MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những vụ tàu ngầm mất tích bí ẩn nhất thế giới: Tiếng thét rợn người trong tàu K-129

Quốc Việt LDO | 17/02/2022 06:00
Mạng lưới giám sát âm thanh dưới nước của Mỹ đã ghi nhận tiếng nổ cùng những âm thanh rợn người trong vụ mất tích bí ẩn của tàu ngầm K-129 của Liên Xô cách đây hơn nửa thế kỷ.

K-129 là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Đề án 629A, NATO gọi là lớp Golf-II được Liên Xô đóng mới vào đưa vào sử dụng năm 1959. Tàu có chiều dài 100 m, đường kính 8,5 m, lượng choán nước 2.700 tấn.

Vũ khí đáng sợ nhất trên tàu là 3 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-21, tầm bắn 1.670 km cùng đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 1 megaton.

Sau khi trải qua quá trình nâng cấp vào năm 1964, K-129 đã thực hiện 2 đợt tuần tra chiến đấu với tên lửa đạn đạo bên trong kéo dài 70 ngày trong năm 1967. K-129 được giao nhiệm vụ tuần tra thứ 2 vào tháng 2.1968 và dự kiến kết thúc vào tháng 5.1968.

Âm thanh rợn người dưới đáy biển

Ngày 24.2.1968, tàu ngầm K-129, số hiệu 722 rời căn cứ Rybachiy ở Kamchatka. Tàu được chỉ huy bởi thuyền trưởng Vladimir I. Kobzar. Sau khi rời căn cứ, tàu ngầm K-129 bắt đầu lặn sâu để kiểm tra máy móc, sau đó nổi lên và liên lạc với trung tâm chỉ huy báo cáo mọi thứ đều ổn.

Con tàu chuyển sang trạng thái hạn chế liên lạc để làm nhiệm vụ tuần tra bí mật như thường lệ. Theo kế hoạch, tàu ngầm K-129 sẽ liên lạc với trung tâm chỉ huy khi nó vượt qua kinh tuyến 180 độ và xa hơn nữa khi nó đến khu vực tuần tra.

Tàu ngầm K-129 của Liên Xô đã biến mất một cách bí ẩn vào năm 1968. Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, K-129 đã bỏ lỡ hai lần liên lạc định kỳ theo kế hoạch ban đầu. Đến giữa tháng 3.1968, các chỉ huy Hải quân Liên Xô ở Kamchatka lo lắng việc K-129 đã bỏ lỡ 2 lần liên lạc vô tuyến định kỳ.

Ngay lập tức, họ yêu cầu bộ phận thông tin phát đi thông điệp cho phép K-129 mở liên lạc thông thường, bỏ qua chế độ im lặng và liên lạc với sở chỉ huy. Sau khi không có phản hồi nào từ tàu K-129, sở chỉ ở Kamchatka quyết định liên lạc khẩn cấp với tàu K-129, nhưng vẫn bặt vô âm tính.

Sở chỉ huy ở Kamchatka phát đi thông báo khẩn, tàu ngầm K-129 đã mất tích vào tuần thứ 3 của tháng 3.1968. Một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn được triển khai núp bóng dưới hình thức tập trận.

Việc Hải quân Liên Xô triển khai lực lượng bất thường được tình báo Mỹ phân tích có khả năng là phản ứng trước một vụ mất tích tàu ngầm. Các cơ sở của hệ thống giám sát âm thanh dưới nước (SOSUS) của Mỹ ở Bắc Thái Bình Dương được cảnh báo và yêu cầu xem xét lại bản ghi ngày 8.3 để kiểm tra xem có tín hiệu bất thường nào không.

Dữ liệu sóng âm từ 4 địa điểm của hệ thống SOSUS đã xác định được một sự kiện tiền năng, một địa điểm cách nơi hải quân Liên Xô đang tìm kiếm hàng trăm dặm.

Theo Bruce Rule - cựu nhà phân tích âm thanh thuộc Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, hệ thống SOSUS ở Bắc Thái Bình Dương đã ghi nhận một tín hiệu âm thanh bất thường vào ngày 8.3.1968.

Đến ngày 11.3.1968, mạng lưới SOSUS tiếp tục ghi nhận âm thanh bất thường khác, có thể là một vụ nổ, tiếp đó là một loạt những âm thanh rợn người khác, giống như tiếng người la hét.

Nhờ hệ thống SOSUS kết hợp với phương pháp đạc tam giác, Hải quân Mỹ đã xác định được địa điểm nghi chìm tàu ngầm ở 40 độ vĩ Bắc, 180 độ kinh Đông.

Hải quân Liên Xô không có sự hỗ trợ của SOSUS nên không thể xác định chính xác nơi tàu ngầm gặp nạn. Họ tập trung tìm kiếm ở địa điểm cách nơi tàu ngầm K-129 chìm tới hàng trăm hải lý.

Sau thời gian tìm kiếm bất thành do xác định sai vị trí, Hải quân Liên Xô đã dừng chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm K-129.

Một vụ nổ đã xảy ra?

Khoảng tháng 8.1968, tàu ngầm USS Halibut đã xác định được vị trí tàu ngầm K-129 chìm ở độ sâu 4.900 m. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ nhận thấy cơ hội lớn để thu hồi tên lửa hạt nhân SS-N-5 của Liên Xô một cách bí mật.

Minh họa dự án phục hồi xác tàu ngầm K-129 do CIA thực hiện. Ảnh chụp màn hình Youtube.

Tổng thống Mỹ khi đó, Richard Nixon, đã phê duyệt dự án trục vớt tàu ngầm K-129 núp bóng dưới dự án khai thác mangan dưới đáy biển, đưa nó trở thành dự án tình báo phản gián tốn kém nhất lịch sử Chiến tranh Lạnh.

Người Mỹ chỉ trục vớt được một phần của xác tàu ngầm K-129 và những gì họ thu được đến nay vẫn là một bí mật.

Đến nay, nguyên nhân dẫn đến tai nạn của tàu ngầm K-129 vẫn là một điều bí ẩn. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, chẳng hạn như một vụ nổ hydro khi đang sạc pin, va chạm với tàu ngầm của Mỹ.

Một giả thuyết khác được đưa ra là do nắp ống phóng tên lửa bị rò rỉ, khiến nước biển tràn vào bên trong ống phóng dẫn đến tên lửa phát nổ. Giả thuyết này được củng cố bởi tai nạn của tàu ngầm K-219 vào năm 1986.

Tháng 10.1986, một trong các nắp ống phóng tên lửa trên tàu ngầm K-219 bị rò rỉ nước khiến tên lửa phát nổ. Từ những hình ảnh mà Mỹ thu được khi trục vớt tàu ngầm K-129 cho thấy tàu ngầm đã xảy ra một vụ nổ. Tuy vậy, nguyên nhân cuối cùng vẫn không thể được kết luận.

(Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo "Những vụ tàu ngầm mất tích bí ẩn nhất thế giới - Kỳ 2: Số phận bi thảm của 52 thủy thủ Pháp nằm dưới biển 50 năm" trong tuyến bài "Những vụ tàu ngầm mất tích bí ẩn nhất thế giới" trên laodong.vn vào 19h00 ngày 17.2.2022).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn