MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vanuatu là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ảnh: Xinhua

Quốc đảo nhỏ tìm kiếm tiếng nói từ Tòa án Công lý Quốc tế

Khánh Minh LDO | 31/03/2023 06:00
Ngày 29.3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bằng đồng thuận nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Quốc đảo Vanuatu là một trong những nước thúc đẩy sáng kiến này.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề

Vanuatu, quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, từ lâu đã phải đối mặt với những tàn phá nặng nề khi mực nước biển dâng cao và phải hứng chịu nhiều cơn bão cường độ mạnh.

Năm 2021, quốc đảo này mong muốn Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra tư vấn về trách nhiệm pháp lý của các chính phủ trong việc chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, cho rằng biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề nhân quyền đối với người dân ở các quốc đảo Thái Bình Dương.

Mặc dù ý kiến của Tòa án Công lý Quốc tế không mang tính ràng buộc nhưng sẽ có giá trị đáng kể và có thể cung cấp thông tin cho các cuộc đàm phán về khí hậu cũng như các vụ kiện về khí hậu trong tương lai. Ngoài ra, nó cũng có thể giữ vững vị thế của các quốc gia yếu thế hơn khi giải quyết vấn đề khí hậu trong các cuộc đàm phán quốc tế.

2023 sẽ là một năm đầy thách thức đối với Vanuatu: Quốc gia này đang trong tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng sau khi hai cơn bão cấp 4 hiếm gặp đổ bộ vào quốc đảo trong vòng 48 giờ ở tuần đầu tiên của tháng 3. Người dân vùng đảo này vẫn đang tìm cách khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Ngày 29.3, nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với sự ủng hộ của 132 quốc gia.

Với nghị quyết này, Đại hội đồng yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế làm rõ hai vấn đề liên quan biến đổi khí hậu.

Một là, xác định nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nói chung và các công ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu nói riêng.

Hai là, trên cơ sở các nghĩa vụ đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế xác định trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra phát thải lớn và dẫn tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các nước khác, cũng như đối với thế hệ hiện tại và tương lai.

Sau khi nghị quyết được thông qua, Thủ tướng Vanuatu Ishmael Kalsakau cho biết: "Chúng ta đã chứng kiến một thắng lợi mới cho công lý về khí hậu. Đó là việc một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương như Vanuatu có thể thành công đề xuất những biện pháp đối phó với khí hậu và nhận được sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia trên thế giới".

Từ lớp học nhỏ đến Tòa án Công lý Quốc tế

Nỗ lực tìm kiếm tiếng nói từ Tòa án Công lý Quốc tế bắt đầu trong một lớp luật môi trường ở Fiji vào năm 2019.

Cynthia Houniuhi - Chủ tịch Hội Sinh viên quần đảo Thái Bình Dương chống lại biến đổi khí hậu - cho biết, cô và các thành viên của nhóm đã tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu thông qua các con đường pháp lý quốc tế khác nhau, cho đến khi họ quyết định đặt niềm tin vào Tòa án Công lý Quốc tế.

"Thành thật mà nói, lúc đầu tôi rất do dự khi ý tưởng này được thảo luận" - Houniuhi chia sẻ.

"Tôi luôn nhắc mình phải biết kiềm chế, ý tôi là nên thực tế một chút, không nên quá tham vọng. Nó giống như làm thế nào mà một nhóm nhỏ sinh viên từ khu vực Thái Bình Dương có thể thuyết phục được phần lớn các thành viên Liên Hợp Quốc ủng hộ sáng kiến độc nhất vô nhị này?". 

Nhưng khi các quốc đảo Thái Bình Dương tiếp tục phải sống trong nhiệt độ nóng hơn và hạn hán ngày càng gia tăng, mực nước biển dâng cao và các cơn bão trở nên dữ dội, Houniuhi nhận ra rằng cô cần phải hành động ngay lập tức.

"Việc học tất cả những kiến thức này có ý nghĩa gì nếu không phải để mọi người chống lại mối đe dọa lớn nhất đối với sự an toàn của họ?" - Houniuhi nói.

"Đối với tôi, những ký ức về thời thơ ấu ở ngôi làng với người thân của tôi đang dần phai nhạt khi môi trường sống gắn bó biết bao nhiêu năm giờ đây lại trở nên tan hoang trước mắt tôi".

Bão nhiệt đới không hiếm gặp ở châu Đại Dương, nhưng Vanuatu - quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới - phải hứng chịu với mức độ tàn khốc.

Các nhà khoa học cho biết những cơn bão này sẽ mạnh hơn khi trái đất nóng lên và tiếp tục gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề. Thiệt hại tài chính do cơn bão kép gần đây gây ra có thể sẽ lên tới hơn một nửa GDP của Vanuatu.

Để nhận được sự ủng hộ cho ý tưởng của mình, các sinh viên đã chuyển một bản kiến nghị để thu thập chữ ký từ các giáo viên và sinh viên. Bên cạnh đó, họ còn soạn một lá thư và bản đề xuất để gửi đến chính phủ các quốc đảo Thái Bình Dương.

Sau khi nhận được phản hồi tích cực từ Vanuatu, các thành viên Hội sinh viên đã gặp ông Regenvanu - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào thời điểm đó.

"Tôi có thể đồng cảm với họ và tôi rất vui khi chứng kiến niềm đam mê cũng như niềm tin của nhóm sinh viên này. Tôi thấy phấn khởi khi nhận được đề xuất đó và bản cam kết cho sự cải tiến của họ" - ông Regenvanu cho hay. 

Chính phủ Vanuatu đã giữ lời hứa, tán thành đề xuất này và chuyển dữ liệu cho Tòa án Công lý Quốc tế.

"Chuyện này thực sự làm nên lịch sử" - Houniuhi nói. "Trong tương lai, tôi không chỉ muốn cho con tôi xem một bức tranh về hòn đảo nơi tôi sống mà tôi muốn chúng có thể trải nghiệm môi trường sống thực thụ và nền văn hóa mà tôi đã lớn lên".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn