MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nước Châu Âu đang phải đối mặt với mùa đông ấm bất thường. Ảnh: Xinhua

Những con số dự đoán về khí hậu trong năm 2023

Thảo Phương LDO | 08/01/2023 11:00

Tiếp tục ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ, sự tăng lên của khí thải hay những dự án tái tạo năng lượng là những vấn đề liên quan đến khí hậu trong năm 2023.

Một khởi đầu “nóng bỏng”

Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao trong năm 2022 sẽ được các nhóm nghiên cứu khoa học đưa ra trong vài tuần tới. Theo dự thảo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm vừa qua được xếp hạng thứ 6 trong những năm nóng nhất lịch sử, cao hơn 1,15°C so với nhiệt độ trung bình của thập niên 80.

Nhiệt độ liên tục tăng cao trong đầu năm 2023. Ảnh: Xinhua

Theo các nhà khí tượng học, những ngày đầu tiên của năm 2023 đã chứng minh xu hướng nóng lên toàn cầu khi Châu Âu ghi nhận mùa đông ấm kỷ lục trong lịch sử. Nếu năm 2023 tiếp tục với nhiệt độ tăng cao, 8 năm qua sẽ trở thành chuỗi thời gian nóng nhất kể từ khi các số đo nhiệt độ bắt đầu.

Khí thải tiếp tục tăng cao

Mật độ khí thải ngày càng tăng cũng là lúc hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên nhanh chóng. Khí thải từ việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng tăng 1%, chạm mốc 36,6 tỉ tấn CO2 trong năm 2021.

Sử dụng dầu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc gia tăng khí thải trong năm 2022, đặc biệt đối với ngành hàng không khi du lịch phục hồi sau đại dịch. Nhu cầu sử dụng dầu mỏ và than đá bắt đầu tăng cao kỷ lục vì xung đột giữa Nga và Ukraina gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu, buộc các quốc gia phải sử dụng thêm nhiều nhiên liệu hóa thạch có sức tàn phá mạnh đối với môi trường.

Các nước Châu Âu buộc phải sử dụng nhiều than đá trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Xinhua

“Cú sốc” năng lượng lan rộng khắp thế giới khi Trung Quốc cũng phải tăng cường khai thác, sản xuất than để đáp ứng thị trường. Theo các nhà khoa học khí hậu, lượng CO2 mà con người thải ra hàng năm đã vượt quá mục tiêu bảo toàn nhiệt độ toàn cầu đã được quốc tế thống nhất trước đó.

Dự án Carbon toàn cầu thông tin, để thế giới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các quốc gia sẽ phải cắt giảm lượng khí thải hàng năm với tốc độ “tương đương mức giảm được ghi nhận trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 khiến hoạt động công nghiệp ngưng trệ”.

Tháng 11.2022, công cụ theo dõi hành động vì khí hậu của một nhóm nghiên cứu đã so sánh tỉ lệ phát thải của các quốc gia khi đặt trong mục tiêu của họ và mục tiêu toàn cầu. Kết quả chỉ ra gây thất vọng khi hầu như không có sự tiến triển trong việc hạn chế carbon kể từ hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow vào năm 2021.

Chính sách của các quốc gia khó có thể mang lại hiệu quả tích cực cho khí hậu. Ảnh: Xinhua

Đi kèm với công cụ theo dõi hành động vì khí hậu là một báo cáo dài 4 trang về các chính sách hiện tại của 39 quốc gia trên thế giới. Theo đó, Argentina đang xúc tiến xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới và thăm dò ngoài khơi; Canada đang đề ra kế hoạch cải thiện khí hậu song lại tiến hành một cách chậm rãi, giống như không quan tâm đến tình hình khủng hoảng đang xảy ra.

Những chính sách của các quốc gia khó có thể chuyển thành kết quả tích cực khi Iran chưa phê chuẩn Thỏa thuận Paris; Vương quốc Anh - nhà lãnh đạo xanh toàn cầu kêu gọi nhiều chính sách nhưng chỉ 40% trong số đó liên quan đến lượng khí thải và không thấm vào đâu so với các vấn đề khí hậu hiện tại.

Bùng nổ năng lượng tái tạo

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc các quốc gia đẩy mạnh triển khai năng lượng sạch vì khủng hoảng đã dẫn đến sự bùng nổ năng lượng tái tạo với mục tiêu bổ sung hơn 300 GW vào năm 2022.

Năng lượng tái tạo có thể chiếm hơn 90% công suất điện trong giai đoạn 2022 - 2027. Ảnh: Xinhua

IEA dự báo, giai đoạn 2022 - 2027, năng lượng tái tạo sẽ tăng gần 2.400 GW, tương đương với toàn bộ công suất điện lắp đặt của Trung Quốc. Hiện nay, năng lượng tái tạo đã tăng đến 85% so với 5 năm trước và chiếm hơn 90% công suất điện toàn cầu trong giai đoạn dự báo.

Năng lượng tái tạo là nguồn phát điện duy nhất dự kiến sẽ tăng lên trong khi thị phần của than, khí đốt tự nhiên, hạt nhân và sản xuất dầu giảm dần” - Cơ quan Năng lượng Quốc tế thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn