MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sóc bay, một trong những loài động vật có vú biết bay trong thế giới động vật. Ảnh: Wiki

Những loài sở hữu khả năng bay kỳ lạ trong thế giới động vật

Anh Vũ LDO | 28/12/2021 15:43
Trong thế giới động vật, bên cạnh chim, dơi và côn trùng, còn có nhiều loài khác bao gồm cả thằn lằn và rắn cũng có khả năng bay.

Nhắc đến bay, người ta thường nghĩ ngay đến các loài chim, dơi và côn trùng. Nhưng trong thế giới tự nhiên còn có các loài động vật có vú, thậm chí cả cá và rắn sở hữu khả năng bay lượn. Dưới đây là danh sách năm loài động vật với khả năng bay lượn kỳ lạ, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh.

5. Sóc bay

Có 50 loài sóc bay khác nhau và tất cả đều có khả năng lượn trên không.

Sóc bay không thực sự bay - thay vào đó chúng lướt đi giữa không khí nhờ lớp màng giữa chân trước và chân sau, hoạt động giống như một chiếc dù. Sóc bay có thể di chuyển từ cây này sang cây khác bằng cách nhảy từ trên cành cao xuống, duỗi tay chân để lộ màng và lướt đi. Một số loài sóc bay có thể lướt tới khoảng 46 mét.

Sóc bay. Ảnh: Wiki

Bộ xương hóa thạch sớm nhất của sóc bay có niên đại cách đây 11 triệu năm và rất giống với các loài sóc bay lớn hiện đang sinh sống trong các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Châu Á. Hầu hết chúng thường sống về đêm và một số loài có chế độ ăn chuyên biệt, nhưng nhìn chung chúng ăn tạp, ăn trái cây, hạt, côn trùng và trứng chim.

4. Cá bướm nước ngọt

Cá bướm nước ngọt (Pantodon buchholzi) lấy tên từ hình dạng các vây của nó.

Được tìm thấy ở Châu Phi, loài cá săn mồi này thường đợi trong những vũng nước chảy chậm để con mồi đi ngang qua. Chúng sử dụng cảm biến trên da để phát hiện những đợt sóng nhỏ do côn trùng chạm vào bề mặt nước và dùng vây ngực để đẩy mình lên mặt nước và bắt côn trùng. Loài này có khả năng phát hiện con mồi với độ chính xác cao.

Cá bướm nước ngọt (Pantodon buchholzi) lấy tên từ hình dạng các vây của nó. Ảnh: Wiki

Cá bướm nước ngọt cũng có thể nhảy lên khỏi mặt nước trong thời gian ngắn bằng cách lướt lên mặt nước để tránh những kẻ săn mồi. Chúng có thể sử dụng bộ phận đặc biệt giống với phao bơi của mình để hít thở không khí và nổi trên mặt nước trong một khoảng thời gian ngắn.

3. Tắc kè nhảy dù Kuhl

Tắc kè nhảy dù Kuhl (Gekko kuhli), còn được gọi là tắc kè bay, là một loài thằn lằn Châu Á được tìm thấy ở miền Nam Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia và Singapore.

Tắc kè nhảy dù Kuhl. Ảnh chụp màn hình

Những con tắc kè này có vạt da tương tự cánh ở hai bên cơ thể, cộng với bàn chân có màng và một cái đuôi phẳng giúp chúng lướt đi trong khoảng cách ngắn. Vạt da bên hông của chúng cũng pha trộn với vỏ cây, ngụy trang hiệu quả đến mức chỉ có thể nhìn thấy bằng mắt của chúng. Giống như ếch bay, loài thằn lằn này có thể bám vào các bề mặt nhẵn và thẳng đứng.

2. Rắn cây thiên đường

Rắn cây thiên đường (Chrysopelea paradisi) có thể lướt đi trong không khí bằng cách làm phẳng và làm cứng cơ thể của nó và tạo thành hình chữ S. Loài rắn này thậm chí có thể tạo ra những chuyển động nhẹ trong không khí bằng cách di chuyển cơ thể của mình, và chúng uốn lượn để duy trì sự ổn định. Bằng cách nghiêng cơ thể của chúng từ 25 đến 30 độ so với luồng không khí, tính khí động học vẫn được đảm bảo và có thể di chuyển với chiều dài hơn 20 mét.

Rắn cây thiên đường (Chrysopelea paradisi) có thể lướt đi trong không khí bằng cách làm phẳng và làm cứng cơ thể của nó và tạo thành hình chữ S. Ảnh: Wiki

Rắn cây thiên đường thường ăn tắc kè và các loài thằn lằn, dơi và ếch khác. Chúng sống ở Đông Nam Á và có chiều dài trung bình lên tới 1,5 mét. Chúng là loài ăn ngày và rất dễ nhận biết do màu sắc tươi sáng và vảy giống như hoa màu đỏ.

1. Vượn cáo bay

Vượn cáo bay (Cynocephalidae), thường được tìm thấy ở Đông Nam Á, có thể lướt qua lại giữa các cây với khoảng cách từ 100 mét trở lên. Khả năng này khiến nó trở thành một trong những loài động vật có vú có thể bay lượn điêu luyện nhất thế giới.

Vượn cáo bay (Cynocephalidae), thường được tìm thấy ở Đông Nam Á. Ảnh: Wiki

Loài vượn này có lớp màng bắt đầu từ mặt và bao phủ các ngón tay và đầu ngón chân của nó cho đến tận đuôi, giúp chúng có thể lượn được trong không khí. Các chi và đuôi của vượn cáo bay dài và mảnh, bàn chân rộng và có những móng vuốt sắc nhọn để leo trèo. Khung xương nhẹ và diện tích lớp màng rộng trang bị cho loài vượn này khả năng lướt hoàn hảo.

Bên cạnh đó, vượn cáo bay có đôi mắt lớn cho chúng khả năng nhận biết chiều sâu tuyệt vời, giúp chúng lướt đi giữa các cành cây và tiếp đất một cách an toàn. Chúng điêu luyện đến mức có thể bế con trong bụng và bay lượn cho đến khi con con đủ lớn để có thể tự lượn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn