MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tắc đường ở Klang Valley của Malaysia tồi tệ hơn so với mức trước đại dịch và mở rộng tất cả các giờ trong ngày thay vì chỉ trong giờ cao điểm. Ảnh chụp màn hình

Tắc đường ở thủ đô Malaysia, chuyển nhà để tiết kiệm thời gian di chuyển

Thanh Hà LDO | 18/07/2023 13:51

Tình trạng tắc nghẽn giao thông ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và các khu vực lân cận đã tồi tệ hơn mức trước đại dịch. Một số vụ tắc đường dường như kéo dài cả ngày thay vì chỉ trong giờ cao điểm.

Trước tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng, người dân ở Kuala Lumpur đã dùng đến nhiều biện pháp để giải quyết, trong đó có những biện pháp quyết liệt như chuyển nhà.

Vợ chồng May Saw - chủ một doanh nghiệp - chuyển đến nhà bố mẹ chồng để tránh tắc đường. “Sau đại dịch COVID-19, giao thông trên đường lúc nào cũng nhiều hơn" - bà chia sẻ với The Straits Times.

Cặp đôi đã mua một ngôi nhà ở Kepong, ngoại ô Kuala Lumpur nhưng quyết định sống với bố mẹ chồng ở thành phố Petaling Jaya của Selangor vì gần nơi làm việc cũng như trường học của con họ hơn. Khoảng cách từ Kepong đến Petaling Jaya là khoảng 12 km.

“Đi lại từ Kepong trong giờ cao điểm cần từ 1 đến 1 tiếng rưỡi. Chúng tôi không thể chịu được ùn tắc và đang lãng phí thời gian đi lại" - bà May nói. Bà cho biết thêm, việc sống chung với bố mẹ chồng giúp gia đình tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại hàng ngày hơn.

Dữ liệu từ chuyên gia lập bản đồ kỹ thuật số TomTom nhận thấy, giao thông tắc nghẽn hơn so với trước đại dịch, do các quy định ngừa COVID-19 đã được dỡ bỏ và nhiều công sở yêu cầu nhân viên đến văn phòng. Số lượng tài xế trên đường cũng tăng lên do nhiều hành khách không muốn đi các phương tiện công cộng vì lo sợ lây nhiễm COVID-19.

Theo TomTom, trung bình cần 16 phút 10 giây để lái xe 10 km trong năm 2022, tăng thêm hơn 1 phút 40 giây so với năm 2021.

Tuy nhiên, lúc 18h ngày 7.7, tốc độ lưu thông trực tiếp là 26,9 km/h, và thời gian di chuyển 10 km là 22 phút 18 giây. Mỗi người lái xe có 159 giờ lái xe trong năm 2022 - với 75 giờ, tương đương 47%, trong số đó là do tắc nghẽn.

Tháng 3 năm nay, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố cần phải giải quyết vấn đề ùn tắc. “Các vấn đề về giao thông công cộng và tắc nghẽn giao thông sẽ ảnh hưởng đến năng suất và đất nước do người lao động lãng phí thời gian di chuyển khi đi làm" - ông nói.

Tháng 5 năm nay, Phó Thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi tuyên bố, cuộc họp của ủy ban nội các về tắc nghẽn giao thông đã đặt mục tiêu tới năm 2030 giải quyết tắc nghẽn giao thông ở Kuala Lumpur.

Ông cho hay, một trong những giải pháp trước mắt là mở lại những con đường đã bị đóng để làm đường và xây dựng. Một số con đường ở khu vực Klang Valley sầm uất đã bị đóng cửa hơn 2 năm do làm đường và xây dựng, từ đó ảnh hưởng tới giao thông hàng ngày trên các tuyến đường và cao tốc xung quanh.

Nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Sem Xiao Hui (39 tuổi) sống ở Subang Jaya và làm việc tại Kuala Lumpur, sử dụng phương tiện công cộng để tránh kẹt xe.

“Đi đường sắt LRT từ Kuala Lumpur đến Subang Jaya giúp chúng tôi tiết kiệm năng lượng, nghỉ ngơi hoặc thậm chí hoàn thành một số công việc trong khi đi lại. Tôi cũng có thể đón các con ở nhà trẻ đúng giờ" - bà Sem, người Singapore và kết hôn với một người Malaysia, cho biết.

Trường mẫu giáo của con Sem Xiao Hui cách ga LRT ở Subang Jaya khoảng 5 đến 10 phút đi bộ.

Nhà nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng cho biết thêm, vào giờ cao điểm, đi phương tiện công cộng có thể tiết kiệm tới 45 phút so với lái xe.

“Sử dụng LRT (hệ thống đường sắt LRT - PV) rất dễ dàng, bạn tiết kiệm được rất nhiều so với việc sử dụng dịch vụ đi chung xe hoặc taxi và bạn cũng tiết kiệm được lượng xăng tiêu thụ" - Sem cho hay.

Theo Sem, nhược điểm duy nhất của phương tiện giao thông công cộng ở Klang Valley là thiếu kết nối chặng cuối từ các ga LRT đến nhà ở. Sem thường đặt xe hoặc gọi xe ngoài trong khi chồng Sem thường đi xe đạp ở chặng cuối nhưng đường dành cho xe đạp không rõ ràng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn