MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng cứu hộ chuyển một người sống sót sau trận động đất ở Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11.2.2023. Ảnh: Xinhua

Sống sót kỳ diệu sau 1 tuần mắc kẹt vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Khánh Minh LDO | 13/02/2023 15:52

Lực lượng cứu hộ đã kéo một người phụ nữ còn sống ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà bị sập ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13.2, một tuần sau trận động đất tồi tệ xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria làm hơn 33.000 người thiệt mạng.

Những điều kỳ diệu

Sibel Kaya, 40 tuổi, được giải cứu ở tỉnh Gaziantep, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 170 giờ sau trận động đất đầu tiên hôm 6.2, Reuters đưa tin. Các nhân viên cứu hộ ở Kahramanmaras cũng đã liên lạc được với ba người sống sót, được cho là một người mẹ, một cô con gái và một em bé, trong đống đổ nát của tòa nhà.

Ngày 12.2, các đội cứu hộ từ Nga, Kyrgyzstan và Belarus đã kéo được một người đàn ông còn sống ra khỏi một tòa nhà bị sập ở Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 160 giờ sau khi trận động đất xảy ra - theo Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga.

"Công việc cứu hộ để đưa người đàn ông ra khỏi đống đổ nát kéo dài hơn 4 giờ" - Bộ cho biết trên Telegram, cùng với một đoạn video cho thấy lực lượng cứu hộ đưa người đàn ông ra khỏi đống đổ nát.

Một người cha và con gái, một đứa trẻ mới biết đi và một bé gái 10 tuổi nằm trong số những người sống sót khác được kéo ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12.2, nhưng những điều kỳ diệu như vậy dần trở nên hiếm hoi khi số người chết tăng lên không ngừng.

Đội cứu hộ tìm kiếm người còn sống ở Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11.2.2023. Ảnh: Xinhua

Tính đến ngày 12.2, số người chết ở cả hai quốc gia đã tăng lên trên 33.000 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Đây là trận động đất kinh hoàng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939.

Tại một quận trung tâm của Antakya - một trong những thành phố bị tàn phá nặng nề nhất ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ - các chủ doanh nghiệp đã dọn sạch cửa hàng để ngăn kẻ gian lấy cắp hàng hóa.

Người dân và nhân viên cứu trợ đến từ các thành phố khác cho biết điều kiện an ninh ngày càng tồi tệ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, chính phủ sẽ kiên quyết đối phó với những kẻ cướp bóc. Ông Erdogan đang bị chỉ trích về phản ứng đối với trận động đất trong bối cảnh sắp diễn ra bầu cử vào tháng 6 - dự kiến ​​sẽ là cuộc bầu cử khó khăn nhất trong hai thập kỷ cầm quyền của ông.

Trận động đất vừa qua hiện là thảm họa thiên nhiên gây chết người nhiều thứ 6 trong thế kỷ này, sau trận động đất năm 2005 đã giết chết ít nhất 73.000 người ở Pakistan.

Tại một đám tang gần Reyhanli, những người phụ nữ che mặt khóc và đấm ngực khi thi thể được dỡ xuống khỏi xe tải - một số trong quan tài gỗ đóng kín, những người khác trong quan tài không có nắp, và vẫn còn những người khác chỉ quấn trong chăn.

Một số cư dân đã tìm cách lấy lại những gì có thể sau động đất.

Tại Elbistan - tâm chấn của cơn dư chấn mạnh ngang với trận động đất 7,8 độ richter hôm 6.2 - chủ cửa hàng điện thoại di động 32 tuổi Mustafa Bahcivan cho biết anh đến thị trấn gần như hàng ngày kể từ đó để tìm kiếm bất kỳ chiếc điện thoại nào có thể vẫn còn nguyên vẹn và có thể bán được. "Đây từng là một trong những con phố nhộn nhịp nhất. Giờ nó hoàn toàn biến mất" - anh nói.

Quang cảnh hoang tàn ở Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11.2.2023. Ảnh: Xinhua

Cứu trợ ở Syria phức tạp

Ở Syria, thảm họa ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát, một lần nữa khiến nhiều người vô gia cư, những người đã phải di dời nhiều lần bởi cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ. Khu vực này nhận được rất ít viện trợ so với các khu vực do chính phủ nắm giữ.

"Cho đến nay, chúng ta đã khiến người dân ở tây bắc Syria thất vọng" - giám đốc viện trợ của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths viết trên Twitter từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, nơi chỉ có một cửa khẩu duy nhất được mở để tiếp nhận hàng viện trợ của Liên Hợp Quốc.

"Họ cảm thấy bị bỏ rơi hoàn toàn" - Griffiths nói, đồng thời cho biết ông đang tập trung giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.

Mỹ kêu gọi chính phủ Syria và tất cả các bên khác ngay lập tức cấp quyền tiếp cận nhân đạo cho tất cả những người có nhu cầu.

Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc cho hay, viện trợ động đất từ các khu vực do chính phủ nắm giữ vào lãnh thổ do các nhóm đối lập theo đường lối cứng rắn kiểm soát đã bị cản trở bởi phải xin phép nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng đang kiểm soát phần lớn khu vực.

Một nguồn tin của HTS ở Idlib nói với Reuters, nhóm này sẽ không cho phép bất kỳ chuyến hàng nào từ các khu vực do chính phủ kiểm soát và viện trợ sẽ đến từ Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc.

Liên Hợp Quốc đang hy vọng tăng cường các hoạt động xuyên biên giới bằng cách mở thêm hai điểm biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do phe đối lập nắm giữ để chuyển hàng viện trợ.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen cho hay, Liên Hợp Quốc đang huy động tài trợ để hỗ trợ Syria. Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng nói với mọi người rằng: Hãy gạt chính trị sang một bên, đây là lúc để đoàn kết vì nỗ lực chung nhằm hỗ trợ người dân Syria”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn