MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên ngoài trụ sở của ngân hàng Silicon Valley ở Mỹ. Ảnh: Xinhua

Sức nóng từ ngân hàng Mỹ phá sản lan sang các công ty khởi nghiệp châu Á

Thanh Hà LDO | 18/03/2023 10:49

Ngay khi mơ hồ cảm thấy cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại ngân hàng Silicon Valley (SVB) có trụ sở tại Mỹ, doanh nhân người Ấn Độ Ruchit G Garg đã tìm cách rút tiền gửi của mình ở đây nhưng không thể. 

Nguồn tiền lãi suất thấp bị ảnh hưởng

"Tôi không hoảng loạn. Tôi nói với vợ rằng có thể có chút lo ngại nhưng chúng tôi không sợ hãi khi có công việc kinh doanh tốt ở Ấn Độ" - Garg, nhà sáng lập, CEO của Harvesting Farmer Network, nền tảng công nghệ nông nghiệp giúp các nông dân sản xuất quy mô nhỏ ở Ấn Độ bán nông phẩm. 

Kể từ khi đóng cửa ngân hàng Silicon Valley, các nhà quản lý Mỹ đã kiểm soát tiền gửi tại ngân hàng này cũng như tìm cách trấn an người gửi tiền rằng tiền của họ sẽ an toàn.

Hai ngày sau, giới chức Mỹ đóng cửa ngân hàng Signature Bank có trụ sở tại New York để ngăn chặn khủng hoảng lan rộng. Giống như SVB, Signature có phần lớn tiền gửi ở dạng không được bảo hiểm. 

Việc các ngân hàng phá sản làm dấy lên lo ngại khủng hoảng lan rộng trong giới tài chính toàn cầu và dẫn tới bất định cho các công ty khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực công nghệ bởi SVB có đối tượng khách hàng chính là nhóm doanh nghiệp này. 

Mối quan hệ của Garg với SVB bắt đầu từ khi ông bỏ việc ở Microsoft năm 2011 để ra mắt star-up 9Slides Inc ở Mỹ. Sau đó, ông trở lại Ấn Độ vào năm 2019 để bắt đầu gây dựng Harvesting Farmer Network nhưng vẫn giữ tài khoản tại SVB. 

Theo SCMP, các nhà phân tích nhận định, hầu hết các công ty khởi nghiệp ở châu Á sẽ không chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng hỗn loạn hiện nay trên thị trường tài chính Mỹ.

Tuy nhiên, tình hình của thị trường tài chính Mỹ sẽ tác động tới những khoản vay hoặc khoản tín dụng có lãi suất thấp đã giúp các công ty khởi nghiệp châu Á mở rộng trong những năm gần đây. 

Khi các ngân hàng trung ương khắp thế giới có nhiều hoạt động để ngăn chặn suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, trong đó có tung các gói kích thích kinh tế, các công ty khởi nghiệp công nghệ khắp Ấn Độ và Đông Nam Á ghi nhận làn sóng vốn vào lớn. 

Tuy nhiên, trong năm qua, việc tăng lãi suất đã thay cho dòng tiền này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dẫn đầu trong việc tăng lãi suất với mục tiêu chống lạm phát khi xung đột Nga - Ukraina đẩy giá các mặt hàng thiết yếu lên mức cao.

Các đợt tăng lãi suất đã làm giảm giá trị của các trái phiếu dài hạn mà SVB nắm giữ, dẫn tới các nhà đầu tư hoảng loạn đi rút tiền và cuối cùng dẫn tới ngân hàng phá sản. 

Nhũng lo ngại về khủng hoảng ngân hàng toàn cầu tăng khi tuần này cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse lao dốc. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư đã phần nào được khôi phục sau khi ngân hàng trung ương Thụy Sĩ cho biết sẽ cho Credit Suisse vay tới 54 tỉ USD.

Lo ngại những hệ quả khác

Salvatore Cantale - giáo sư tài chính tại Viện Phát triển Quản lý Quốc tế ở Thụy Sĩ - nói rằng, những vụ sụp đổ của các ngân hàng trong thời gian gần đây là hệ quả của "sự biến động lớn trong một thời gian" nhưng ông không cho rằng điều này sẽ dẫn tới "lây nhiễm tài chính".

De’Angello Harris - đối tác Singapore tại công ty tư vấn Think & Grow của Australia - nhận định, hầu hết các công ty khởi nghiệp công nghệ đã giảm chi tiêu trong năm qua khi ngân sách thu hẹp.

Tại thời điểm này, các chuyên gia không dự kiến các điều kiện tín dụng sẽ thắt chặt hơn nhưng sự không chắc chắn về việc lãi suất sẽ đi theo hướng nào và lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn, đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp, bao gồm cả những chủ doanh nghiệp ở châu Á, lo lắng.

Vinayak Sharma - nhà sáng lập kiêm CEO của công ty dịch vụ phần mềm Byteridge có trụ sở tại Hyderabad, Ấn Độ, công ty có nhiều khách hàng ở Mỹ - cho biết, ông đã lo lắng trong nhiều giờ về việc rút tiền khỏi SVB sau khi ngân hàng sụp đổ. Sự can thiệp của giới chức Mỹ khiến ông được trấn an nhưng vẫn còn lo ngại về những hệ quả khác.

“Chúng tôi dự đoán sẽ có tác động vì điều này có thể ảnh hưởng đến một số khách hàng ở Mỹ của chúng tôi. Trong trường hợp cơ quan quản lý Mỹ không can thiệp, thì đó sẽ là một thảm họa” - ông nói. 

Ông chia sẻ thêm, Byteridge được cách ly tốt hơn so với hầu hết các công ty khởi nghiệp trước các cú sốc kinh tế bởi được vốn hóa tốt và hoạt động kinh doanh rất đa dạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn