MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách mặc trang phục Hanbok truyền thống chụp ảnh tại Cung điện Gyeongbokgung ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Xinhua

Nữ giới Hàn Quốc và xu hướng không hẹn hò, không tình dục, không đám cưới

Thanh Hà LDO | 04/04/2023 08:00

Không hẹn hò, không tình dục, không đám cưới, không con cái, phụ nữ Hàn Quốc đang tham gia phong trào "4 không" để phản đối mạnh mẽ chế độ gia trưởng ở nước này. 

Kết hôn, sinh con không còn là điều tự nhiên

Trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ Hàn Quốc từ chối kết hôn, hẹn hò với nam giới, quan hệ tình dục và sinh sản. Phong trào này - được gọi là “4 không” - bắt đầu năm 2019.

Kể từ đó, phong trào đã lan rộng với hi vọng chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Bất chấp bằng cấp học thuật vững chắc của phụ nữ ở Hàn Quốc, theo nghiên cứu của Statista, khoảng cách về thu nhập giữa hai giới rất mạnh: Nam giới kiếm được nhiều hơn 30% so với phụ nữ.

Theo Korea Herald, điều này khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia bất bình đẳng giới nhất trong OECD.

Thêm vào đó là cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở Hàn Quốc kém, chênh lệch trong phân chia làm việc nhà. Phụ nữ thường gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con cái, khiến họ phải lựa chọn giữa đi làm hoặc làm mẹ. Ở Hàn Quốc, tuần làm việc kéo dài 52 giờ.

Lee Sang-lim - nhà nhân khẩu học tại Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc -  chia sẻ với The New York Times: “Cuộc sống không suôn sẻ với nhiều người trẻ tuổi, với họ, kết hôn hoặc sinh con không còn là điều tự nhiên nữa”.

Lời mời gọi để xây dựng lại xã hội

Hàn Quốc đang trong tình trạng báo động, vì ước tính trung bình 2,1 trẻ em/phụ nữ là cần thiết để giữ cho dân số ổn định.

Tuy nhiên, trong 3 năm liên tiếp, Hàn Quốc có tỉ suất sinh thấp nhất thế giới, trung bình 0,78 con/phụ nữ. Năm 2020, số người chết vượt quá số ca sinh ở Hàn Quốc. Nhiều thành phố có nguy cơ biến mất trong những năm tới.

Hawon Jung - tác giả của cuốn "Flowers of Fire: The Inside Story of South Korea’s Feminist Movement" chia sẻ với El Pais: “Những bà mẹ đơn thân bị kỳ thị, các bác sĩ từ chối thụ tinh trong ống nghiệm cho phụ nữ không có bạn đời là nam giới - dù điều đó không phạm pháp - và tỉ lệ sinh con ngoài giá thú chỉ chiếm 2% trong tổng số, so với tỉ lệ trung bình là 41% của phụ nữ trong OECD. Hôn nhân và sinh con gắn chặt với nhau; phụ nữ chịu sức ép phải hi sinh sự nghiệp sau khi có con hoặc kết hôn". 

Hawon Jung tin rằng, gốc rễ của vấn đề nằm ở vai trò của phụ nữ kể từ thời Nho giáo. Triết lý ủng hộ những cô con gái phục tùng, những người vợ đức hạnh và những người mẹ hi sinh.

Theo Jung, “những quốc gia nơi cha mẹ hợp tác hơn và có chính sách gia đình tốt như Thụy Điển hoặc công nhận sự đa dạng của các cặp vợ chồng, như Pháp đã thành công hơn trong ổn định hoặc thậm chí tăng tỉ lệ sinh". 

Trong lịch sử, các phong trào nữ quyền đã rất hiệu quả ở Hàn Quốc, đạt được những cột mốc quan trọng như phi hình sự hóa việc phá thai vào năm 2021, hay những thay đổi trong quan niệm về vẻ đẹp của phụ nữ.

Ví dụ, phong trào “thoát khỏi áo nịt ngực” bác bỏ những khuôn mẫu cứng nhắc của Hàn Quốc về phụ nữ, như để tóc dài hay quan niệm làm đẹp kiểu K-pop áp đặt phụ nữ phải có làn da trắng, trang điểm hoàn hảo và phẫu thuật thẩm mỹ. Ngày càng có nhiều phụ nữ và bé gái Hàn Quốc để tóc ngắn, dám đeo kính thay vì đeo kính áp tròng. 

Tuy nhiên, El Pais cho rằng, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, như bạo lực giới. Theo khảo sát do Viện Tội phạm học và Tư pháp Hàn Quốc công bố, cứ 10 người đàn ông thì có 8 người thừa nhận đã bạo hành vợ/bạn gái.

“Đối với chính phủ và các tập đoàn, luật pháp và chính sách phải cấm phân biệt đối xử và đảm bảo trả lương cũng như cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ đang đi làm.

Về mặt xã hội, cần phải có hệ thống hỗ trợ lớn hơn cho các bậc cha mẹ đang đi làm, để cha hoặc mẹ có thể nghỉ phép nếu con bị ốm, hoặc tham dự một cuộc họp hoặc sự kiện của trường. Và cha mẹ đơn thân, dù là nam hay nữ, không nên bị kỳ thị" - Jennifer Jung-Kim - giáo sư Lịch sử Hàn Quốc tại Đại học California, Mỹ - cho hay. 

Theo bà, điều quan trọng nhất là sự thay đổi bên trong của nam giới. “Họ phải bước ra và đảm nhận việc nhà, chăm sóc con cái một cách bình đẳng và hỗ trợ vợ trong lựa chọn sự nghiệp" - bà nói. 

Judy Han - giáo sư, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề đại học thuộc Khoa Nghiên cứu Giới tính tại Đại học California - chỉ ra, phong trào “4 không” là lời mời để xây dựng lại xã hội.

Theo El Pais, cách tiếp cận này có thể hiệu quả ở nhiều quốc gia dân chủ khác, nơi bất bình đẳng giới ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh.

Đối mặt với một hệ thống gia trưởng dường như không thể đánh bại, ngày càng có nhiều phụ nữ trên khắp thế giới chọn từ bỏ việc sinh con vì không thể dung hòa cuộc sống cá nhân và sự nghiệp. Hậu quả này có thể thúc đẩy các chính phủ hành động và định hình toàn bộ xã hội.

Theo giáo sư Judy Han, “bất kỳ ai - nam và nữ, thẳng, đồng tính, hợp giới và chuyển giới - sẽ được hưởng lợi từ việc xem xét những chỉ trích này một cách nghiêm túc và tạo ra một xã hội công bằng hơn". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn