MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chuyến tàu chở hàng rời Tây An, Trung Quốc đến Kazakhstan - nước chứng kiến sự bùng nổ đầu tư của Bắc Kinh trong những năm gần đây. Ảnh: Xinhua

Phân chia lợi ích vững chắc của Nga và Trung Quốc ở Kazakhstan

Khánh Minh LDO | 16/01/2022 14:00
Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với liên minh do Nga đứng đầu nhằm dập tắt bạo lực ở Kazakhstan cho thấy giá trị của sự ổn định trong khu vực đối với cả hai cường quốc.

Thắng lợi địa chính trị của Nga ở Trung Á

Sự can dự của Nga vào Kazakhstan là một lời nhắc nhở đối với Trung Quốc rằng nước này vẫn phụ thuộc vào Nga để đảm bảo các lợi ích của mình ở Trung Á. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ hành động của Nga nhằm dập tắt tình trạng bất ổn và Bắc Kinh không có ý định chịu trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của khu vực vốn là sân sau phía Tây Nam của họ - tờ SCMP cho hay.

Khoảng 2.500 binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu đã đến Kazakhstan vào tuần trước để giúp dập tắt bạo lực tồi tệ nhất trong 30 năm kể từ khi đất nước này độc lập khỏi Liên Xô cũ.

Sự can thiệp đầu tiên của CSTO kể từ khi thành lập vào năm 2002 được coi là một thắng lợi địa chính trị đối với Nga ở Trung Á, khi căng thẳng với phương Tây gia tăng về vấn đề Ukraina.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev hôm 11.1 cho biết “nhiệm vụ chính của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đã hoàn thành xuất sắc” và việc rút quân sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày.

Sự ủng hộ của Trung Quốc

Sự tham gia của CSTO cũng được Bắc Kinh ủng hộ. Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á trong những năm gần đây, xây dựng các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ trong khu vực thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Hôm 10.1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc cũng đang tìm kiếm sự phối hợp và hợp tác sâu hơn với Nga để chống lại chủ nghĩa khủng bố và sự can thiệp của nước ngoài trong khu vực.

Ông Vương Nghị tuyên bố, trọng tâm nên tập trung vào hợp tác giữa CSTO và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc - Nga đứng đầu, với các thành viên bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan và gần đây nhất là Iran.

Kể từ khi thành lập vào năm 2001, SCO đã tập trung vào các vấn đề an ninh khu vực - chủ yếu là chống khủng bố - với việc chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác quân sự giữa các quốc gia thành viên.

Các chuyên gia cho hay, việc triển khai của Nga cho thấy sự gia tăng vai trò của Điện Kremlin với tư cách là người bảo đảm chính về an ninh cho các nước Trung Á, trong khi sự hỗ trợ của Trung Quốc nêu bật mục tiêu chung của hai cường quốc - một sự ổn định khu vực mang lại lợi ích cho cả hai.

"Ảnh hưởng của Nga đối với an ninh của Trung Á luôn lớn hơn nhiều so với Trung Quốc" - Yang Shu, chuyên gia về các vấn đề của khu vực của Đại học Lan Châu, cho biết trước khi nghỉ hưu. “Vị thế của Nga trong việc duy trì an ninh ở Trung Á đã được cải thiện, vai trò của CSTO cũng được cải thiện. Một chiến thắng trong trận chiến nói lên nhiều điều hơn bất cứ điều gì” - ông nói thêm.

Trong khi SCO tuyên bố cuối tuần trước sẽ can thiệp vào tình hình bất ổn ở Kazakhstan nếu cần thiết, ông Yang thừa nhận rằng các lựa chọn của SCO bị hạn chế so với các lựa chọn của CSTO. “Không thực tế nếu kỳ vọng quá nhiều vào vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề an ninh của Trung Á, vì SCO thiếu hộp công cụ để can thiệp trực tiếp" - ông Yang nói.

Ông bổ sung rằng Trung Quốc đã tăng cường hợp tác chống khủng bố riêng với các nước Trung Á trong những năm gần đây, tiến hành các cuộc tập trận quân sự song phương bên cạnh các cuộc tập trận chống khủng bố Sứ mệnh Hòa bình hàng năm của SCO.

Nhưng Bắc Kinh sẽ hài lòng với sự tham gia của Nga ở Kazakhstan, theo ông Yang, bởi "không có gì tốt cho Trung Quốc khi thấy một quốc gia láng giềng đang trong tình trạng bất ổn".

Phân chia ảnh hưởng

Theo truyền thống, hai cường quốc đã phân chia các lĩnh vực quan tâm của họ trong khu vực, trong đó Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế và Nga tập trung vào an ninh.

Đầu tư của Trung Quốc hiện đã vượt qua Nga ở hầu hết các nước Trung Á và khu vực này phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc để tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm quốc gia Trung Á đạt 14,7 tỉ USD vào năm 2018 - chiếm 1,2% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Châu Á và cao hơn 40% so với 8,9 tỉ USD của năm 2013.

Trung Quốc đã đầu tư 19,2 tỉ USD vào Kazakhstan trong giai đoạn 2005-2020, với khoảng 56 dự án do Trung Quốc hỗ trợ trị giá gần 24,5 tỉ USD sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Danil Bochkov - chuyên gia tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga - cho biết việc Bắc Kinh ủng hộ sự can dự của CSTO vào Kazakhstan cho thấy sự toàn vẹn của quan hệ Nga-Trung và sự phân chia trách nhiệm kinh tế và an ninh của hai nước.

Ông nói: “Tình hình này đã bộc lộ một động lực khác, đó là việc Bắc Kinh công nhận vai trò chủ yếu của Mátxcơva trong khu vực với tư cách là người bảo đảm an ninh. Điều đó được xác nhận bằng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với việc triển khai quân CSTO. Trước đó, việc phân chia trách nhiệm diễn ra ngầm hơn là tuyên bố công khai. Bây giờ có vẻ như thực tế đã chứng tỏ điều đó”.

Zhu Yongbiao, một chuyên gia về các vấn đề Trung Á tại Đại học Lan Châu, cho biết Trung Quốc hành động dựa trên những cân nhắc về kinh tế và an ninh trong khu vực để đáp lại sự can dự của Nga ở Kazakhstan.

Tuy nhiên, ông cho hay có thể có những triển vọng không chắc chắn cho sự hợp tác trong tương lai, với việc Mátxcơva cảnh giác với việc Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và vẫn còn phải xem liệu Nga có chấp nhận đề xuất của Trung Quốc về việc phối hợp giữa SCO và CTSO hay không.

Yang Jin, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định Trung Quốc không có ý định mở rộng sự hiện diện quân sự ở Trung Á, và việc mở rộng kinh doanh của Trung Quốc trong khu vực cũng không một vấn đề đau đầu đối với Nga.

“Sự hợp tác kinh tế đã mang lại thịnh vượng cho khu vực, được các nước trong khu vực hoan nghênh và Nga sẽ không từ chối điều đó, vì họ không muốn nhìn thấy nó đến từ các cường quốc khác” - Yang Jin nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn