MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhật Bản chưa sẵn sàng tiếp nhận làn sóng khách du lịch tăng cao. Ảnh: Cơ quan Du lịch Nhật Bản

Nhật Bản thiếu nhân lực, chưa sẵn sàng chào đón du khách

Thảo Phương LDO | 03/03/2023 12:00

Nhật Bản đối mặt với bài toán đón làn sóng du khách tăng mạnh khi 3/4 cơ sở lưu trú không có đủ nhân viên chuyên nghiệp.

Sau làn sóng COVID-19, Tokyo đã loại bỏ yêu cầu xét nghiệm đối với du khách Trung Quốc. Tuy vậy, ngành du lịch của xứ sở hoa anh đào vẫn chưa sẵn sàng đón tiếp khách du lịch đổ về bởi vấn đề thiếu nhân lực đáp ứng các dịch vụ. Nhiều chuyên gia cho rằng du khách đến từ đất nước tỉ dân sẽ gây sức ép và khiến ngành du lịch Nhật Bản trở nên căng thẳng.

Nhật Bản từ lâu đã tự hào với tinh thần “omotenashi” - hết lòng với khách hàng, song tình trạng thiếu nhân viên dịch vụ trầm trọng bởi ảnh hưởng của đại dịch khiến họ không đủ hào hứng để đối mặt với số lượng du khách tăng vọt. “Sự thiếu hụt nhân sự trong toàn bộ lĩnh vực dịch vụ là vấn đề rất nghiêm trọng”, Sayaka Hamano, chủ quán trọ truyền thống Nhật Bản chia sẻ.

Trong tất cả những thách thức mà ngành du lịch Nhật Bản phải đối mặt, việc thiếu nhân viên dịch vụ lành nghề là vấn đề nan giải nhất. Theo thống kê của chính phủ, 510.000 người đã được tuyển dụng trong lĩnh vực khách sạn của Nhật Bản vào tháng 8.2022, giảm 20% so với tháng 8 năm 2019.

3/4 trong số 10.000 cơ sở lưu trú tại Nhật Bản thiếu nhân viên trầm trọng. Ảnh: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

Sayaka Hamano, người có gia đình điều hành quán trọ truyền thống từ những năm 1960, cho biết: “Sự thiếu hụt nhân lực đang tác động mạnh đến công việc kinh doanh của các khách sạn, nhà hàng và quán bar. Mỗi ngày, tôi đều phải phỏng vấn nhân viên mới hoặc tìm ứng viên cho các vị trí cụ thể.

Theo Teikoku Databank, gần 77,8% trong số hơn 10.000 cơ sở lưu trú tại Nhật Bản không có đủ nhân viên toàn thời gian. Đồng thời, khoảng 8.100 khách sạn, phòng trọ cho biết họ thiếu nhân viên bán thời gian. “Chúng tôi rất vui khi du khách Trung Quốc có thể quay lại Hokkaido, mặc dù chắc chắn điều này có thể làm gia tăng các vấn đề mà ngành du lịch đang phải đối mặt”, Sayaka chia sẻ.

Tác động của việc thiếu nhân viên cũng được thể hiện trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng khi các sân bay không thể đảm bảo đủ nhân viên an ninh, nhập cư và phi hành đoàn. Hậu quả đã được kiểm chứng qua những hàng người chờ đợi ngày càng kéo dài tại các điểm nhận hành lý và kiểm tra hải quan.

Toàn bộ lĩnh vực phục vụ cho du lịch đều rơi vào tình trạng thiếu nhân lực. Ảnh: Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản

Các kỳ nghỉ trong Tuần lễ Vàng sắp tới báo động một mùa du lịch đầy khó khăn với xứ sở hoa anh đào khi du khách nội địa và quốc tế đổ xô đến những địa điểm đắt giá. Ashley Harvey, nhà phân tích có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch cho biết: “Nhật Bản đơn giản là chưa sẵn sàng cho làn sóng du khách mới”.

“Năm 2019, du lịch Nhật Bản từng đối mặt với sự bùng nổ về số lượng du khách, khi đó các khách sạn và nhiều hãng hàng không đã nâng cao kỹ thuật cũng như đào tạo một đội ngũ nhân viên nòng cốt. Tuy nhiên đại dịch đã làm xáo trộn tất cả, nhiều người nghỉ việc vì nghĩ rằng ngành du lịch không còn tương lai”, Ashley nói thêm.

Ashley đánh giá chính phủ vẫn chưa đưa ra chiến dịch đủ hiệu quả để thu hút du khách nước ngoài đến những địa điểm khác, rời xa bộ 3 truyền thống nổi tiếng là Tokyo, Kyoto và Osaka.

Giới chuyên môn cho rằng Nhật Bản chưa chuẩn bị tốt trong 3 năm đại dịch. Ảnh: Cơ quan Du lịch Nhật Bản

“Nhật Bản đã dành quá nhiều sự tập trung vào việc quảng bá các khu vực và địa điểm sở hữu một số yếu tố tuyệt vời để trải nghiệm, song họ lại không có đủ khách sạn cao cấp và các cơ sở vật chất khác mà du khách nước ngoài yêu cầu. Đất nước mặt trời mọc đã có 3 năm để nghiên cứu những điều kiện cần thiết, nhưng họ không thực sự hoàn thành mục tiêu”, Ashley nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn