MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phương Tây càng cấm vận dầu Nga, Mátxcơva sẽ ngày càng hưởng lợi?

Thanh Hà LDO | 09/05/2022 10:19
EU cấm vận dầu mỏ của Nga có thể giúp Mátxcơva hưởng lợi, theo các nhà phân tích Thụy Sỹ. Ngày 8.5, nhà lãnh đạo G7 cam kết loại bỏ dần hoặc cấm nhập khẩu dầu của Nga.  

Nga hưởng lợi từ lệnh cấm vận dầu của EU

Lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga mà Liên minh Châu Âu (EU) đề xuất dự kiến làm tăng giá dầu hơn nữa giúp doanh thu từ dầu của Mátxcơva tăng thêm, nhận định của Norbert Rucker, người đứng đầu bộ phận kinh tế và nghiên cứu thế hệ tiếp theo của đơn vị quản lý tài sản Thụy Sỹ Julius Baer. 

Tác động của lệnh cấm dầu của Nga là điều còn gây tranh cãi và EU có thể có những phương án thay thế tốt hơn trong nỗ lực trừng phạt Nga, chẳng hạn như áp thuế trừng phạt, nhà phân tích Norbert Rucker chia sẻ với hãng tin Thụy Sĩ 20 Minuten. 

Đầu tuần này, Liên minh Châu Âu công bố kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Nga ở tất cả 27 quốc gia thành viên. Biện pháp này là một phần của chiến dịch trừng phạt của phương Tây với Nga sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina. 

“Câu hỏi lớn hiện nay là liệu phương Tây có đang gây sức ép với Trung Quốc và Ấn Độ hay không, khi đó lệnh cấm vận sẽ tác động lớn hơn nhiều" - chuyên gia Rucker nói. Ông lưu ý, động thái này có thể khiến Nga gặp nhiều khó khăn trong việc tìm khách hàng mua dầu thô trên toàn thế giới. 

Theo chuyên gia Thụy Sỹ, lệnh cấm dự kiến làm tăng giá dầu thô thế giới, với giá dầu thô có thời điểm đã tăng vọt lên 120 USD/thùng vào một thời điểm trong tháng 3, giúp Nga tăng doanh thu từ dầu. 

“Lệnh cấm vận chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến Thụy Sỹ” - chuyên gia Rucker nói. Ông chỉ ra, Thụy Sỹ vốn nhập phần lớn dầu từ các nhà máy lọc dầu Châu Âu ủng hộ chuyển sang các phương án thay thế. “Tuy nhiên, giá dầu tăng thêm do lệnh cấm vận cũng sẽ nhận thấy rõ ở Thụy Sỹ" - ông nói thêm. 

G7 cam kết cấm hoặc dần thoát khỏi năng lượng Nga

Loại bỏ dần hoặc cấm nhập khầu dầu của Nga là nội dung được lãnh đạo từ Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cam kết trong cuộc họp ngày 8.5. 

Trong cuộc họp có Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tham dự, các nhà lãnh đạo G7 cam kết loại bỏ dần hoặc cấm nhập khẩu dầu của Nga nhằm nêu bật sự ủng hộ và thể hiện sự đoàn kết của các đồng minh phương Tây với Ukraina.

Việc cắt nguồn cung dầu của Nga “sẽ ảnh hưởng nặng nề đến huyết mạch chính của nền kinh tế" Nga và khiến nước này không có nguồn ngân sách cho chiến sự, các nước G7 - Pháp, Đức, Italia, Anh, Canada và Mỹ - nêu trong thông cáo.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi làm như vậy một cách kịp thời và có trật tự, và theo những cách để thế giới có đủ thời gian đảm bảo các nguồn cung thay thế" - các nhà lãnh đạo G7 khẳng định trong cam kết thoát khỏi năng lượng của Nga.

Cam kết được đưa ra một ngày trước Ngày Chiến thắng ở Châu Âu ghi nhận việc phát xít Đức đầu hàng năm 1945. 

"Chúng ta tưởng nhớ những người đã chiến đấu cho tự do trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, để tiếp tục chiến đấu cho hôm nay, cho người dân Ukraina, Châu Âu và cộng đồng toàn cầu" - thông cáo của G7 nêu rõ. 

Mỹ công bố thêm biện pháp trừng phạt Nga

Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới với Nga trong ngày 8.5, Euronews đưa tin.

Các biện pháp trừng phạt mới với Nga về chiến sự Ukraina bao gồm cắt quảng cáo phương Tây khỏi 3 đài truyền hình lớn nhất của Nga, cấm các công ty tư vấn và kế toán của Mỹ cung cấp dịch vụ cho bất kỳ người Nga nào, và đặt thêm các hạn chế với lĩnh vực công nghiệp của Nga, bao gồm loại Mátxcơva khỏi các sản phẩm gỗ, động cơ công nghiệp, nồi hơi, máy ủi và nhiều ngành nghề khác.

Theo AFP, các đơn vị truyền thông Nga bị trừng phạt gồm oint Stock Company Channel One Russia, Television Station Russia-1, và Joint Stock Company NTV Broadcasting Company.

Nhà Trắng công bố các biện pháp trừng phạt mới trước Ngày Chiến thắng 9.5 khi Nga kỷ niệm sự thất bại của Đức Quốc xã năm 1945 với cuộc duyệt binh lớn. Tổng thống Vladimir Putin dự kiến ​​phát biểu trước quân đội Nga tại Quảng trường Đỏ trong ngày 9.5. 

Cùng ngày 8.5, các quan chức Anh cho biết, nước này sẽ cung cấp thêm 1,60 tỉ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraina. Khoản viện trợ Ukraina đến từ nguồn dự trữ của chính phủ Anh, bao gồm 375 triệu USD quân trang mà Thủ tướng Boris Johnson cam kết đầu tuần này. Gói hỗ trợ quân sự cho Ukraina của Anh dự kiến có hệ thống radar nhắm mục tiêu pháo binh, thiết bị gây nhiễu GPS và thiết bị quan sát ban đêm.

Lãnh đạo phương Tây liên tục đến Ukraina

Thủ tướng Canada Justin Trudeau có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraina trong ngày 8.5, thăm thị trấn Irpin ở phía bắc nước này. Thị trưởng Irpin đăng hình ảnh của ông Trudeau trên mạng xã hội, cho biết nhà lãnh đạo Canada bị sốc trước những thiệt hại ở nhà dân thường.

Văn phòng của ông Trudeau sau đó xác nhận: "Thủ tướng đang ở Ukraina để gặp Tổng thống Zelensky và tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Canada với người dân Ukraina". 

Cùng ngày, Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden thăm Ukraina, tổ chức một cuộc họp bất ngờ vào Ngày của Mẹ ở miền tây Ukraina với Đệ nhất phu nhân Ukraina Olena Zelenska. Bà Jill Biden trở thành nhân vật Mỹ cấp cao mới nhất đến Ukraina trong chiến sự kéo dài 10 tuần với Nga.

Chủ tịch Hạ viện Bärbel Bas, quan chức cấp cao thứ hai của Đức sau tổng thống, đã gặp Tổng thống Ukraina Zelensky trong ngày 8.5 tại Kiev và tham dự một sự kiện tưởng niệm nhân dịp kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tổng thống Zelensky cũng đã đăng trên kênh Telegram thông tin về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Đức. 

Thủ tướng Croatia cũng đã có mặt tại Ukraina trong ngày 8.5. Chính phủ Croatia cho biết, chuyến thăm của Thủ tướng Andrej Plenkovic thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ với lãnh đạo và người dân Ukraina.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn