MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà cao tầng ở Singapore. Ảnh: Xinhua

Singapore tìm cách cạnh tranh trong cuộc đua giành đầu tư toàn cầu

Thảo Phương LDO | 02/04/2023 12:00

Theo các chuyên gia, Singapore không có thời gian “tự mãn”, nước này cần phải nhanh hơn nữa trong cuộc đua giành đầu tư toàn cầu ngày càng tăng.

Cuối năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua đạo luật mang tên “Chips và Khoa học” - điều mà ông gọi là “khoản đầu tư nghìn năm có một của Mỹ”.

Đạo luật sản xuất chất bán dẫn bao gồm khoản trợ cấp trị giá 52,7 tỉ USD và tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy chip, ước tính trị giá khoảng 24 tỉ USD.

“Trung Quốc đang cố gắng đi trước chúng ta trong dây chuyền sản xuất những con chip tinh vi. Điều đó không phải tín hiệu tích cực bởi Mỹ phải dẫn đầu thế giới ở lĩnh vực chip tiên tiến và đạo luật này sẽ là vũ khí để thực hiện điều đó” - Tổng thống Biden phát biểu trong lễ ký ban hành luật. 

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng đang tiến hành đề xuất các quy tắc nhằm hạn chế những nguồn nhận tài trợ đầu tư vào “các quốc gia nước ngoài đáng lo ngại”.

Động thái của Mỹ đã phần nào thúc đẩy các chính phủ châu Âu và châu Á đưa ra chính sách tương tự để duy trì vị thế của họ trong ngành sản xuất chip.

Bên cạnh đó, nhiều nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng, các đạo luật mới xuất phát từ sự cạnh tranh địa chính trị và kinh tế là tin xấu đối với nền kinh tế nhỏ và mở như Singapore.

Tổng thống Joe Biden ký Đạo luật Chips và Khoa học, ngày 10.8.2022. Ảnh: Twitter POTUS

Trong nhiều thập kỷ qua, Singapore đã thu hút một lượng lớn các công ty đa quốc gia đầu tư vào 3 lĩnh vực trọng điểm bao gồm: điện tử, dược phẩm và tài chính. Tuy nhiên, sự cạnh tranh cho những khoản đầu tư này đang trở nên gay gắt hơn khi chủ nghĩa dân tộc kinh tế ngày một lớn dần.

“Trong khi thương mại tự do và cởi mở vẫn đang được đánh giá cao thì chủ nghĩa bảo hộ của chính phủ lại ngày càng gia tăng” - David Sandison, người đứng đầu cơ quan thuế của Grant Thornton Singapore, nhận định.

Trong bài phát biểu về ngân sách hồi đầu năm, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong lưu ý rằng, khi Mỹ và các quốc gia khác đưa ra nhiều khoản trợ cấp khổng lồ để xây dựng những ngành công nghiệp chiến lược, thì Singapore có thể sẽ trở nên mờ nhạt so với họ.

“Singapore sẽ phải nhanh chóng thích nghi với những thay đổi mới từ chính sách của các quốc gia khác. Chỉ có làm như vậy, chúng ta mới có thể tồn tại và phát triển thịnh vượng trong một thế giới đầy khó khăn” - ông Lawrence Wong nhận định.

Các chuyên gia tin rằng, những lợi thế vốn có của Singapore, từ sự ổn định chính trị, tiềm năng phát triển kinh tế đến cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục mang lại lợi thế cho quốc gia này.

Tuy nhiên, Singapore cần phải nhanh chóng điều chỉnh các chính sách của mình để tránh gia tăng sự cạnh tranh.

Ông Andy Baik - người đứng đầu bộ phận thuế Mỹ tại KPMG Singapore - cho biết: “Mặc dù Singapore có các yếu tố khiến quốc gia này trở thành một trung tâm đầu tư kinh doanh hấp dẫn, nhưng họ vẫn cần đảm bảo rằng khung khuyến khích của mình có nhiều tính cạnh tranh, đặc biệt là trong các lĩnh vực đổi mới”.

Việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Singapore có thể giúp nước này phát triển các ngành công nghiệp then chốt và tạo cơ hội việc làm. Những công ty địa phương có thể bắt đầu với tư cách là nhà cung cấp cho các tập đoàn toàn cầu trước khi phát triển thành những công ty dẫn đầu ngành.

Singapore vẫn giữ được những lợi thế vốn có để trở thành trung tâm kinh tế, song nước này cần nhanh hơn. Ảnh: Xinhua

Năm ngoái, Singapore đã thu hút khoản đầu tư tài sản cố định kỷ lục trị giá 17 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Theo thống kê từ chính phủ, các dự án được bảo đảm triển khai dự kiến ​​sẽ tạo ra 17.113 việc làm mới trong vài năm tới.

Hội đồng Phát triển Kinh tế (EDB) cho biết, họ không mong đợi mức đầu tư tương tự vào Singapore trong năm nay, một phần do cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn