MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường động đất ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Xinhua

Những di sản nghìn năm hậu động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Thanh Hà LDO | 25/02/2023 11:00

Khi phản ứng nhân đạo tiếp tục diễn ra trong tuần thứ ba sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, một nỗ lực phục hồi khác đang được thực hiện quanh các địa danh văn hóa hàng thiên niên kỷ trong khu vực.

Tổn thất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tuần này, UNESCO đang đánh giá từ xa mức độ thiệt hại với các Di sản Thế giới, nhưng các quan chức đã sẵn sàng để bắt tay vào việc, cơ quan này thông tin với The Washington Post.

Các lâu đài từ thời Thập tự chinh, một pháo đài của La Mã và Ottoman, và một tòa thành ở một trong những thành phố lâu đời nhất có người ở trên Trái đất nằm trong số những đống đổ nát của thảm họa. 

Krista Pikkat, Giám đốc văn hóa và các trường hợp khẩn cấp tại UNESCO, cho biết, UNESCO hỗ trợ cải tạo và tái thiết cần thiết đồng thời nỗ lực xây dựng lại “di sản văn hóa phi vật thể”.

“Chúng ta thực sự không chỉ cần xây dựng lại các tòa nhà mà còn mang lại các cộng đồng, bởi vì không có họ, sẽ không có sự tiếp nối của đời sống văn hóa" - bà nói. 

Động đất ngày 6.2 - cường độ 7,8 và 7,5 độ richter - đã cướp đi sinh mạng hơn 46.600 người và khiến hàng nghìn người phải di dời trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hơn 93.000 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần.

Hiện tại, viện trợ nhân đạo là ưu tiên hàng đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong khi chờ đợi, UNESCO đang thu thập bất kỳ thông tin nào có thể, bà Pikkat cho hay.

UNESCO giám sát từ xa thiệt hại trong các khu vực thảm họa thông qua sử dụng hình ảnh vệ tinh để đánh giá tình trạng của các địa điểm văn hóa. Nếu chính quyền địa phương bật đèn xanh, đại diện UNESCO có thể có mặt trong vài ngày tới.

Các báo cáo sơ bộ cho thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ, các tòa nhà đổ nát khắp thành phố Diyarbakır, nơi có pháo đài Diyarbakır và vườn Hevsel - Di sản Thế giới trải qua các thời kỳ La Mã, Sassanid, Byzantine, Hồi giáo và Ottoman.

Nhiều địa điểm văn hóa quan trọng không có trong danh sách của UNESCO cũng bị thiệt hại. Phần lớn lâu đài Gaziantep 2.000 năm tuổi đã sụp đổ. Cấu trúc nằm trên đỉnh ngọn đồi ở thành phố Gaziantep và chứa đựng cả lịch sử La Mã và Byzantine. 

Truyền thông địa phương cho hay, nhiều nhà thờ Hồi giáo và nhà thờ có ý nghĩa lịch sử và văn hóa ở các thành phố Antakya, Gaziantep, Malatya và Adıyaman đã bị thiệt hại trong động đất, Oya Pancaroglu -  giáo sư lịch sử nghệ thuật và kiến trúc Hồi giáo tại Đại học Bogazici, cho biết. Trong đó, nhà thờ Hồi giáo Habib-i Neccar ở Antakya đã bị biến thành đống đổ nát trong động đất.

Mối lo gấp đôi ở Syria

Mối lo ngại càng tăng thêm với các địa điểm văn hóa ở Syria do nội chiến kéo dài nhiều năm cùng với đó là trận động đất.

Theo UNESCO, việc bảo tồn ở Aleppo sẽ là ưu tiên hàng đầu. Aleppo được coi là một trong những thành phố có người ở liên tục lâu đời nhất trên thế giới. Thành phố nằm trong Danh sách Di sản Thế giới từ năm 1986 và trong Danh sách Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm từ năm 2013.

“Tác động của trận động đất ở đó rất nặng nề, vì thực tế là nhiều tòa nhà đã ở trong tình trạng rất mong manh do xung đột. Một khi có cơ hội đến đó và thực sự hiểu được tình hình thực địa, chúng tôi sẽ có thể hiểu rõ hơn những gì cần phải làm, nhưng tôi dự đoán rằng nhu cầu sẽ rất lớn" - bà Pikkat cho biết. 

Tại thành cổ Aleppo từ thế kỷ 13, các bức tường và tòa tháp, bao gồm cả tháp Ottoman Mill cũng như các đường phố và nhà ở thời Ottoman xung quanh đã bị hư hại đáng kể. 

Theo UNESCO, các khu vực khắp Aleppo cũng bị ảnh hưởng. Những báo cáo ban đầu cho thấy các khu chợ lịch sử của thành phố - Souk al-Hamediyya, Souk al-Mahmas, Souk al-Haddadin - đã bị hư hại và một phần của Bức tường Thành cổ đã sụp đổ. 

Hình ảnh vệ tinh do UNESCO thu được cũng phát hiện thiệt hại nghiêm trọng tại cung điện Bayt Ghazalah của thành phố. Đây là một công trình kiến trúc rộng lớn từ thời Ottoman.

Khoảng 160km về phía tây nam Aleppo, Di sản Thế giới Crac des Chevaliers và Qal'at Salah El-Din - những lâu đài đã tồn tại từ thời Thập tự chinh hiện có những vết nứt trên tường và các tòa tháp bị sụp đổ. 

Tại thành phố Hama của Syria, cách Aleppo khoảng 135km về phía nam và Tartous - cách Hama khoảng 110km về phía tây, là nơi có các địa điểm văn hóa ở tầm có khả năng được công nhận là  Di sản Thế giới trong tương lai và UNESCO cũng bày tỏ sự quan tâm tới những địa điểm này. 

Các quan chức UNESCO sẽ đánh giá thiệt hại kỹ trong những ngày tới, sau đó xây dựng kế hoạch ứng phó. Điều này có thể có nghĩa là xác định xem có cần can thiệp ngay để ngăn ngừa thiệt hại thêm cho các di sản hay không.

UNESCO có Quỹ Khẩn cấp Di sản - lấy nguồn lực thông qua đóng góp của các thành viên - để phục vụ cho mục đích này. Cơ quan này cũng sẽ giúp xác định các nhu cầu dài hạn, xây dựng ngân sách cho các địa điểm và gây quỹ nếu cần.

Dự án hiện tại của UNESCO tại Iraq - Sáng kiến Mosul nhằm xây dựng lại các cấu trúc thành cổ bị phá hủy trong thời kỳ IS chiếm đóng - đã cung cấp một kế hoạch chi tiết tiềm năng cho thấy quá trình cải tạo các di sản ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ diễn ra như thế nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn