MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ba Lan, Bulgaria và Slovakia sẽ cung cấp hơn 70 máy bay MiG-29 (ảnh) và Su-25 cho Ukraina. Ảnh: Global Look Press

Những nước nào đang viện trợ vũ khí gì cho Ukraina?

Song Minh LDO | 02/03/2022 06:30
Trong cuộc chiến Nga-Ukraina, nhiều quốc gia bao gồm cả những nước trung lập không liên kết đã bắt đầu gửi viện trợ quân sự cho Ukraina.

Khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraina tiếp tục leo thang, một số quốc gia trên thế giới đang gửi viện trợ quân sự cho Kiev.

RT dẫn thông tin của quân đội Ukraina ngày 1.3 cho biết, ba nước NATO là Ba Lan, Bulgaria và Slovakia sẽ cung cấp hơn 70 máy bay MiG-29 và Su-25 từ thời Liên Xô cho Ukraina, có thể đặt tại các sân bay Ba Lan.

“Các đối tác của chúng tôi đã cho chúng tôi MiG-29 và Su-25! Nếu cần, chúng tôi có thể dựa vào các sân bay của Ba Lan để từ đó các phi công Ukraina có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu” - tuyên bố của quân đội Ukraina cho hay.

Dưới đây là những quốc gia đang gửi hỗ trợ quân sự cho Ukraina.

Mỹ

Vào ngày 25.2, Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp khoản viện trợ trị giá 350 triệu USD bổ sung trang thiết bị quân sự cho Ukraina. 

Trong một bản ghi nhớ với Ngoại trưởng Antony Blinken, Tổng thống Biden chỉ đạo rằng 350 triệu USD được phân bổ thông qua Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài, được chỉ định cho Ukraina.

Ukraina đã xin vũ khí chống tăng Javelin và tên lửa Stinger để bắn hạ máy bay.

Ukraina đề nghị Mỹ cung cấp tên lửa Stinger. Ảnh: Raytheon

Lầu Năm Góc cho biết các vũ khí bao gồm vũ khí chống giáp cỡ nhỏ, áo giáp và nhiều loại đạn dược khác nhau để hỗ trợ các lực lượng phòng thủ tuyến đầu của Ukraina. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, các hệ thống phòng không cũng được đưa vào danh sách.

Theo ông Blinken, mùa thu năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã thông qua hỗ trợ quân sự khẩn cấp trị giá 60 triệu USD cho Ukraina, sau đó bổ sung 200 triệu USD vào tháng 12.2021, khi chưa xảy ra chiến sự hiện nay. Như vậy, tổng viện trợ an ninh mà Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraina trong năm qua đã vượt 1 tỉ USD.

Liên minh Châu Âu

Lần đầu tiên trong lịch sử, EU tài trợ cho việc mua và cung cấp vũ khí sau khi các nhà lãnh đạo EU đồng ý vận chuyển số vũ khí trị giá 450 triệu euro (502 triệu USD) tới Kiev.

Cao uỷ về chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết một số quốc gia đang gửi máy bay chiến đấu cho Ukraina.

Vương quốc Anh

Vào tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết Anh đã “quyết định cung cấp cho Ukraina các hệ thống vũ khí phòng thủ chống giáp hạng nhẹ”.

Ngày 23.2, Văn phòng Thủ tướng Anh hứa hỗ trợ quân sự cho Ukraina, bao gồm cả vũ khí phòng thủ sát thương.

Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trước quốc hội: “Trước những hành động của Nga và phù hợp với sự ủng hộ trước đây của chúng ta, Vương quốc Anh sẽ sớm cung cấp một gói hỗ trợ quân sự nữa cho Ukraina. Gói hỗ trợ sẽ bao gồm cả vũ khí phòng thủ sát thương và không sát thương".

Pháp

Pháp đã và đang gửi thêm thiết bị quân sự cũng như nhiên liệu. Paris cho biết đã hành động theo yêu cầu của Ukraina trước đó về vũ khí phòng không và vũ khí phòng thủ kỹ thuật số.

Hà Lan

Chính phủ Hà Lan sẽ cung cấp tên lửa phòng không và hệ thống chống tăng cho Ukraina - chính phủ Hà Lan cho biết trong thư gửi quốc hội hôm 26.2.

Chính phủ Hà Lan đồng ý với yêu cầu của Ukraina về việc chuyển giao nhanh chóng 200 tên lửa phòng không Stinger và 50 vũ khí chống tăng Panzerfaust 3 cùng với 400 tên lửa.

Hà Lan cũng đang xem xét gửi một hệ thống phòng không Patriot cùng với Đức tới lực lượng chiến đấu của NATO ở Slovakia.

Vũ khí chống tăng Panzerfaust 3. Ảnh: Defence Blog

Đức

Đức sẽ cung cấp cho Ukraina 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho dự trữ của lực lượng vũ trang Bundeswehr để phòng thủ chống lại Nga.

Đây là một sự thay đổi lớn so với chính sách lâu đời của Berlin về việc cấm xuất khẩu vũ khí sang khu vực xung đột.

“Việc Nga tấn công Ukraina đánh dấu một bước ngoặt. Chúng tôi có nhiệm vụ cố gắng hết sức để hỗ trợ Ukraina tự bảo vệ mình trước quân đội Nga” - Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm 26.2.

Canada

Ottawa đang gửi vũ khí quân sự sát thương tới Ukraina và cho Kiev vay nửa tỉ đô la Canada (394 triệu USD) để giúp nước này tự vệ.

Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch

Stockholm cũng đang phá bỏ lập trường trung lập lịch sử của mình để gửi 5.000 vũ khí chống tăng cho Ukraina. Đan Mạch đóng góp thêm 2.700 vũ khí. Na Uy đang gửi mũ bảo hiểm và áo giáp cùng 2.000 vũ khí chống tăng M72.

Phần Lan

Phần Lan trung lập đưa ra quyết định “lịch sử” cung cấp vũ khí cho Ukraina và sẽ gửi 1.500 bệ phóng tên lửa, 2.500 súng trường tấn công, 150.000 viên đạn và 70.000 khẩu phần ăn chiến trường.

Bỉ

Bỉ cho biết họ cung cấp cho Ukraina thêm 3.000 súng trường tự động và 200 vũ khí chống tăng, cũng như 3.800 tấn nhiên liệu.

Bồ Đào Nha

Bồ Đào Nha tặng Ukraina kính nhìn đêm, áo chống đạn, mũ bảo hiểm, lựu đạn, đạn dược và súng trường tự động G3.

Súng trường tự động G3. Ảnh: Military Times

Hy Lạp

Hy Lạp - quốc gia có cộng đồng lớn ở Ukraina, trong đó 10 người đã thiệt mạng - đang gửi "thiết bị quốc phòng" cũng như viện trợ nhân đạo.

Romania

Romania - quốc gia có chung biên giới với Ukraina - đang đề nghị điều trị những người bị thương từ các vùng khủng hoảng tại 11 bệnh viện quân sự của mình, cũng như gửi nhiên liệu, áo chống đạn, mũ bảo hiểm và "vật liệu quân sự" khác trị giá 3,3 triệu USD.

Tây Ban Nha

Chính phủ Tây Ban Nha hứa sẽ gửi 20 tấn viện trợ cho Ukraina, chủ yếu là thiết bị y tế và phòng thủ như áo chống đạn.

Cộng hòa Czech

Ngày 26.2, Prague cho biết sẽ gửi cho Ukraina 4.000 khẩu súng cối “trong vài giờ tới” cùng một kho vũ khí gồm 30.000 khẩu súng lục, 7.000 súng trường tấn công, 3.000 súng máy, nhiều súng bắn tỉa và 1 triệu viên đạn.

Czech đã hứa cung cấp cho Ukraina 4.000 súng cối trị giá 1,6 triệu USD nhưng vẫn chưa được chuyển giao.

Croatia

Croatia sẽ gửi các loại vũ khí nhỏ và áo giáp trị giá 16 triệu euro (17,9 triệu USD) cho Ukraina.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn