MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà nghiên cứu phát hiện dấu tích của loài người cổ đại - Homo naledi trong hang động chật hẹp. Ảnh: Twitter Lee Berger

Phát hiện dấu tích mới của chủng người nguyên thủy Homo naledi

Thảo Phương LDO | 07/06/2023 20:32

Các nhà khoa học phát hiện người nguyên thủy Homo naledi có tập tục chôn cất người chết và biết chạm khắc trên vách hang động.

Theo nghiên cứu, bộ não của loài người đã tuyệt chủng - Homo naledi có kích thước chỉ bằng 1/3 bộ não con người hiện đại. Tuy nhiên, các thành viên của loài người cổ đại này đã biết cách chôn cất người chết trước khi có bằng chứng sớm nhất về tập tục an táng của người hiện đại.

Những tiết lộ mới trong hành vi của Homo naledi có thể thay đổi sự hiểu biết của con người về các thuyết tiến hóa; bởi cho đến nay, những tập tục chôn cất người chết hay khắc biểu tượng lên vách đá chỉ liên quan đến người Homo sapiens và Neanderthal - 2 loài người có bộ não lớn.

Hóa thạch của Homo naledi lần đầu tiên được phát hiện trong cuộc khai quật năm 2013 tại hệ thống hang động Rising Star, Nam Phi. Nơi đây được coi là cái nôi của nhân loại khi các nhà khoa học phát hiện hóa thạch của nhiều loài người cổ đại - những tàn tích giúp mở khóa câu chuyện về lịch sử tiến hóa loài người.

Nhà thám hiểm địa lí, Tiến sĩ Lee Berger và nhóm “Phi hành gia dưới lòng đất” của ông đang tiếp tục công việc trong các hang động rộng lớn và nguy hiểm để hiểu rõ hơn về loài vượn đã tuyệt chủng hoặc tổ tiên của loài người cổ đại.

Bản dựng người Homo naledi được thực hiện bởi John Gurche, người đã dành khoảng 700 giờ để nghiên cứu các bản quét xương. Ảnh: Twitter John Gurche

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã phát hiện hài cốt của người lớn và trẻ em Homo naledi được đặt yên nghỉ trong tư thế cuộn tròn tại các chỗ lõm của hang động và được bao phủ bởi đất. Các ngôi mộ của Homo naledi tồn tại lâu hơn ít nhất 100.000 năm trước khi ngôi mộ đầu tiên của Homo sapiens được phát hiện.

Trong quá trình xác định những ngôi mộ cổ, các nhà khoa học đã phát hiện một số biểu tượng được khắc trên vách hang. Theo nghiên cứu ban đầu, những vết tích trong hang có niên đại từ 241.000 đến 335.000 năm, nhưng giới chuyên môn muốn tiếp tục tìm hiểu để xác định thời gian chính xác hơn.

Các biểu tượng trên vách hang bao gồm dấu gạch ngang, dấu thăng cùng các hình dạng khác được chạm khắc sâu. Những vết tích tương tự cũng được tìm thấy trong các hang động khác của Homo sapiens và Neanderthal sớm hơn từ 60.000 - 80.000 năm.

Nhóm nghiên cứu đặt các hóa thạch của Homo naledi tại Viện Nghiên cứu Tiến hóa, Đại học Witwatersrand. Ảnh: Twitter Lee Berger

“Những phát hiện gần đây cho thấy việc chôn cất có chủ ý và sử dụng các biểu tượng là hoạt động có ý nghĩa đối với Homo naledi. Sự kết hợp ấy chỉ ra rằng loài người cổ đại có bộ não nhỏ đã thực hiện các hoạt động phức tạp liên quan đến cái chết. 

Những bằng chứng về người cổ đại cho thấy Homo sapiens không phải là loài duy nhất phát triển các tập tục, nghi thức mang tính biểu tượng. Thậm chí, có khả năng người tinh khôn không phải là loài đầu tiên bắt đầu những hành vi như vậy”, Tiến sĩ Berger chia sẻ.

Tiến sĩ nhân chủng học John Hawks nhận định, Naledi sống như một quần thể bởi các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều hóa thạch của họ trong các hang động, bao gồm cả hài cốt của trẻ sơ sinh và người lớn tuổi.

Năm 2015, Berger và nhóm nghiên cứu của ông từng công bố phát hiện Homo naledi có hành vi cố tình vứt xác của đồng loại vào trong hang. Năm 2018, nhóm bắt đầu tìm thấy bằng chứng ủng hộ ý kiến ​​cho rằng Homo naledi có tập tục chôn cất người chết. 

Một số bản khắc trên vách đá bị tẩy xóa và viết đè lên. Ảnh: Twitter Lee Berger

Công trình của Berger và các đồng nghiệp về Homo naledi và khả năng nó thay đổi phả hệ loài người sẽ được chia sẻ trong “Unknown: Cave of Bones” của Netflix vào ngày 17.7.

Ngày 8.8, Berger và Hawks dự định phát hành cuốn sách mang tên “Cave of Bones: Câu chuyện có thật về khám phá, phiêu lưu và nguồn gốc loài người”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn