MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời báo giới sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) tại Bishkek, Kyrgyzstan. Ảnh: Sputnik

Ông Putin phản ứng về bình luận của bà Merkel

Ngọc Vân LDO | 11/12/2022 10:10
Tổng thống Nga Vladimir Putin bình luận về tiết lộ của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel về chiến dịch quân sự ở Ukraina và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân.

RT đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao đổi với báo giới sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á - Âu tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan hôm 9.12.

Trong số các chủ đề mà Tổng thống Nga đề cập bao gồm những tiết lộ mới nhất của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, chiến dịch quân sự ở Ukraina, mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, vụ trao đổi tù nhân cấp cao với Mỹ và quan hệ của Nga với EU và Châu Phi.

Thất vọng với thừa nhận của bà Merkel

Tổng thống Putin cho biết ông rất ngạc nhiên và thất vọng trước lời thừa nhận của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng mục đích của thỏa thuận hòa bình Minsk là để "câu giờ" cho Ukraina. Tuy nhiên, ông nói thêm, chính điều đó chứng tỏ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina là điều đúng đắn.

“Mục đích của họ chỉ là nạp vũ khí cho Ukraina và chuẩn bị sẵn sàng cho chiến sự. Chúng tôi thấy điều đó. Thành thật mà nói, chúng tôi có thể đã nhận ra điều đó quá muộn và lẽ ra nên bắt đầu tất cả những điều này (chiến dịch quân sự) sớm hơn” - ông Putin nói.

Mặc dù biết Ukraina không có ý định thực hiện thỏa thuận, nhưng “tôi nghĩ những người tham gia khác trong quá trình đó là trung thực. Vậy mà hóa ra họ cũng đang lừa dối chúng tôi” - Tổng thống Nga nói.

Từ trái qua: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko gặp nhau để hội đàm tại Minsk, Belarus, ngày 11.2.2015. Ảnh: AP

Đàm phán với “niềm tin bằng không”

Theo ông Putin, sự lừa dối về thỏa thuận Minsk hiện đặt ra “câu hỏi về lòng tin”, đồng thời lưu ý “niềm tin hiện gần như bằng không”. Câu hỏi thực sự bây giờ là liệu có thể đàm phán về bất kỳ điều gì với bất kỳ ai hay không và điều gì sẽ đảm bảo cho bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào.

“Cuối cùng, sẽ phải có các cuộc đàm phán. Chúng tôi đã sẵn sàng đàm phán, tôi đã nói điều đó nhiều lần. Nhưng nó khiến chúng tôi phải suy nghĩ xem chúng tôi đang đàm phán với ai".

Tại sao cuộc xung đột ở Ukraina có thể "mất nhiều thời gian"

Khi được hỏi về tuyên bố trước đó rằng chiến dịch quân sự có thể là một “quá trình lâu dài”, ông Putin giải thích ông thực sự đang đề cập đến việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraina

“Chiến dịch quân sự đặc biệt đang được tiến hành nhanh chóng, mọi thứ đều ổn định, không có câu hỏi hay vấn đề nào về chiến dịch. Song việc giải quyết toàn bộ tình huống sẽ “có thể không dễ dàng và mất một thời gian, nhưng bằng cách này hay cách khác, tất cả những người tham gia vào quá trình này sẽ phải đồng ý với diễn biến đang hình thành trên thực tế”.

Về việc phát động một cuộc tấn công hạt nhân

Tổng thống Putin cho biết, Mỹ từ lâu đã có học thuyết tiến hành một cuộc tấn công “giải trừ vũ khí” nhằm vào các hệ thống chỉ huy và kiểm soát - và đã phát triển các tên lửa hành trình mà Liên Xô còn thiếu.

Giờ đây, Nga đã có các tên lửa siêu thanh “hiện đại hơn và thậm chí còn hiệu quả hơn”, vì vậy “có lẽ chúng tôi nên nghĩ đến việc áp dụng những ý tưởng của các đối tác Mỹ khi nói đến việc đảm bảo an ninh”.

Ông Putin giải thích, trong khi học thuyết của Mỹ là về một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu, thì học thuyết của Nga là về sự trả đũa. Nếu hệ thống cảnh báo sớm của Nga phát hiện một cuộc tấn công tên lửa, “hàng trăm tên lửa của chúng tôi sẽ bay tới và không thể ngăn chặn chúng”. Khi một số tên lửa tấn công tấn công Nga, thì “kẻ thù sẽ không còn lại gì” và đó là cách hoạt động của khả năng răn đe hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga tập dượt duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở trung tâm Mátxcơva, ngày 7.5.2022. Ảnh: AFP

Có thể có nhiều cuộc trao đổi hơn như vụ Bout-Griner

Mátxcơva không coi thành công của các cuộc đàm phán trao đổi nữ vận động viên bóng rổ Mỹ Brittney Griner lấy trùm buôn vũ khí Nga Viktor Bout là cơ hội để thảo luận các chủ đề khác với Washington. Ông Putin cho biết, trong khi các cuộc đàm phán "tạo ra một bầu không khí nhất định", thì không có vấn đề nào khác được đưa ra.

Nhà lãnh đạo Nga nói thêm, mối liên hệ giữa các cơ quan an ninh của Nga và Mỹ “vẫn tiếp tục và trên thực tế là chưa bao giờ dừng lại”, nhưng cuộc trao đổi cụ thể này do Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng.

“Các cuộc trao đổi khác có khả thi không? Vâng, mọi thứ đều có thể. Đây là kết quả của các cuộc đàm phán và tìm kiếm sự thỏa hiệp. Trong trường hợp này, hai bên đã tìm được thỏa hiệp” - Tổng thống Nga nói.

Về khả năng huy động thêm quân

Tổng thống Putin khẳng định hiện tại không có chuyện Nga huy động thêm quân vào năm 2023. Trong số 300.000 quân huy động thêm, đến nay đã có 150.000 quân được triển khai, nhưng chỉ 77.000 quân được đưa tới các đơn vị chiến đấu, số còn lại tham gia vào các nhiệm vụ khác.

“Một nửa trong số những người nhập ngũ là lực lượng dự bị chiến đấu, vậy tại sao lại nói về một cuộc huy động bổ sung?” - ông Putin kết luận.

Trả lời bình luận của quan chức EU

Đáp lại tuyên bố của Cao ủy EU về chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell, rằng nhiều người Châu Phi có lẽ không biết Donbass ở đâu hoặc Putin là ai, Tổng thống Nga nói, lục địa này biết quá rõ ai là người đã giúp họ giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân Châu Âu.

Các chính trị gia EU nên “ngừng nói về tình yêu của họ đối với người dân Châu Phi và nên bắt đầu giúp đỡ các quốc gia này” - ông Putin nói. 

“Nếu những người mà bạn nói đến biết Châu Phi ở đâu và tình trạng của người dân Châu Phi ra sao, họ sẽ không can thiệp vào việc cung cấp thực phẩm và phân bón của Nga cho lục địa Châu Phi. Những mặt hàng này sẽ cứu rỗi của hàng trăm nghìn người ở Châu Phi khỏi nạn đói” - nhà lãnh đạo Nga bình luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn