MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơ sở của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco ở Dammam, Saudi Arabia. Ảnh: Xinhua

Nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đối diện nguy cơ suy thoái

Ngọc Vân LDO | 09/09/2023 09:35

Năm 2023, Saudi Arabia đối diện nguy cơ suy thoái kinh tế do liên tục phải cắt giảm sản lượng dầu mỏ.

Với các cuộc cải cách đang diễn ra vô cùng chậm chạp, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu mỏ.

Theo Reuters, sự sụt giảm trong sản lượng và doanh thu dầu mỏ trong năm 2023 có thể khiến nền kinh tế Saudi Arabia rơi vào tình trạng suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2020, khi cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19.

Nhà phân tích Justin Alexander tại Khalij Economics cho biết, việc cắt giảm nguồn cung dầu mỏ trong 3 tháng tới sẽ dẫn đến sản xuất công nghiệp giảm 9%, mức giảm lớn nhất trong 15 năm gần đây.

Quốc gia này đã đặt mục tiêu ổn định thị trường dầu mỏ bằng cách cắt giảm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho đến cuối năm 2023. Thông báo này đã khiến giá dầu lần đầu tiên trong năm vượt mức 90 USD/thùng. Tuy nhiên con số này vẫn ở mức dưới trung bình 100 USD/thùng trong năm 2022.

Monica Malik, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, cho biết GDP của Saudi Arabia sẽ giảm 0.5% trong năm nay, trong khi theo ông Alexander, các mặt hàng phi dầu mỏ sẽ cần duy trì tăng trưởng ở mức 5% GDP.

Trong năm 2022, nền kinh tế Saudi Arabia ghi nhận mức tăng trưởng 8,7%, đồng thời tạo ra 2,5% GDP thặng dư tài chính. Đây là lần đầu tiên quốc gia này ghi nhận mức thặng dư tài chính sau 9 năm khi giá dầu tăng lên gần 124 USD/ thùng.

Trong năm 2023, Saudi Arabia dự đoán sẽ tiếp tục ghi nhận 0,4% thặng dư, mặc dù một số chuyên gia cho rằng đây là con số có phần khá lạc quan. Quốc gia này đã hứng chịu mức thâm hụt 8,2 tỉ riyal (2,19 tỉ USD) trong nửa đầu năm nay.

Một quan chức thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết ông đã dự đoán trước rằng, GDP của Saudi Arabia sẽ giảm 1,2% trong năm 2023, tuy nhiên theo ông ngân sách sẽ trở nên cân bằng hơn nhờ khoản thanh toán bổ sung từ Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco với gần 10 tỉ USD cho các cổ đông trong quý 3.

Mặt khác, IMF cũng tin rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay. Theo một số báo cáo, số cổ phiếu Aramco với trị giá lên tới 50 tỉ USD sẽ được chào bán trên thị trường chứng khoán Riyadh trước cuối năm nay, góp phần tạo nên nguồn vốn khổng lồ nhằm thanh toán chi phí đối với các dự án lớn.

Nền kinh tế phi dầu mỏ của Saudi Arabia hiện vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Quỹ đầu tư công (PIF) tại quốc gia này đã chi hàng tỉ USD cho các ngôi sao bóng đá, golf, các khu du lịch và giải trí hàng đầu thế giới cũng như các mặt hàng xe điện, với mục đích thúc đẩy kế hoạch phát triển kinh tế tới năm 2030.

Nguồn tài trợ của PIF đến từ việc cấp vốn và chuyển giao tài sản từ chính phủ, thu nhập đầu tư. Chính phủ đã chuyển giao 8% cổ phần của Aramco cho PIF và một số công ty con thuộc biên chế PIF.

Tuy nhiên do Quỹ Softbank I cùng sự suy thoái thị trường trên diện rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, PIF đã phải hứng chịu khoản lỗ 15,6 tỉ USD trong năm 2022.

Neil Quilliam, cộng tác viên tại Chatham House ở London, cho biết thực tế đã chỉ rõ rằng việc thay đổi sẽ cần nhiều thời gian. Hiện tại việc nền kinh tế Saudi Arabia vẫn phụ thuộc vào hydrocarbon là điều khó tránh khỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn