MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những vũ khí kỳ lạ nhất trong lịch sử: Xe mang bom liều chết kỳ quái của Anh

Quốc Việt LDO | 10/01/2022 19:00
Panjandrum được chế tạo cho mục đích mang chất nổ công phá hệ thống phòng thủ bằng bê tông kiên cố của Đức quốc xã nhưng dự án vũ khí kỳ lạ này đã bị hủy bỏ vì không an toàn.

Những vũ khí kỳ lạ nhất trong lịch sử - Kỳ 1: Xe tăng quả dưa khổng lồ của Liên Xô

Bức tường Đại Tây Dương là một hệ thống phòng thủ bằng bê tông kiên cố do Đức quốc xã dựng lên dọc bờ biển châu Âu. Với chiều dài hơn 3.000 km, hệ thống phòng thủ kiên cố này có độ dày từ 2-3m và việc vượt qua nó không phải là điều dễ dàng.

Quân đội Đức quốc xã bố trí rất nhiều trận địa phòng thủ dọc theo bức tường để ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội Đồng minh.

Ý tưởng táo bạo

Năm 1943, Cục Thiết kế vũ khí hỗn hợp (DMWD) của Anh được giao nhiệm vụ thiết kế loại vũ khí có khả năng xuyên phá bức tường Đại Tây Dương. Việc cho binh lính hay xe bọc thép tiếp cận hệ thống phòng thủ của Đức quốc xã không phải là điều dễ dàng.

Hệ thống phòng thủ kiên cố này có thể đánh bật mọi cuộc tấn công, nếu không có quân số và hỏa lực áp chế đủ mạnh.

Panjandrum với các rocket gắn xung quanh để tạo lực đẩy. Ảnh: Bảo tàng chiến tranh Nevington.

Quân đội Anh yêu cầu loại vũ khí mới này phải có khả năng tự hành từ tàu đổ bộ và tiến lên bờ để công kích mục tiêu. Việc vận hành nó bằng tay ở trên bãi biển có thể là tự sát dưới hỏa lực dày đặc của quân đội Đức.

Để giải quyết bài toán này, các kỹ sư đã thiết kế một phương tiện gồm 2 bánh xe lớn được kết nối với nhau bằng một ống chắc chắn. Bên trong ống này chứa khoảng 1 tấn thuốc nổ. Nó được đặt tên là Panjandrum (kẻ hống hách). Dự án do ông Nevil Shute làm kỹ sư trưởng.

Hai bên bánh xe, các kỹ sư bố trí các ống phóng rocket để cung cấp lực đẩy cho nó. Về mặt lý thuyết, Panjandrum sẽ được tàu đổ bộ chở đến bãi biển, khi đó, người ta sẽ kích hoạt các rocket để nó lăn lên bờ, lao vào bức tường phòng thủ và phát nổ.

Với lượng thuốc nổ 1 tấn mang theo, Panjandrum thừa sức để phá hủy các ụ pháo của Đức quốc xã dọc theo bờ biển.

Các quan chức hú vía khi xem thử nghiệm

Nguyên mẫu Panjandrum được chế tạo bí mật tại Leytonstone, khu phố ở phía đông London. Nó được bí mật đưa đến điểm thử nghiệm vào ban đêm ở Westward Ho, Devon, Anh.

Tuy nhiên, địa điểm được chọn để thử nghiệm lại là một bãi tắm rất đông khách du lịch. Panjandrum được thử nghiệm lần đầu vào ngày 7/9/1943. Hình dáng kỳ lạ của nó đã thu hút sự hiếu kỳ của các du khách gần đó, bất chấp việc DMWD đã cảnh báo về sự an toàn.

Những người được giao nhiệm vụ hồi hộp chờ đợi quá trình thử nghiệm, khi ông Shute ra lệnh, các rocket được kích hoạt, Panjandrum lăn ra khỏi tàu đổ bộ và tiến thẳng lên bờ biển.

Mọi thứ có vẻ suôn sẻ cho đến khi một trong các rocket văng ra khỏi bánh xe, lực đẩy giữa hai bánh xe bị mất cân đối khiến nó mất phương hướng và lật nhào trên bãi biển.

Các thử nghiệm tiếp theo cũng thất bại, dù ông Shute đã gắn thêm nhiều rocket hơn. Sau khi nghiên cứu thêm khoảng 3 tuần, ông Shute cũng nhóm phát triển đem Panjandrum trở lại bãi biển để thử nghiệm.

Các quan chức quân đội đang kiểm tra vũ khí kỳ lạ Panjandrum trước khi thử nghiệm: Ảnh: Bảo tàng chiến tranh Nevington. 

Panjandrum được gắn tới 17 rocket cùng một bánh xe phụ để ổn định. Nhưng thử nghiệm tiếp tục thất bại, một số rocket văng khỏi bánh xe lao vút qua đầu những du khách đang hiếu kỳ đứng xem ở gần đó.

Dù liên tiếp thất bại, nhóm của ông Shute vẫn kiên kỳ với dự án. Thử nghiệm cuối cùng được lên kế hoạch vào tháng 1.1944, trước sự chứng kiến của một số quan chức hải quân, các nhà khoa học và nhiếp ảnh gia.

Khi bắt đầu thử nghiệm, mọi thứ diễn ra khá tốt đẹp, Panjandrum lăn ra khỏi tàu đổ bộ và tiến lên bờ. Các quan chức quân đội quan sát thử nghiệm bằng ống nhòm từ một tảng đá lớn gần đó.

Panjandrum đang bon bon chạy trên bãi biển thì một rocket văng khỏi bánh xe khiến nó bắt đầu chao đảo. Nó va vào một tảng đá trên bãi biển và nghiêng về bên phải. Klemantaski - một nhà quay phim đứng gần đó đã đánh giá sai khoảng cách giữa ông và Panjandrum nên vẫn tiếp tục đứng quay.

Khi nghe những tiếng động lớn, Klemantaski rời mắt khỏi ống kính máy quay và thấy những rocket đăng văng tung tóe, Panjandrum đang lao thẳng về phía ông. Klemantaski bỏ máy quay và chạy thục mạng, ông nhìn thấy các quan chức quân đội phía sau cũng đang luống cuống chạy tìm chỗ nấp.

Panjandrum lật nghiêng trên bãi biển sau khi mất kiểm soát và các rocket phát nổ. Ảnh: Wikipedia.

Panjandrum mất kiểm soát lao ngược trở lại bãi biển và vỡ thành nhiều mảnh. Các quan chức đến thị sát thử nghiệm được một phen hú vía. Dự án bị hủy bỏ ngay lập tức vì sự không an toàn của nó.

Tuy nhiên, có thông tin cho rằng Panjandrum là một phần trong chiến dịch đánh lừa Đức quốc xã, về việc phe Đồng minh đang lên kế hoạch tấn công vào tuyến phòng thủ kiên cố ở Pas-de-Calais, chứ không phải ở khu vực Normandy ít được bảo vệ hơn.

(Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo "Những vũ khí kỳ lạ nhất trong lịch sử - Kỳ 3: Xe tăng 3 bánh chạy thế nào?" trong tuyến bài "Những vũ khí kỳ lạ nhất trong lịch sử" trên laodong.vn vào 19h00 ngày 11.1.2022).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn