MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường phố ở Singapore. Ảnh: Xinhua

Quốc gia đầu tiên trên thế giới xem xét luật về văn hoá tẩy chay

Thanh Hà LDO | 14/05/2023 11:30

Văn hoá tẩy chay, xu hướng trực tuyến kêu gọi mọi người, người nổi tiếng, thương hiệu và tổ chức tẩy chay những hành vi vô ý hoặc xúc phạm xã hội, đã trở thành chủ đề tranh luận trái chiều.

Tẩy chay là gì?

Đối với nhiều người, văn hoá tẩy chay là phương tiện quan trọng của công bằng xã hội và quy trách nhiệm cho những nhân vật quyền lực. Nhưng với những người khác, văn hoá tẩy chay thường bị “lạm dụng và định hướng sai” đồng thời đã trở thành một dạng quy tắc của đám đông.

Nhưng một quốc gia muốn chấm dứt hiện tượng trực tuyến gây tranh cãi sâu sắc này bằng cách đưa ra điều mà các chuyên gia pháp lý và các nhà quan sát cho rằng sẽ là luật đầu tiên trên thế giới chống lại văn hóa tẩy chay. 

Trong năm qua, chính phủ Singapore đã “tìm cách đối phó với văn hóa tẩy chay", một phát ngôn viên nói với CNN. Giới chức đang “xem xét các luật và pháp luật hiện hành có liên quan” sau khi nhận được “phản hồi” từ những người Công giáo bảo thủ.

“Mọi người nên được tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị tấn công từ cả hai phía" - Bộ trưởng Luật pháp K Shanmugam cho biết trong cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông nhà nước Singapore vào tháng 8 năm ngoái. 

Trong thông cáo với CNN, Bộ Luật pháp cho biết tác động của các chiến dịch tẩy chay có thể "rất sâu rộng và nghiêm trọng với các nạn nhân". 

“Một số không thể tham gia vào các cuộc thảo luận công khai hợp lý do sợ bị tấn công vì những quan điểm trực tuyến của họ và có thể tự kiểm duyệt vì sợ trở thành mục tiêu của các chiến dịch tẩy chay" - người phát ngôn của Bộ Luật pháp cho biết.

Luật tẩy chay sẽ như thế nào?

Điều đầu tiên mà bất kỳ luật nào giải quyết văn hóa tẩy chay phải làm là xác định hành động tẩy chay, điều mà các chuyên gia pháp lý cho là cực kỳ phức tạp do văn hoá tẩy chay gây tranh cãi. 

Trung tâm nghiên cứu Pew cho hay, cụm từ này ban đầu bắt nguồn từ thuật ngữ tiếng lóng “cancel”, đề cập đến việc chia tay với ai đó và sau đó đã thu hút được sự chú ý trên mạng xã hội. Trung tâm đã công bố một nghiên cứu xung quanh hiện tượng tẩy chay vào năm 2021 cho thấy sự chia rẽ sâu sắc của công chúng trong các nhóm nhân khẩu học ở Mỹ về chính ý nghĩa của cụm từ cũng như văn hóa tẩy chay đại diện cho điều gì.

Du khách tham quan Merlin Park Singapore. Ảnh: Tân Hoa xã 

Theo Eugene Tan, Phó Giáo sư luật từ Đại học Quản lý Singapore (SMU), vẫn “không có định nghĩa được chấp nhận” về tẩy chay và do đó, bất kỳ luật được đề xuất nào cũng phải được “xác định và diễn đạt rất rõ ràng”.

“Khi một người tuyên bố bị tẩy chay có nghĩa là gì? Làm thế nào các nạn nhân bị cáo buộc đưa ra bằng chứng về việc bị tẩy chay?" - ông đặt câu hỏi. 

Các luật sư ở Singapore nói với CNN rằng hầu hết các trường hợp tẩy chay diễn ra trực tuyến và luật mới cũng sẽ phải được soạn thảo đặc biệt có tính đến Internet và có khả năng liên quan đến sự hợp tác từ những gã khổng lồ mạng xã hội.

Luật sư Singapore Ian Ernst Chai cho biết: “Luật tẩy chay sẽ phải liên quan đến các nền tảng mà mọi người thường thảo luận hoặc tuyên truyền bất cứ điều gì liên quan đến việc tẩy chay và nơi xuất bản tư liệu". 

Theo ông, các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram và TikTok có thể được yêu cầu giám sát người dùng hoặc tuân thủ lệnh của tòa án ở một mức độ nhất định và điều này cũng có thể bao gồm việc gỡ bỏ các bài đăng và tweet được coi là “vi phạm pháp luật”. 

Các cơ chế pháp lý đặc biệt cũng sẽ cần có để xác định thủ phạm, tức người tẩy chay, các chuyên gia pháp lý khác lưu ý. Luật sư hình sự Joshua Tong cho hay: “Với văn hóa tẩy chay, mọi thứ có thể lan truyền trực tuyến ngay lập tức và danh tiếng của mọi người có thể bị hủy hoại chỉ trong vài giờ".

Trong trường hợp của Singapore, cũng đã có một số luật quy định về Internet, bao gồm dự luật chống tin tức giả mạo - có thể bị phạt tới 50.000 đô la Singapore (38.000 USD) hoặc có thể bị phạt tù tới 5 năm - cũng như các luật xử lý hành vi bắt nạt trên mạng cũng như thu thập và xuất bản trực tuyến thông tin cá nhân của người khác. 

Do đó, luật chống tẩy chay sẽ phải là luật rất khác về bản chất. Các chuyên gia luật Singapore lưu ý, việc soạn thảo luật mới có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm và sẽ phải được quốc hội nước này thông qua. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn