MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều nơi ở EU muốn nối lại mua khí đốt Nga

Ngọc Vân LDO | 27/08/2022 07:22

Nhiều nước EU từng từ chối thanh toán bằng đồng rúp giờ muốn nối lại mua khí đốt Nga, trong khi một thành phố muốn được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt Nga cũng để mua khí đốt.

Bulgaria muốn nối lại nhập khẩu khí đốt Nga

Chính phủ Bulgaria đang xem xét tổ chức các cuộc đàm phán với tập đoàn dầu khí Nga Gazprom về việc nối lại nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga - Bộ trưởng Năng lượng Rosen Hristov nói với Nova TV hôm 26.8.

“Vẫn chưa có cuộc đàm phán tích cực nào với Gazprom… nhưng chúng tôi đã đưa ra dấu hiệu rằng, chúng tôi muốn bắt đầu đàm phán, hay đúng hơn là tiếp tục đàm phán để làm rõ một số điều khoản gây tranh cãi của hợp đồng. Chúng tôi gửi thông tin là sẵn sàng đàm phán và yêu cầu họ nối lại liên lạc” - ông Hristov nói.

Bộ trưởng chỉ rõ, Bulgaria mong đợi phản hồi từ nhà cung cấp Nga trong ngày 26.8 hoặc muộn nhất là ngày 29.8.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ đang nói về hợp đồng cũ; chúng tôi sẽ không tái ký hoặc đàm phán hợp đồng mới”.

Theo ông Hristov, Bulgaria đang tìm cách gia hạn thời hạn cung cấp khối lượng khí đốt còn lại theo hợp đồng đến năm 2023.

Bulgaria phụ thuộc hơn 90% nhu cầu khí đốt của mình vào Nga cho đến tháng 4, khi Gazprom cắt nguồn cung cấp cho quốc gia EU này do Sofia từ chối thanh toán bằng đồng rúp

Theo quy định mới, người mua từ các quốc gia áp đặt các hạn chế đối với Mátxcơva có nghĩa vụ thanh toán khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp. Việc Sofia từ chối chấp nhận các điều khoản mới đã khiến Gazprom tạm dừng cung cấp nhiên liệu cho đối tác Bulgaria là Bulgargaz.

Ông Hristov cáo buộc chính phủ trước đây của Thủ tướng Kiril Petkov theo chủ nghĩa cải cách - đã sụp đổ vào tháng 6 chỉ sáu tháng sau khi nhậm chức - làm tổn hại quan hệ với Nga sau chiến sự Ukraina.

Ông Hristov không mong đợi các cuộc thảo luận với Nga sẽ dễ dàng và nhanh chóng. "Tình hình với Gazprom không khả quan chút nào... Chúng tôi rõ ràng phải tìm đến họ. Các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn và gian nan”.

Thành phố của Hà Lan muốn được miễn trừ trừng phạt Nga

Trong khi đó, Reuters đưa tin, thành phố The Hague của Hà Lan muốn được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt Nga. The Hague tiết lộ sẽ yêu cầu EU cho phép thành phố tạm thời miễn trừ các lệnh trừng phạt chống Nga. 

Thành phố The Hague - nơi đặt trụ sở của Tòa án Hình sự Quốc tế - được cho là muốn tiếp tục mua khí đốt tự nhiên từ Tập đoàn Dầu khí Nga Gazprom cho đến khi tìm được nhà cung cấp thay thế.

Theo hãng Reuters, hội đồng thành phố The Hague đã vạch ra kế hoạch hôm 25.8, chỉ ra rằng chính quyền thành phố đã tổ chức đấu thầu toàn EU vào tháng 6 và tháng 7 nhưng không tìm được khí đốt thay thế của Nga.

Các biện pháp trừng phạt của EU - được áp đặt để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraina - có nghĩa là tất cả chính phủ và cơ quan công quyền trong khối phải chấm dứt hợp đồng hiện có của họ với các công ty Nga trước ngày 10.10.

Các nhà chức trách ở The Hague tin tưởng rằng cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận với một nhà cung cấp thay thế, nhưng không phải trước thời hạn tháng 10 - như được chỉ ra trong một bức thư gửi tới hội đồng thành phố do Phó Thị trưởng Saskia Bruines gửi và được Reuters trích dẫn.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu miễn trừ cho thỏa thuận hiện tại của chúng tôi đến ngày 1.1.2023 để đảm bảo sự an toàn của nguồn cung và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán” - bà Bruines nói.

Phó Thị trưởng Bruines bày tỏ tin tưởng rằng, EU sẽ cho thành phố miễn trừ, vì The Hague đã cố gắng một cách thiện chí để tìm người thay thế. Tuy nhiên, bà Bruines thừa nhận, bất kỳ hợp đồng mới nào cũng sẽ đắt hơn đáng kể so với hợp đồng mà thành phố hiện có với Gazprom.

Ủy ban Châu Âu vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

The Hague được cho là đô thị Hà Lan đầu tiên yêu cầu miễn trừ. Nhiều thành phố và thị trấn khác ở Hà Lan cũng có hợp đồng với Gazprom.

Giá khí đốt tự nhiên ở Châu Âu đạt mức cao kỷ lục ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina. Mặc dù giá cả đã chững lại kể từ đó, nhưng nhiên liệu hóa thạch vẫn đắt hơn đáng kể so với năm ngoái.

Ngoài ra, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho EU qua đường ống dẫn khí Nord Stream trong những tháng gần đây với lý do các vấn đề kỹ thuật do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Trong khi đó, người tiêu dùng Châu Âu lại cáo buộc Mátxcơva vũ khí hóa việc xuất khẩu năng lượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn