MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Airbus A380 từng được coi là tương lai của ngành hàng không. Ảnh: Airbus

Siêu máy bay A380 thoát khỏi viễn cảnh bị xóa sổ

Thảo Phương LDO | 24/06/2023 21:00

Đại dịch gần như đẩy A380 đến kết cục phải tái chế sớm hơn dự kiến song siêu máy bay của người khổng lồ Airbus đơn giản là không chịu chết.

Bên cạnh những siêu máy bay trở lại bầu trời sau đại dịch, Airbus A380 gây chú ý khi được một hãng hàng không mới tuyên bố hồi sinh.

Global Airlines, một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đã mua lại chiếc A380 16 tuổi làm máy bay đầu tiên của đội bay. Hãng hàng không mới cho biết họ đang trong quá trình tân trang lại siêu máy bay một thời với thông số kĩ thuật riêng của nó.

Từng được đánh giá là tương lai của ngành hàng không và chiếm được tình cảm của nhiều hành khách, song A380 lại là một thất bại của Airbus. Các hãng máy bay đã phải vật lộn để có lãi khi sử dụng A380 bởi chi phí vận hành và bảo dưỡng cho kích thước khổng lồ của nó.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Global Airlines, ông James Asquith cho biết: “A380 là một chiếc máy bay tuyệt vời khi bạn sử dụng nó đúng cách và đúng lộ trình. Chúng tôi đang đầu tư một khoản lớn vào việc tân trang lại những chiếc A380 được sử dụng trong đội bay sắp tới”.

A380. Ảnh: Airbus

Trước đó, Asquith từng thành lập Holiday Swap, một nền tảng du lịch hoán đổi nơi ở và cũng là công ty mẹ của Global. Asquith cũng đang giữ kỷ lục Guinness về người trẻ nhất đến thăm mọi quốc gia trên thế giới.

“Tôi đã trải nghiệm khoảng 280 hãng hàng không khác nhau và xem xét điều gì tốt, điều gì không hiệu quả và điều gì có thể cải thiện ở họ. Kế hoạch của chúng tôi mang theo nhiều điều thú vị mà không một hãng hàng không tư nhân mới nào có thể làm được trong 40 năm qua” - Asquith chia sẻ.

Global Airlines đã mua lại một trong những mẫu A380 được sản xuất sớm nhất và sử dụng bởi Singapore Airlines vào năm 2008. Sau 10 năm vận hành, Singapore Airlines đã chấm dứt hợp đồng cho thuê với công ty kinh doanh máy bay Doric của Đức. Một thời gian sau, công ty Hi Fly của Bồ Đào Nha đã cho thuê chiếc A380 này trên thị trường.

Chiếc A380 sau đó được sử dụng bởi một số hãng hàng không, bao gồm Na Uy Airlines, Madagascan Airlines và Air Senegal. Đến giữa năm 2020, Hi Fly đã bán một phần của A380 với hy vọng sẽ thu được lợi nhuận từ nhu cầu vận tải hàng không trong đại dịch.

Đến cuối năm 2020, Hi Fly đã kết thúc hợp đồng thuê và trả lại chiếc A380 cho Doric. Kể từ đó, siêu máy bay rơi vào trạng thái chờ người mua lại tại hai sân bay Toulouse và Lourdes của Pháp hoặc những khu vực được thiết kế đặc biệt để cất giữ lâu dài.

Theo nhà phân tích Rob Morris, Global Airlines sẽ không dễ dàng lấp đầy 484 ghế mà họ dự định sử dụng cho các máy bay A380 của mình.

“A380 là máy bay dành cho các hãng hàng không quốc gia với một số đường bay dày đặc và có doanh thu cao. A380 chưa bao giờ đạt được nhiều thành công với tư cách là một máy bay chở khách. Global Airlines rất dũng cảm khi làm những gì các hãng hàng không khác chưa từng thực hiện nhưng tôi khó có thể nhìn thấy viễn cảnh họ thành công”, ông  Morris nhận định.

Kế hoạch của Global Airlines không được đánh giá cao bởi A380 có quá nhiều nhược điểm. Ảnh: Global Airlines

Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không tại AeroDynamic Advisory cho biết: “Việc thành lập một hãng hàng không quốc tế rất nhỏ đã được thực hiện nhiều lần trước đây và không có ví dụ nào thành công. Họ đi theo một vài lộ trình dễ đoán và đều bị những ông lớn đè bẹp”.

CEO Global Airlines hiểu được những thách thức đề ra nhưng ông tin chắc rằng sự kết hợp chính xác của các yếu tố sẽ tạo nên thành công. Asquith thận trọng từ việc lựa chọn máy bay cho đến nhân sự, ông đã bổ nhiệm các cựu quan chức của Lực lượng Không quân Mỹ và Cơ quan Hàng không Vương quốc Anh vào những vị trí chủ chốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn