưng Nhật Bản và Trung Quốc lại có sự chênh lệch về cơ hội tại giải Nobel.

Theo đó, giới học giả tại “đất nước Mặt trời mọc” ngày càng bị lu mờ khi xã hội không còn dành nhiều sự quan tâm đến công việc của họ. Trái lại, Trung Quốc đang chứng kiến những ngôi sao vươn lên trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn