MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khuôn viên nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Enerhodar, Ukraina sáng 4.3.2022. Ảnh: Nhà máy Zaporizhzhia

Những điều cần biết về nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraina

Thanh Hà LDO | 04/03/2022 18:42
Ngày 4.3, Ukraina xác nhận các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia, một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Châu Âu. 

Tầm quan trọng

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraina Zaporizhzhia, được xây dựng từ năm 1984 đến 1995, là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Châu Âu và lớn thứ 9 trên thế giới.

Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng, mỗi lò tạo ra 950MW và tổng sản lượng là 5.700MW, đủ năng lượng cho khoảng 4 triệu ngôi nhà. Tổ máy đầu tiên của Zaporizhzhia được hòa lưới điện vào năm 1984 và tổ máy cuối cùng vào năm 1995.

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất trong số 4 nhà máy điện hạt nhân của Ukraina. Trước chiến sự Ukraina, vào thời điểm bình thường, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sản xuất 1/5 lượng điện của Ukraina và chiếm gần một nửa năng lượng do các cơ sở điện hạt nhân của nước này tạo ra.

Nhà máy điện hạt nhân Ukraina vừa rơi vào quyền kiểm soát của Nga tọa lạc ở thành phố Enerhodar, trên bờ hồ chứa Kakhovka của sông Dnepr. Zaporizhzhia cách vùng Donbass khoảng 200km và cách thủ đô Kiev khoảng 550km về phía đông nam. Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraina cũng có tầm quan trọng chiến với Nga khi cách Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014 khoảng 200km.

Diễn biến trước khi Nga giành quyền kiểm soát

Giới chức Ukraina cho biết một đám cháy đã bùng phát trong một tòa nhà huấn luyện bên ngoài nhà máy vào đầu giờ sáng 4.3 sau khi khu vực này trải qua đợt pháo kích của các lực lượng của Nga.

Ngoại trưởng Ukraina xác nhận các báo cáo lúc 2h30 sáng, nhấn mạnh các binh sĩ Nga đang “nã đạn từ mọi phía vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”. Ông kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để lực lượng cứu hỏa khống chế ngọn lửa.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh chụp màn hình

Một thời gian ngắn sau, Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraina thông tin, bức xạ tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraina "trong giới hạn bình thường" và đám cháy trong một tòa nhà bên ngoài nhà máy Zaporizhzhia. 

Sau đó, giới chức Ukraina cho biết, tổ máy thứ 3 của nhà máy đã bị ngắt lúc 2h26 và chỉ còn 1 trong 6 tổ máy của nhà máy, tổ máy số 4, vẫn hoạt động "với công suất 690 MW".

Theo The Guardian, báo cáo về sự cố tại nhà máy điện Zaporizhzhia trong bối cảnh chiến sự Ukraina bước sang ngày thứ 9 khiến thị trường tài chính Châu Á biến động, chứng khoán sụt giảm trong khi giá dầu tăng mạnh hơn. 

Liệu có nguy cơ thảm họa phóng xạ không?

Giới chức Ukraina cho biết ngày 4.3 rằng, “an toàn hạt nhân hiện đã được đảm bảo” tại nhà máy Zaporizhzhia.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận "không có thay đổi nào được báo cáo về mức phóng xạ tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”.

Mỹ cũng cho biết thông tin mới nhất cho thấy không có dấu hiệu về mức độ bức xạ cao tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraina. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho hay, các lò phản ứng “được các cấu trúc ngăn chặn vững chắc bảo vệ và các lò phản ứng đang được đóng cửa an toàn”.

Trước khi chiếm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, Nga đã chiếm được nhà máy Chernobyl cách Kiev 100km về phía bắc. Một số nhà phân tích lưu ý, nhà máy Zaporizhzhia thuộc loại khác và an toàn hơn so với Chernobyl - nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986.

Tony Irwin, phó giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia,chỉ ra, khả năng nổ, tan chảy hạt nhân hoặc phóng xạ là thấp.

Lần đầu chiến sự ở một quốc gia có chương trình điện hạt nhân lớn

Đây là lần đầu tiên chiến sự nổ ra ở một quốc gia có chương trình điện hạt nhân lớn như vậy, Reuters dẫn thông tin từ IAEA. 

AP lưu ý, mặc dù nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia có thiết kế khác so với Chernobyl và được bảo vệ khỏi hỏa hoạn, các chuyên gia an toàn hạt nhân và IAEA cảnh báo rằng giao tranh trong và xung quanh các cơ sở như vậy tiềm ẩn những rủi ro cực kỳ nghiêm trọng.

Cơ quan quản lý nhà nước về hạt nhân của Ukraina nêu mối lo ngại lớn là nếu giao tranh làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cho Zaporizhzhia, nhà máy sẽ buộc phải sử dụng các máy phát điện diesel kém tin cậy hơn để cung cấp năng lượng khẩn cấp cho các hệ thống làm mát đang vận hành. Sự cố của các hệ thống này có thể dẫn đến thảm họa tương tự như ở nhà máy Fukushima của Nhật Bản, khi trận động đất và sóng thần lớn năm 2011 phá hủy hệ thống làm mát, gây ra sự cố tan chảy với 3 lò phản ứng.

“Nếu có một vụ nổ xảy ra, đó là dấu chấm hết cho tất cả mọi người. Dấu chấm hết cho Châu Âu" - Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky từng cảnh báo về giao tranh gần nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn