MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quân Smersh bắt lính nhảy dù - phá hoại của Đức năm 1944. Ảnh: FSB

Những bí mật của cơ quan tình báo thành công nhất lịch sử

Nguyễn Quang (Theo kp.ru) LDO | 23/04/2023 21:00
Cơ quan tình báo Smersh của Bộ Quốc phòng Liên Xô, thành lập ngày 19.4.1943 và chỉ tồn tại 3 năm, nhưng hiệu quả công việc là vô song trong lịch sử của các dịch vụ đặc biệt.

Stalin đặt tên cho tổ chức

Quyết định thành lập Tổng cục Phản gián Smersh được đích thân Stalin đưa ra vào mùa xuân năm 1943 và chính ông đề xuất tên gọi là Smersh (viết tắt cụm từ tiếng Nga: Bọn gián điệp phải chết).

Trước đó, Tổng Tư lệnh Tối cao đã mời đến văn phòng của mình tất cả những người đứng đầu các bộ phận đặc biệt của các mặt trận, quân đội và bộ máy trung ương. Stalin đã nói chuyện với từng người. Và vào ngày 19.4.1943 có Quyết định của Hội đồng Dân ủy Liên Xô loại bỏ Tổng cục Đặc biệt của Bộ Nội vụ và chuyển giao cho Dân ủy Quốc phòng, tổ chức lại thành Tổng cục Phản gián Smersh.

Nhiệm vụ của tổ chức này là đấu tranh chống hoạt động gián điệp, phá hoại, khủng bố của cơ quan tình báo nước ngoài trong các đơn vị của Hồng quân; đấu tranh với các phần tử chống Liên Xô thâm nhập vào Hồng quân, chống lại sự phản bội tổ quốc, đào ngũ trên các mặt trận.

Ngoài ra, Smersh còn có nhiệm vụ kiểm tra nhà nước đối với các binh sĩ Hồng quân bị bắt hoặc thoát vây từ sau phòng tuyến của quân Đức.

Lực lượng phản gián này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Stalin. Thượng tướng An ninh Viktor Abakumov, mới 35 tuổi nhưng rất giàu kinh nghiệm, được bổ nhiệm làm người đứng đầu Smersh.

Và trong Lực lượng Hải quân, Nội vụ Dân ủy đều có tổ chức lực lượng Smersh của riêng mình.

Viktor Semyonovich Abakumov, chỉ huy đầu tiên của Smersh. Ảnh: FSB

Đập tan âm mưu của kẻ thù

Năm 1943, Smersh đã ngăn chặn các âm mưu ám sát Nguyên soái Rokossovsky và Govorov, và vào năm 1944 đập tan âm mưu ám sát Stalin. Nỗ lực này được chuẩn bị bởi Tavrin và đối tác của hắn là Shilova - những kẻ khủng bố từng bị bỏ rơi ở Liên Xô.

Để chuẩn bị cho chiến dịch này, phát xít Đức đã chi ra hai triệu reichsmark. Sau khi bị phát giác, Tavrin và Shilova đã được sử dụng vào trò chơi radio “sương mù”, trò chơi này còn tiếp tục cho đến khi chiến tranh kết thúc. Lần phát sóng cuối cùng vào ngày 9.4.1945.

Trong suốt những năm chiến tranh, Smersh đã vô hiệu hóa hơn 30.000 gián điệp, 3.500 kẻ phá hoại và 6.000 tên khủng bố.

Lực lượng phản gián của Smersh đã đánh lừa quân Đức, cùng với Bộ Tổng tham mưu, tạo ra một hệ thống tung thông tin giả cho kẻ thù.

Những tên gián điệp - lính dù Đức sau khi nhảy dù xuống hậu phương Liên Xô - đã bị bắt ngay lập tức. Nhưng các cuộc điện báo vẫn được chuyển đến Đức về những thành công của các nhóm chiến đấu không hề tồn tại.

Và hết lần này đến lần khác, các "ông chủ" của chúng vẫn tiếp tục tuồn thiết bị vô tuyến, vũ khí và những nhân viên gián điệp mới sang bên kia mặt trận, để bổ sung cho đội "quân nổi dậy".

Tổng cộng, Smersh đã thực hiện 183 lần trò chơi radio, đã dụ và bắt được hơn 400 gián điệp Đức.

Ở bên kia chiến tuyến

Từ tháng 10.1943 đến tháng 5.1944, đã có 345 điệp viên của Hồng quân Liên Xô được tung vào hậu phương của kẻ thù. 102 người trong số họ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, đã cung cấp thông tin về 620 sĩ quan tình báo chính quy của kẻ thù và 1.103 điệp viên của chúng.

Trong toàn bộ cuộc chiến, các cơ quan đặc biệt của kẻ thù đã không cài được một đặc vụ nào vào trong các đơn vị Smersh.

Smersh còn có nhiệm vụ kiểm tra những người bị quân Đức bắt làm tù binh và công việc này phải hoàn thành trong vòng 1-2 tháng. Những người tin cậy, đã qua kiểm tra, sẽ được gửi ra mặt trận.

Từ tháng 9.1944 đến tháng 6.1945, sau những cuộc kiểm tra như vậy, đã có 1,2 triệu cựu tù nhân đã được gửi vào quân đội.

Nhưng kết quả chính của việc sàng lọc này là hàng triệu người đã được trả lại họ tên trung thực của họ.

Huy hiệu của các chiến sĩ, sĩ quan phản gián Smersh. Ảnh: FSB

Kẻ thù đã nói gì về họ?

Thống chế Keitel, Tham mưu trưởng Bộ tham mưu quân đội Đức, viết: "Những dữ liệu mà các đặc vụ của chúng tôi thu thập được chỉ liên quan đến chiến thuật còn chưa bao giờ nhận được thông tin có tác động quan trọng đến sự phát triển của các hoạt động quân sự ...".

Schellenberg, người đứng đầu bộ phận tình báo của Tổng cục An ninh Đức, nói: "Trong một thời gian, Mátxcơva đã cung cấp thông tin trung thực khiến giới lãnh đạo hàng đầu của Đức trở thành nạn nhân của thông tin giả chết người vào thời điểm quyết định".

Người đứng đầu cơ quan phản gián quân đội Đức Abwehr-3, Trung tướng Phon Bentivenyi nói: “Hầu như không một điệp viên của Đức nào được tung vào hậu phương của Hồng quân thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền Liên Xô, phần lớn các điệp viên của Đức đều bị người Nga bắt giữ và nếu họ có quay lại được thì thường mang theo thông tin sai lệch".

Hiệu quả công việc

Với tổng số 6.000 nhân viên, lực lượng phản gián quân sự Smersh đã bảo vệ cho quân đội và hải quân Liên Xô tránh được sự thâm nhập của gián điệp, những kẻ phá hoại và khủng bố của đối phương.

Bốn trong số các sĩ quan phản gián của quân đội - Zhidkov, Kravtsov, Krygin và Chebotarev - đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn